Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp cấp tỉnh và quy hoạch sản xuất nông nghiệp cấp huyện cho tất cả các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, trong đó quy hoạch cánh đồng lớn cho 19 loại cây trồng với diện tích hơn 155.900 ha; quy hoạch sắp xếp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 là 20 cơ sở tập trung và 15 cơ sở vệ tinh; hình thành 25 vùng sản xuất tập trung, trong đó một số sản phẩm đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu là cà phê, tiêu, điều; 11 sản phẩm đã có nhãn hiệu (xoài La Ngà, bưởi Tân Triều, rau Trảng Dài, rau Trường An, sầu riêng Long Khánh, chuối Thanh Bình, tiêu Xuân Lộc, tiêu Thanh Bình, điều Donafood, rau mầm Hoàng Anh, gạo sạch Tân Bình Lục), có chỉ dẫn địa lý (bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh); nhiều sản phẩm đã sản xuất theo qui trình GAP (bưởi, xoài, chôm chôm, chuối, ổi, rau). Một số lĩnh vực nổi bật như:
Trên lĩnh vực trồng trọt, đã chuyển đổi được khoảng 2.708 ha lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn. Đối với các vùng khô hạn, nhiễm mặn từng bước chuyển trồng lúa sang phát triển các cây chịu hạn, cỏ làm thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, nhiều mô hình cánh đồng lớn gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị tiếp tục được xây dựng như ca cao, điều, cà phê, rau, cacao, cây ăn quả, mía, sắn, bắp,...ở các địa phương với diện tích khoảng 80.000 ha; công tác chế biến được quan tâm đầu tư ở các ngành hàng chủ lực như: mía đường, cà phê, cao su, trái cây, lâm sản, nhiều diện tích cây trồng được bao tiêu sản phẩm (mía, điều, cacao, cà phê, cao su, hồ tiêu, bắp, sầu riêng, xoài, cam quýt bưởi, chôm chôm,...).
- Trên lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng được phổ biến, áp dụng ngày càng rộng rãi, nhất là ở các hộ trang trại chăn nuôi heo và gà quy mô lớn, đã góp phần nâng trình độ sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh đạt cao hơn so với mặt bằng chăn nuôi chung của cả nước, tiếp cận với các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 139 vùng phát triển chăn nuôi với quy mô 15.674,7 ha; có 523 trang trại hoạt động trong các vùng quy hoạch; xây dựng được 226,66 km đường (bao gồm cả đường trục chính và đường nhánh), đạt 34,61% so với quy hoạch đã phê duyệt; xây dựng được 283,59 km đường điện (bao gồm cả trung thế và hạ thế% đạt 47,47 % so với quy hoạch đã phê duyệt.
Cà phê Robusta giống TR4 cho năng suất cao
Trong 2 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên, tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu, trên thực tế vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng chưa thực sự vững chắc. Năng suất chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp (điều, cao su, cà phê, xoài, lúa, mía, sắn, đậu các loại...), cộng với chi phí sản xuất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập là những tác nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản thấp. Thu nhập và đời sổng của người dân, nhất là các huyện nông nghiệp, ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện quy hoạch còn gặp khó khăn. Sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong đó sản phẩm có nguồn gốc động vật mới chỉ kiểm soát được khoảng 60%. Giá vật tư nông nghiệp luôn ở mức cao; nhân công làm nông nghiệp khó thuê mướn dẫn đến tăng giá thành, giảm lợi nhuận và giảm sức cạnh tranh của nông lâm sản hàng hóa.
Do đó, để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh đã xây dựng một số giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền; ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; tăng cường xức tiến thương mại, khuyến khích cho các doanh nghiệp thu mua, áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nông dân, ...
Nguyễn Bình