Trong 2 năm 2015 và 2016, Sở Công Thương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại theo chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh hàng năm đã đề ra; chủ động tham mưu, đề xuất lựa chọn xúc tiến đầu tư tại các quốc gia có tiềm năng về vốn và khoa học công nghệ,công nghiệp cao, có nhiều cơ sở để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế; tổ chức tốt các hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh Đồng Nai và các buổi tiếp xúc, gặp gỡ các tập đoàn, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài…; tổ chức các chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp các ngành, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tăng cường giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nông dân, trang trại của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng từ đó có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều tích cực trong việc cải tiến, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có phần đóng góp của BQL các KCN tỉnh, đã mang lại kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Lũy kế đến 31/12/2016 trên địa bàn tỉnh có 1.664 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 30, 3 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.253 dự án có tổng vốn là 25,7 tỷ USD.
Ông Lại Thế Thông - Trưởng Ban KT-NS HĐND trao đổi một số nội dung với
các Hiệp hội về công tác xúc tiến đầu tư và thương mại trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh còn có một số hạn chế, khó khăn, cụ thể: Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh ban hành chậm, do đó, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư đã thực hiện trước khi UBND tỉnh phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư, dẫn đến việc chuẩn bị thông tin, tài liệu phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư còn hạn chế. Các đơn vị giao nhiệm vụ xúc tiến đầu tư chưa thực sự chủ động, chưa có số liệu nghiên cứu về dung lượng thị trường cụ thể. Việc theo dõi, giữ liên lạc sau các đợt hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, xúc tiến đầu tư tại chỗ với các đối tác và phát triển mối quan hệ để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát một số doanh nghiệp còn phản ánh về một số thủ hành chính chưa thực hiện song song, nên mất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục xin phép đầu tư như: thủ tục phê duyệt báo cáo tác động môi trường, cấp giấy phép xây dựng, giấy phép cho người lao động nước ngoài...
Công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị có liên quan trong việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến việc tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình xúc tiến thương mại hàng năm chậm và thiếu, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh. Bên cạnh đó, thông tin về chương trình xúc tiến thương mại hàng năm, nhất là các chương trình hội chợ, triển lãm đến với doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất trong tỉnh còn chậm. Việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thương mại, tuyên truyền, quảng bá ngành hàng, sản phẩm theo như quy định. Việc cung cấp thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo các ngành hàng còn một số bất cập, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp chủ yếu là những số liệu đơn thuần, thiếu sự phân tích. Chương trình xúc tiến thương mại trong thời gian qua vẫn chưa có sự đổi mới rõ rệt, chưa tạo được sự chủ động của các Hiệp hội, hội nghề nghiệp tham gia; nội dung xúc tiến thương mại còn dàn trải, thành phần tham gia xúc tiến thương mại tương đối rộng; chưa xác định được thị trường cụ thể đối với những sản phẩm có thế mạnh, nhằm giúp các ngành hàng phát triển.
Nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã kiến nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ, tham mưu tốt cho UBND tỉnh trong việc xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư, Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh; chủ động nghiên cứu đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư một cách khoa học, có định tính, định lượng làm cơ sở xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại có hiệu quả. Các chương trình phải xác định rõ mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm gắn với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và đặc biệt phải được phê duyệt đúng thời gian quy định. Khuyến khích tổ chức hoặc tham gia các diễn đàn của các hiệp hội, doanh nghiệp (như hình thức “Cà phê doanh nhân”) có sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, để tăng cường gặp gỡ, trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp…
Nguyễn Bình