Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủTin nổi bật

Tham luận kinh nghiệm tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri

Đăng ngày: 15/07/2020
​Toàn văn báo cáo Tham luận về “Kinh nghiệm tổ chức theo dõi, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri”
 

​Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai luôn xác định: Tiếp xúc cử tri là việc thể hiện rõ nét nhất mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri ở đơn vị đã bầu ra mình. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri, việc giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri là một nội dung quan trọng quyết định sự thành công của hoạt động tiếp xúc cũng như đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Đây là nhiệm vụ được Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai qua các nhiệm kỳ luôn quan tâm, chú trọng thực hiện thông qua hoạt động theo dõi, giám sát kết quả trả lời, không chỉ trong hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND mà còn tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề như: Chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã; công tác khám, chữa bệnh; phát triển giáo dục mầm non. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cho đại biểu tiếp xúc tại địa bàn ứng cử, nơi cư trú và tiếp xúc chuyên đề, thông qua đó đã ghi nhận và xử lý 9.398 lượt ý kiến, trong đó có 778 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, 122 ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề. Các ý kiến của cử tri liên quan đến các mặt của đời sống kinh tế xã hội, an ninh trật tự của địa phương. Nội dung ý kiến cử tri, bên cạnh những ý kiến góp ý chung cho  cho việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của địa phương còn có những ý kiến phản ánh về các vụ, việc đơn lẻ, cụ thể liên quan trực tiếp đến các cá nhân hoặc những cộng đồng dân cư. Đại biểu HĐND sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri, đối với những ý kiến đã rõ thông tin sẽ được giải thích, trả lời ngay tại buổi tiếp xúc; những ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách cần có thời gian để giải quyết được tiếp thu thực hiện hoặc kiến nghị; những ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh xem xét, giải quyết được Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết, trả lời.

Tham luan HNMD tai Long An -2.JPG
Lãnh đạo Quốc hội và Đoàn HĐND tỉnh Đồng Nai tại Hội nghị
 

Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhận thấy, để tổ chức theo dõi, giám sát tốt việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri, cần phải quan tâm ngay từ lúc tiếp nhận ý kiến cử tri; đó là phải tổng hợp đúng, đầy đủ, nội dung cụ thể, không trùng lắp các ý kiến cử tri, từ đó chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Theo dõi, đôn đốc báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ tiếp theo của quá trình xử lý. Một năm đại biểu thường có 04 đợt tiếp xúc cử tri, như vậy ý kiến cử tri tại đợt tiếp xúc trước phải được trả lời trong thời hạn nhất định để HĐND giám sát việc giải quyết và trả lời trước khi nội dung trả lời đó đến với cử tri. Do đó, khi chuyển ý kiến cử tri, Thường trực HĐND phải xác định được khoảng thời gian hợp lý để cơ quan có trách nhiệm có thể giải quyết và trả lời. Trường hợp quá thời hạn trả lời hoặc trả lời không đầy đủ các ý kiến thì Thường trực HĐND phải đôn đốc, nhắc nhở.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải được Ban của HĐND thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND. Thực hiện quy định này, tùy theo lĩnh vực phụ trách của Ban, Thường trực HĐND sẽ phân công giám sát cụ thể những vấn đề cử tri quan tâm. Để việc giám sát được thuận lợi, chất lượng, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai sẽ phân công các Ban HĐND phối hợp với các Tổ đại biểu HĐND và Thường trực HĐND tại địa bàn phối hợp giám sát, vì đại biểu tại địa bàn ứng cử và Thường trực HĐND địa phương nắm rõ nhất ý kiến cử tri tại địa bàn mình, sẽ tổ chức các hoạt động giám sát theo hình thức phù hợp; đối với những kiến nghị về các vụ việc cụ thể, tổ đại biểu và các Ban tổ chức giám sát thực tế; một số vụ việc có mời cử tri cùng tham dự giám sát (như việc ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; việc xả thải khói bụi ra môi trường của Công ty sản xuất lốp xe ô-tô; tiến độ thi công một số dự án giao thông…) Kết quả giám sát tổ đại biểu và các Ban báo cáo về Thường trực HĐND. Việc giám sát được tiến hành theo trình tự: Tổ đại biểu và Thường trực HĐND tại địa bàn giám sát và báo cáo kết quả trước; ban HĐND phụ trách lĩnh vực sẽ giám sát sau để việc đánh giá được toàn diện.

Như vậy, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, đánh giá theo các góc độ sau: 

- Của đại biểu là người nắm sát địa bàn và có nội dung kiến nghị cụ thể; 

- Của Ban phụ trách lĩnh vực để tổ chức khảo sát, giám sát;

- Của Văn phòng với thông tin tổng hợp qua nhiều kỳ tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết của các cơ quan được chuyển.

Và việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được thông tin đến cử tri. Trước khi thông tin đến cử tri thì Thường trực HĐND phải thông tin đến đại biểu HĐND đồng thời đề nghị đại biểu HĐND có trách nhiệm giải thích, trả lời ngay cho cử tri những vấn đề đã rõ. 

Ngoài những nội dung nêu trên, theo dõi, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri còn thể hiện ở công tác lưu trữ phải khoa học, chặt chẽ để xác định rõ trường hợp kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời nhưng đại biểu HĐND tiếp tục chuyển về thì không được xử lý lần 2; Thường trực HĐND sẽ thông tin đại biểu biết để trả lời với cử tri. Đây cũng chính là một cách làm nhằm nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND. Kiến nghị của cử tri qua nhiều năm cần được lưu giữ để trường hợp cần thiết có thể đối chiếu, tham khảo và theo dõi tiến độ thực hiện lời hứa của cơ quan có thẩm quyền trước cử tri.

Tham luan HNMD tai Long An.JPG
Đại diện Llnh đạo Quốc hội và các Đoàn tại Hội nghị
 

Hoạt động theo dõi, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri còn có vai trò của Ủy ban MTTQVN các cấp từ giai đoạn tổ chức đến phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến cử tri. Bên cạnh đó, là vai trò, trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc trả lời và phân công các cơ quan chuyên môn trả lời các kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến. Ngoài ra, không thể không nói đến vai trò và hoạt động của Văn phòng HĐND trong công tác tham mưu, giúp việc tích cực cho Thường trực HĐND trong việc nâng cao chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri, kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý những vấn đề phát sinh.

Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đã giúp cho chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri được nâng lên. Điều này được chứng minh bằng sự hài lòng, đồng tình của cử tri với nội dung trả lời ngày càng cao. Nếu như đầu nhiệm kỳ, ở Đồng Nai, báo cáo giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri thể hiện, tỷ lệ ý kiến đã được giải thích và giải quyết hoàn thành là 64,4%; đang được giải quyết là 17,8% và tiếp thu, sẽ giải quyết chiếm 17,8% thì đến thời điểm hiện nay, các tỷ lệ này đã là 75%, 10% và 15%. Những con số trên đã chứng minh cho hiệu quả của việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như trách nhiệm của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND trong xử lý, giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm.

Tham dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nai bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai xin có một số nội dung xin trao đổi cùng Hội nghị và rất mong qua Hội nghị này được học tập thêm kinh nghiệm quý báu từ các tỉnh, thành để từ đó tiếp thu, vận dụng vào thực tế của địa phương.

Cuối cùng, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, kính chúc các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, ban Công tác đại biểu và quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!