Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủTin nổi bật

Những điểm mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương

Đăng ngày: 04/06/2020
​Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, có nhiều sửa đổi, bổ sung về tổ chức chính quyền địa phương.
 

​Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương (sau đây gọi là Luật) gồm có 4 điều với điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ; điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương; điều 3 quy định về hiệu lực thi hành và điều 4, điều khoản chuyển tiếp.

Điều 2 (với 33 khoản), sửa đổi, bổ sung 38/143 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân quyền, phân cấp và ủy quyền; tổ chức Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương …

1. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1, 14, 17, 24 và 25)

Để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung theo hướng linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không phải tất cả đơn vị hành chính đều bắt buộc tổ chức chính quyền địa phương (quận, phường và các đơn vị hành chính cấp xã ở huyện đảo có thể không tổ chức chính quyền địa phương, do Quốc hội quyết định).

Quy định nêu trên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội tiến hành thí điểm mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp ở những nơi có đủ điều kiện (quận, phường và các đơn vị hành chính cấp xã ở huyện đảo có thể không tổ chức Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định).

luat to chuc chinh quyen dia phuong.JPG
Quang cảnh Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016-2021
 

2. Về Thường trực Hội đồng nhân dân (khoản 2)

Hạn định lại nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, theo đó, Thường trực HĐND chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của luật có liên quan. Trong khi, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định “Thường trực HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Điểm khác biệt ở đây là Thường trực HĐND chỉ thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các văn bản luật, không thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết các điều, khoản trong luật như Thường trực HĐND đã thực hiện trước đây (các Nghị định, Thông tư, Quyết định …).

3. Về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 3)

Bổ sung thêm tiêu chuẩn về quốc tịch, đó là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

4. Về phân quyền, phân cấp và ủy quyền (khoản 4, 5, 6 và 7)

- Quy định cụ thể về điều kiện nguồn lực phải bảo đảm trong việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương là điều kiện nguồn lực về tài chính và nhân lực (và các điều kiện cần thiết khác); gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Trước đây, Luật chỉ quy định về nguồn lực chung chung, không nêu cụ thể là nguồn lực về tài chính và nhân sự.

-  Quy định cụ thể hơn về việc ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương trong trường hợp cần thiết và bổ sung thêm thẩm quyền của Chủ tịch UBND trong việc ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

5. Về số lượng, cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân

- Luật sửa đổi, bổ sung khung số lượng đại biểu HĐND theo hướng giảm từ 10% đến 15% số lượng đại biểu HĐND ở từng loại hình đơn vị hành chính (khoản 8, 9, 10, 13, 15, 16 và 18).

- Luật bỏ quy định Chánh Văn phòng trong Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quy định rõ số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nếu Chủ tịch hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch; nếu Chủ tịch hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch). Giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện (từ 02 người xuống còn 01 người). Bổ sung Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã là Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã (khoản 8, 9, 10, 13, 15, 16, 18, 21, 26 và 32).

- Luật quy định rõ nếu Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì có một Phó Trưởng ban; nếu Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Trưởng ban (khoản 8).

6. Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương (khoản 29)

Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ quy định khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ; còn tên gọi, mô hình, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và biên chế của bộ máy giúp việc chính quyền địa phương do Chính phủ quy định. Cách quy định khái quát, mềm dẻo như vậy sẽ vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc cụ thể hóa chủ trương hợp nhất các Văn phòng, không phụ thuộc vào kết quả tổng kết thí điểm, vừa bảo đảm tính thống nhất với việc quy định về bộ máy giúp việc các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020).

luat to chuc chinh quyen dia phuong - 2.JPG
Hội nghị giao ban giữa HĐND tỉnh với Đoàn ĐBQH, UBND, UBMTTQVN tỉnh
và HĐND cấp huyện năm 2019
 

7. Về tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 giao Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (khoản 4 Điều 9).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng:

- Không giao Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (khoản 33 Điều 2);

- Giao Chính phủ quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (khoản 1 Điều 1)

Như vậy, sự khác biệt ở chỗ, Chính phủ chỉ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương chủ động quyết định thành lập cơ quan chuyên môn trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.

Việc Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND sẽ hình thành một phạm vi xác định những cơ quan chuyên môn nhất thiết phải tổ chức (như Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế), những cơ quan chuyên môn có thể tổ chức linh hoạt tùy theo đặc điểm, tình hình của địa phương (như Kế hoạch, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Công Thương ... ) và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, không phải địa phương nào cũng có (như Dân tộc, Ngoại vụ, Du lịch, Quy hoạch kiến trúc). Như vậy, sẽ có sự phân biệt về cơ cấu tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn, đô thị và hải đảo; không còn tình trạng phải tổ chức đồng nhất - như nhau giữa các địa phương, không phải trung ương có cơ quan nào thì địa phương có cơ quan đó, địa phương này có cơ quan nào thì địa phương khác cũng có cơ quan đó.

Về số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đây là một tiêu chí để thành lập cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, số lượng biên chế tối thiểu cũng là một trong những cơ sở quan trọng để tiến hành sắp xếp, tổ chức lại, kiện toàn các cơ quan chuyên môn hiện có theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quy định số lượng biên chế tối thiểu không ảnh hưởng đến chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước mà trong bối cảnh hiện nay, quy định này sẽ là cơ sở để sắp xếp, thu gọn tổ chức bộ máy, từ đó sẽ tinh giản được biên chế.

8. Một số nội dung khác

- Ủy ban nhân dân cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch (khoản 12, 20 và 23). Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã loại II có 01 Phó Chủ tịch.

- Luật bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp xã (do UBND cấp xã xây dựng) trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (khoản 11, 19 và 22).

- Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri (liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu so với quy định trước đây “liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình”; sự khác biệt ở đây là phạm vi cử tri mà đại biểu HĐND phải liên hệ đã được mở rộng từ “cử tri ở đơn vị bầu cử” đến “cử tri ở đơn vị hành chính mà đại biểu đại diện”) và thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân; về tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định (khoản 27, 28 và 30).

- Không còn khái niệm “họp bất thường” (khoản 31). Cụm từ “bất thường” được thay bằng cụm từ “chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Tuy nhiên, từ ngày Luật có hiệu lực cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Trọng Huy