Theo như thỏa thuận sơ bộ thì có khoảng 94% hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ được đánh thuế nhập khẩu từ 15% trở xuống, riêng thiết bị xây dựng , dược phẩm và các sản phẩm hàng không chỉ chịu thuế suất từ 0% đến 5%. Về nông sản, Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất 15% trở xuống cho nông sản như : bông vải, thịt bò, thịt heo, lê, táo, nho và đậu nành được nhập từ Mỹ. Còn dịch vụ, Việt Nam mở cửa thông thoáng các thị trường viễn thông, phân phối, tài chính, năng lượng và mở rộng hơn nữa ngành bảo hiểm và ngân hàng. Tiếp đến, hàng rào phi thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác cũng phải được tháo dỡ căn bản, độc quyền thương mại cũng sẽ được bãi bỏ, đặc biệt Việt Nam phải cam kết tuân thủ các luật pháp quốc tế và nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Khi đã gia nhập WTO là phải mở cửa và hội nhập về kinh tế, đồng thời phải mở cửa và hội nhập về pháp luật. Một đòi hỏi lớn lao là Việt Nam phải mau chóng ban hành luật pháp đầy đủ, chi tiết, minh bạch, đồng thời phải có cơ chế bảo đảm pháp luật đi ban hành phãi được thực thi một cách công bằng và thật nghiêm minh. Hiện nay, Việt Nam yếu nhất vẫn là khâu trien khai và thực hiện các quy định một cách công bằng và nghiêm minh. Quốc hội Việt Nam đã cơ bản ban hành luật về dân sự và thương mại, nhưng khi ban hành đến các địa phương thì công tác xét xử trở nên chậm chạp, kéo dài , thiếu nhất quán và hiệu quả thi hành án thấp ( một số nơi rất thấp ). Điều này làm cho người dân hạn chế tin tưởng và rất ngại sử dụng các công cụ luật pháp. Hiện trạng pháp luật kém sẽ là trở ngại lớn cho việc gia nhập WTO của Việt Nam. Cứ cho là Việt Nam sẽ gia nhập WTO đi, nếu mặt bằng pháp lý không được cải thiện nhanh chóng thì Việt Nam sẽ không đủ sức bảo vệ cho công dân nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam thì sẽ bị mất uy tín, thậm chí còn rắc rối về ngoại giao.
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng “ ..sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật ... ”. Từ một lối sống ít quan tâm đến phương tiện thông tin đại chúng, không hiểu lắm về luật pháp, “ đùng cái ” bắt người dân phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật không phải là chuyện dễ chút nào. Trước đây, người dân Việt Nam đã trãi qua nhiều khó khăn để giành lại được độc lập. Giờ đây, người dân phải vật lộn với kinh tế trên con đường hội nhập. Khẩu hiệu “ sống và làm việc theo pháp luật..” sẽ không còn là khẩu hiệu nữa khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO mà nó trở nên bắt buộc chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc.
QUANG KIỆM