Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, đại biểu cho rằng Đồng Nai có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nhưng việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng do đó cần làm rõ nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu vừa là thảo luận, vừa là giải trình tại kỳ họp, ông Nguyễn Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, ủy viên UBND tỉnh đã trình bày thể hiện một bức tranh tổng thể về công tác phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua, những giải pháp và lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
Trước hết là những con số của ngành du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh đã thu hút được 2 triệu lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng (cả nước là 47 triệu lượt khách), số khách tăng 12% và doanh thu tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016, đây là con số rất ấn tượng, cao nhất từ trước tới nay đối với ngành du lịch của tỉnh, nguyên nhân đạt được là một số điểm du lịch mới được đưa vào khai thác trong năm 2016, 2017 như công viên văn hóa Suối Mơ, hệ thống cáp treo khu du lịch Núi Chứa Chan, một số cơ sở được nâng cấp tạo ra những dịch vụ, sản phẩm mới ở những điểm du lịch hiện có.
Tuy nhiên, nhìn chung du lịch Đồng Nai chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh bởi những tồn tại, hạn chế sau: Quy mô kinh tế phát triển du lịch Đồng Nai còn nhỏ; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch còn rất hạn chế, hiện toàn tỉnh có 20 điểm du lịch, trong số những điểm du lịch đó chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ chỉ có 3 - 5 điểm là ở mức vừa; hệ thống lưu trú còn rất nghèo nàn; sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu sức cạnh tranh; con người làm du lịch ở một số nơi chưa thật sự chuyên nghiệp; vị trí địa lý của tỉnh nằm giữa các trung tâm phát triển du lịch của vùng phía Nam, có sức hấp dẫn mạnh hơn; chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch chưa có; kết cấu hạ tầng kết nối những nơi có tiềm năng phát triển du lịch nhìn chung còn nhiều hạn chế; công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa phát huy hết.
Thấy được những tồn tại, hạn chế, thời gian qua ngành VHTT&DL đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND đưa ra những nhóm giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch như: tham mưu cho lãnh đạo tỉnh huy động các nguồn lực để đầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật ở những nơi có tiềm năng và lợi thế so sánh; mời gọi nhà đầu tư vào những dự án, những điểm, khu du lịch có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao như: Hồ Đa Tôn, Thác Mai, Hồ Nước Trong, Hồ Trị An, Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai; mời gọi đầu tư du lịch trên sông Đồng Nai để kết nối các địa chỉ du lịch di tích, danh thắng; có cơ chế chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch hiện có: quảng bá xúc tiến du lịch thông qua nhiều kênh: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch.
Du lịch là ngành kinh tế, dịch vụ, tổng hợp mang tính xã hội hóa cao, là ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị lớn về môi trường, tạo ra nhiều việc làm; để phát triển du lịch phụ thuộc rất lớn từ sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Ngoài các nội dung thảo luận, giải trình của Giám đốc sở VHTT&DL, đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp tham gia thảo luận đề cập đến các vấn đề và giải pháp khác như: Muốn phát triển du lịch thì phải tạo ra điểm, tuyến du lịch. Theo đại biểu, hiện đã có tuyến du lịch nhưng các điểm du lịch đầu tư còn chưa đáp ứng; muốn phát triển thì thời gian tới phải kêu gọi đầu tư để phát triển các điểm du lịch. Về thủ tục để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia phải được mở ra, cụ thể như thủ tục đầu tư khu vực hồ Đa Tôn, mở rộng điêm du lịch Suối Mơ, theo đại biểu thì quá trình nghiên cứu hồ sơ của các ngành còn quá chậm.
Một góc độ khác được đại biểu quan tâm đề cập đến là du lịch tâm linh. Đồng Nai có nhiều tiềm năng, có nhà thờ, có chùa là những di tích Quốc gia cần khai thác để đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhu cầu du lịch của khách ngày càng đa dạng, phải xác định du khách không chỉ cần có khách sạn 5 sao để nghỉ mà phải quan tâm chủ yếu đến mảng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây chính là những lợi thế của Đồng Nai nhưng không tận dụng được, thậm chí có doanh nghiệp xin đầu tư nhưng thủ tục xem xét chậm, có doanh nghiệp đầu tư nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa khai thác được như Khu du lịch Sơn Tiên do đó phải tiếp tục nghiên cứu cách thức để giúp cho các nhà đầu tư.
Một hình ảnh về du lịch được đại biểu HĐND tỉnh phác họa đó là đầu tư phát triển du lịch là “bỏ ra tiền chẵn, nhưng thu về liền lẻ” bởi kinh phí đầu tư cho du lịch là rất lớn. Điều này càng đặt ra yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm đến việc giải quyết các thủ tục đầu tư; phải tạo sự thông thoáng, không để việc đầu tư kéo dài nhiều năm. Để thực hiện điều đó, lãnh đạo tỉnh đã thể hiện quyết tâm, như lời kết luận của Chủ tọa kỳ họp: Sắp tới tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để tiếp tục tạo ra những thuận lợi cho phát triển du lịch trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Oanh