 |
Đoàn công tác của UBVCVĐXHQH làm việc tại Đồng Nai |
Tranh chấp lao động ở Đồng Nai vẫn gia tăng
Theo báo cáo của Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, năm 2008, Đồng Nai đã xảy ra 185 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể của trên 85.066 công nhân lao động (CNLĐ) tại 177 doanh nghiệp. Trong đó có 167 vụ xảy ra ở các doanh nghiệp liên doanh đầu tư nước ngoài. Địa bàn xảy ra nhiều nhất là các KCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch với 53 vụ; KCN Biên Hoà 59 vụ và 36 vụ ở KCN Long Thành…Năm 2008, thu nhập bình quân của CNLĐ trên địa bàn khoảng 1.350.000 đồng/người/tháng. Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu nhập bình quân là 1.600.000 đồng/người/tháng; cao nhất trên 7,8 triệu đồng, thấp nhất là 945.000 đồng. Doanh nghiệp Nhà nước mức bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường áp dụng cơ chế trả lương theo ngày với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều đóng BHXH cho người lao động theo quy định. Tuy nhiên theo báo cáo của các cấp công đoàn vẫn còn 102 doanh nghiệp chưa thực hiện đóng BHXH, BHYT cho người lao động và nợ trên 43 tỷ đồng như công ty Lilama 45-1 nợ trên 5 tỷ đồng; Star Print nợ trên 1,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 429/739 doanh nghiệp ký thoả ước lao động tập thể…Từ những thực trạng trên cho thấy tình hình tranh chấp lao động vẫn tăng cả về số vụ cũng như các yêu cầu đòi hỏi của người lao động tập trung chủ yếu về lợi ích. Người lao động đòi hỏi phải tăng phụ cấp trượt giá, chất lượng bữa ăn phải tốt hơn; hỗ trợ tiền nhà ở, tiền xe đi lại, tăng lương cao hơn; không kéo dài thời gian thử việc và gây khó khăn khi giải quyết tranh chấp lao động…
Tăng cường thượng lượng đối thoại -giải pháp để giải quyết tranh chấp lao động
Đồng Nai hiện đang xây dựng và bước đầu áp dụng hiệu quả các cơ chế đối thoại thương lượng giữa các bên trong quan hệ lao động như phối hợp với các tổ chức Hiệp hội để triển khai pháp luật lao động cho doanh nghiệp và người lao động. Ông Hisao Yoshikawa, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn Đồng Nai cho rằng: muốn ngăn ngừa tranh chấp lao động hiệu quả thì bản thân người lao động phải nắm luật, hiểu luật và tuân thủ đúng theo luật quy định. Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc tuyên truyền, giảng dạy pháp luật trong các doanh nghiệp của Hiệp hội chúng tôi. Ông Cheng Wen Hung, chủ tịch Hiệp hội Đài Thương tại Đồng Nai nói: tôi đã có 12 năm làm việc ở Việt Nam, trong đó có 10 năm làm việc tại Đồng Nai, tôi nhận thấy Luật Lao động ở Việt Nam còn một số bất cập. Hiện trong tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động nên yêu cầu phải điều chuyển công việc của người lao động từ nơi này sang nơi khác để đảm bảo ổn định sản xuất. Nhưng Luật lại quy định người lao động có quyền từ chối vị trí làm việc khác với vị trí đã được ghi trong hợp đồng lao động. Đó là điều khó khăn cho doanh nghiệp chúng tôi, nhất là trong tình hình hiện nay nên doanh nghiệp của chúng tôi rất khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất ổn định.
Cùng với việc phối hợp với các Hiệp hội, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và Ban quản lý các KCN còn phối hợp trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thoả ước lao động tập thể và thành lập được Hội đồng trọng tài lao động tại cơ sở; chú trọng nâng cao vai trò của CĐCS để tăng cường cơ chế thương lượng, đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ở những doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng được thoả ước lao động tập thể và thực hiện thành nền nếp thì ít có tranh chấp xảy ra. Bà Mai cho rằng: trong quá trình khảo sát thực tế thì chính những thiết chế mà các tỉnh thành đã làm nhằm tăng cường đối thoại thương lượng để ngăn ngừa tranh chấp lao động cũng là điều đặt ra cho các nhà làm Luật sẽ phải có những điều chỉnh trong thời gian tới; nhất là đánh giá được tầm quan trọng của việc xây dựng các thiết chế để tạo ra mối quan hệ lao động hài hoà.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt, chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh cho rằng: chúng ta thường nói CĐCS trong doanh nghiệp hầu hết còn yếu, chưa phát huy vai trò trong giải quyết tranh chấp nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đã có cơ chế cụ thể nào để CĐCS hoạt động hiệu quả chưa? chẳng hạn như chúng ta còn thiếu thiết chế là yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cho CĐCS để họ còn kịp thời có kế hoạch tuyên truyền hướng dẫn người lao động gắn bó với doanh nghiệp và chia sẻ khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Mặt khác về thời gian hoạt động công đoàn theo mục 2 Điều 155 của Luật Lao động chỉ cho phép người làm công tác công đoàn hoạt động khi được chấp thuận của người sử dụng lao động (phải thoả thuận) và thời gian làm công tác công đoàn phải tính đến tính chất và quy mô lao động mới hợp lý. Hoặc quyền của CĐCS được tham gia những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động ở doanh nghiệp không được nêu trong Luật Công đoàn cụ thể, mà Luật chỉ nêu chung chung là CĐCS được tham gia vấn đề này, kia là khó thực hiện…. Vì thế đã đến lúc những nghiên cứu, khảo sát và sửa đổi phải thực sự phù hợp thực tế, nhằm tạo cơ chế đồng thuận từ trên xuống để có cơ sở pháp lý cho các hoạt động ở cơ sở, nhất là cơ chế đối thoại, thương lượng nhằm ngăn chặn tối đa những tranh chấp hơn là để xảy ra mới lo giải quyết.
Bích Thuận