 |
Ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu nêu một số kiến nghị về hoạt động khoáng sản |
Qua khảo sát thực tế các khu mỏ đang khai thác, hầu hết đều chưa khai thác hết số diện tích mỏ được cấp phép, phần lớn các mỏ đều khai thác vượt độ sâu cho phép. Nhưng một thực tế đáng quan tâm đó là các đơn vị khai thác đều báo cáo với Đoàn khảo sát là làm thủ tục xin và đã được UBND tỉnh cho phép thăm dò với số diện tích mỏ mở rộng và tăng thêm độ sâu khai thác. Như vậy việc khai thác vượt độ sâu sẽ được hợp thức hóa bằng giấy phép mới còn diện tích mỏ sẽ được mở rộng trong khi số diện tích cũ vẫn chưa khai thác hết.
Đối với mỏ sét Thạnh Phú, thuộc huyện Vĩnh Cửu, do Công ty BBCC tiến hành khai thác theo Quyết định số 1103/QĐ-CTUBT với diện tích khai thác 57 ha, thời hạn khai thác từ 8 năm từ tháng 4 năm 2002 đến tháng 12 năm 2010; công suất khai thác là 300.000 m3/năm. Nhưng từ khi được cấp phép đến hết năm 2008 (hơn 6 năm) mới khai thác được 131.303 m3, như vậy được cấp phép khai thác sét, nhưng Công ty BBCC chưa thực hiện đầy đủ theo giấy phép. Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ban KTNS, Công ty BBCC đã báo cáo là hiện nay Công ty sắp hoàn thành báo cáo thăm dò khai thác đá tại vị trí mỏ sét này, nhưng với diện tích thăm dò lên tới trên 115 ha, Công ty đang chỉnh sửa hoàn thiện để trình UBND tỉnh ra quyết định trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Cửu, phát biểu với Đoàn giám sát, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Vĩnh Cửu có ý kiến chưa đồng ý với việc thăm dò để mở rộng khai thác mỏ với diện tích 115 ha của Công ty BBCC, mặc dù thẩm quyền thuộc về UBND tỉnh, nhưng cũng cần xem lại chỉ nên mở rộng với diện tích phù hợp và không nên cho khai thác quá gần khu dân cư, vì trong số diện tích 115 ha này nằm sát khu dân cư tập trung, khi khai thác khó tránh khỏi việc khiếu nại của dân về ô nhiễm do bụi, tiếng ồn...
Đối với Mỏ Tân Cang 1 tại huyện Long Thành, Công ty BBCC đang khai thác trên diện tích cho phép là 29,9 ha, độ sâu cho phép -20 mét, công suất khai thác là 1.300.000 m3 đá nguyên khối (tương đương 1,5 triệu m3 đá thương phẩm), thời hạn khai thác đến ngày 30/4/2013. Nhưng hiện tại Công ty BBCC mới khai thác trên số diện tích khoảng 11 ha, công suất khai thác năm 2008 chỉ đạt 0,5 triệu m3, thiết bị phục vụ khai thác cũng không đáp ứng với công suất được cấp phép, bên cạnh đó thì Công ty lại khai thác vượt độ sâu cho phép (thực tế khai thác với độ sâu -27 mét). Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát, Công ty BBCC đã trình bày lý do vi phạm độ sâu, đồng thời việc tiêu thụ khối lượng đất (từ bốc tầng phủ) cũng gặp khó khăn; nhưng tại buổi làm việc này, Công ty BBCC cho biết là đang hoàn chỉnh Báo cáo thăm dò khoáng sản để mở rộng diện tích Mỏ khai thác từ 29,9 ha lên 130 ha và tăng độ sâu khai thác từ -20 mét lên -60 mét. Vậy mặc dù diện tích khai thác chưa thực hiện hết, công suất hàng năm không đạt, nhưng Công ty BBCC vẫn tiếp tục được thăm dò và chuẩn bị cho việc khai thác mở rộng diện tích?
Đối với công tác quản lý nhà nước đối với các mỏ đã hết hạn khai thác cũng chưa được quan tâm, tại buổi làm việc với UBND huyện Vĩnh Cửu và UBND huyện Long Thành đều có kiến nghị với Sở Tài nguyên Môi trường trong việc làm các thủ tục đóng cửa mỏ để bàn giao cho địa phương quản lý. Như trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 11 mỏ, trên địa bàn huyện Long Thành có 5 mỏ đã ngưng khai thác từ năm 2007 nhưng chưa làm các thủ tục đóng cửa mỏ. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khoáng sản, thay thế Thông tư liên tịch số 126/1999/TTLT-BTC-BCN-BKHCNMT, nhưng qua khảo sát cho thấy vẫn còn đơn vị thực hiện theo Thông tư liên tịch 126, Đoàn đã đề nghị đơn vị thực hiện theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy việc quản lý nhà nước trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường còn nhiều nội dung cần quan tâm; khi được cấp giấy phép khai thác, chế biến các đơn vị khai thác mỏ đều có thiết kế cơ sở và bản vẽ thi công được duyệt, nhưng đơn vị không chấp hành và tiếp tục được cơ quan chức năng tham mưu cho gia hạn hoặc cấp giấy phép khai thác mới là điều cần quan tâm trong công tác quản lý nhà nước đối với nguồn tài nguyên khoáng sản.
Nguyễn Thị Phi