 |
Trao phần thưởng cho các tác giả đoạt giải |
Ông Phạm Văn Sáng, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh nói: so với những hội thi lần trước, phong trào nghiên cứu khoa học đã ngấm vào cả người dân, đi vào tất cả các lĩnh vực và đây là tín hiệu rất đáng mừng cho nghiên cứu khoa học của tỉnh nhà trong việc đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Thực vậy, thử điểm danh cả 31 giải pháp dự thi được trao giải ngoài những tác giả quen thuộc như Phạm Văn Sáng, Hoàng Anh Khiêm; Nguyễn Thị Ngọc Dung, Huỳnh Minh Hoàn đã xuất hiện khá nhiều gương mặt mới ở nhiều lĩnh vực mới như Phạm Văn Hoàng, giáo viên xã Bàu Cạn, Long Thành; Hồ Văn Đông Sơn, nông dân, thị trấn Tân Phú, hay Mai Thế Phong, nông dân xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa; hoặc Cổ Thế Hành, phòng kinh tế huyện Định Quán… tất cả đã làm phong phú hội thi và đem đến muôn sac màu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội mà khoa học, công nghệ có thể tác động vào.
Ông Hồ Văn Đông Sơn, tác giả của giải pháp “Hệ thống khuấy trộn thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ máy phun thuốc”, giải pháp đoạt giải 3 cho biết: Từ thực tế khi sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật thường có hiện tượng lắng cặn thuốc trong bồn pha, dẫn đến việc thuốc tan không đều và ngẹt béc phun nên hiệu quả sử dung thuốc khong cao và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng… tôi đã chế tạo hệ thống chống lắng và khuấy trộn thuốc trong sử dụng máy phun sẽ trộn đều được hỗn hợp thuốc trong bồn pha suốt quá trình phun thuốc, giúp cho thuốc không bị lắng cặn và tan đều trong nước. Giải pháp này đã được đánh giá rất cao và có khả năng áp dụng lớn trong sản xuất của người nông dân.
Tương tự với bác nông dân Mai Thế Phong ở Biên Hòa cũng đoạt giải ba với giải pháp “Cải tiến cây cào dặm lúa nước”. Đây là giải pháp được Ban tổ chức đánh giá khá cao vì nó rất thiết thực với đời sống người dân trong sản xuất nông nghiệp, giải pháp được thiết kế trên cơ sở của cây cào cỏ truyền thống nhưng lại khá hữu ích với nông dân các vùng trồng lúa nước, phù hợp với việc chế tạo hàng loạt của các xưởng cơ khí nhỏ và hiệu quả cao, giá thành lại rẻ nên được nhiều bà con nông dân ưa chuộng… Nếu hai giải pháp trên phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, là một điểm nhấn cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thì các giải pháp của nhiều tác giả trong lĩnh vực giáo dục lại mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ông Hoàng Anh Khiêm với giải nhì giải pháp “Chương trình CD: Việt Nam- Hồ Chí Minh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lại mang đến một phương pháp nghiên cưu, tìm hiểu mới về tư tưởng của Bác, nhờ phương tiện CNTT để chuyển tải đến người học thay vì phấn trắng, bảng đen truyền thống và những giáo điều khô cứng trước đây, để giúp học sinh, sinh viên và những người ham tìm hieu về Bác có cái nhìn tổng thể và càng kính yêu, học tập tấm gương đạo đức của Người.
Một gương mặt mới với giải pháp “Máy rửa chén tự động” đã mang đến cho khá nhiều bà nội trợ sự hấp dẫn đó là tác giả Phan Tân, phòng kinh tế huyện Vĩnh Cửu. Từ sự nghiên cứu chiếc máy rửa chén ngoại nhập với các tính năng chưa phù hợp với các hộ gia đình Việt Nam như sử dụng nước nóng để làm sạch các dụng cụ ăn uống trong quá trình rửa, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của các vật dụng cần rửa, đặc biệt là tốn 80% năng lượng điện làm nóng nước rửa và khó khăn trong rửa các dụng cụ ăn uống chén, đĩa, bát, nồi và quan trọng là giá thành khá đắt, ông đã nghiên cứu chế tạo thành công máy rửa chén phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt Nam… đây là giải pháp mang tính mới, sáng tạo và đặc biệt có khả năng ứng dụng rất cao trong thực tế…
Như thế chỉ điểm qua một vài giải pháp có chất lượng ở tất cả các lĩnh vực cho thấy, cùng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế, nhu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống ngày càng cao, nhu cầu đó không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học ma chính những người ngày đêm gắn bó với công việc họ đã tìm tòi, để nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm phù hợp mà hiệu quả áp dụng lớn, giá thành lại rẻ. Vấn đề còn lại là các nhà doanh nghiệp, Nhà nước và các cơ quan quản lý khoa học sẽ có những hỗ trợ như thế nào để những sản phẩm trên được sản xuất hàng loạt, cung cấp ra thị trường, phục vụ đời sống người dân trong quá trình hội nhập.
N. Trinh