Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 109-Qúy I-2016

Về vai trò và giải pháp của Thường trực Hội đồng nhân dân trong nâng cao chất lượng, hiệu lực các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh

Đăng ngày: 11/10/2016
​Hội đồng nhân dân thực hiện hai chức năng cơ bản là quyết định và giám sát, HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số tại kỳ họp. Việc ban hành nghị quyết của HĐND chính là thực hiện quyền quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương theo các quy định của pháp luật và mục tiêu, nhiệm vụ mà cấp ủy địa phương đã đề ra

​    Hiệu quả hoạt động của HĐND được đảm bảo bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND và của đại biểu HĐND. Như vậy, pháp luật đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và chất lượng, hiệu lực các nghị quyết của HĐND nói riêng.
     Năm năm của nhiệm kỳ 2011-2016, thông qua 17 kỳ họp, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 200 Nghị quyết trong đó có 92 nghị quyết chuyên đề phục vụ cho công tác quản lý, điều hành tại địa phương trong đó có nhiều nội dung có tính chiến lược cho cả giai đoạn làm định hướng cho sự phát triển của tỉnh. Trong số các Nghị quyết chuyên đề đã ban hành, có nhiều nội dung quan trọng có tính chiến lược cho cả giai đoạn. Với số lượng Nghị quyết chuyên đề lớn, với phạm vi điều chỉnh rộng, các Nghị quyết chuyên đề đã tạo nên những tác động tích cực đến tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai trong nhiệm kỳ và sẽ còn tiếp tục phát huy vai trò, tác dụng trong những năm tiếp theo.
 
IMSG_0762.jpg
Đại biểu thực hiện quyền biểu quyết tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa VIII
 
    Để đạt được kết quả trên, Thường trực Hội đồng nhân tỉnh Đồng Nai luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh, đó là:
    - Phối hợp tốt với UBND tỉnh cùng cấp trong việc xây dựng chương trình ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm và trong công tác chuẩn bị kỳ họp.
   - Tổ chức tốt việc theo dõi tình hình xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND, chỉ đạo Văn phòng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu đảm bảo tiến độ, quy trình xây dựng nghị quyết. 
    - Thực hiện tốt vai trò Chủ tọa kỳ họp HĐND tỉnh để xem xét thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó: Bố trí thời gian hợp lý để đại biểu trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung trình kỳ họp, UBND tỉnh giải trình những vấn để có liên quan và lấy ý kiến đại biểu thông qua nghị quyết của HĐND.
    - Triển khai kịp thời các nghị quyết của HĐND đến các cơ quan đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức giám sát và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
    Qua thực tế tại địa phương, để nâng cao chất lượng và hiệu lực nghị quyết của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai xác định cần làm tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
    Thứ nhất, hoàn thành sớm các công việc trước kỳ họp để tạo sự chủ động về thời gian cho đại biểu nghiên cứu. Các công việc này bao gồm: Tổ chức Hội nghị để thống nhất về nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp; thông báo cho đại biểu biết để có sự chủ động trong sắp xếp lịch công tác tại cơ quan, đảm bảo cho việc tham dự các hoạt động liên quan đến kỳ họp. Theo quy định, chậm nhất là 40 ngày phải tổ chức Hội nghị trên. Vận dụng quy định này, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai tổ chức họp sớm, thông thường từ 50 đến 60 ngày từ đó tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị.
    Thứ hai, tổ chức thảo luận cụm tổ trước kỳ họp đã làm rõ vấn đề trước khi đại biểu thực hiện quyền quyết định: Theo quy định, tổ đại biểu họp để nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đóng góp ý kiến cho kỳ họp. Nhận thấy việc tổ chức cho đại biểu trong phạm vị một tổ có thuận lợi giúp nhiều đại biểu có điều kiện thể hiện ý kiến của mình nhưng thiếu thông tin do thiếu sự “cọ xát” giữa các đại biểu ứng cử tại các địa bàn khác nhau. Vì vậy, tùy nội dung, chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND  vận dụng sáng tạo bằng việc không tổ chức họp tổ mà tổ chức cho đại biểu thảo luận thành các cụm từ 2 đến 03 tổ đại biểu. Mục đích để cho đại biểu giữa các tổ có sự trao đổi, thảo luận và thông tin lẫn nhau về những vấn đề không chỉ bó hẹp trong một địa phương nhưng cũng không quá rộng như trong phạm vi một tỉnh, từ đó giúp cho việc thảo luận sâu sắc hơn, chuẩn bị cho việc thảo luận và quyết định tại kỳ họp.
    Thứ ba, việc xây dựng chương trình ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh phải sát hợp với yêu cầu thực tiễn địa phương và phù hợp với quy định của pháp luật.
    Việc xây dựng chương trình ban hành nghị quyết của HĐND trên cơ sở nội dung do UBND tỉnh đăng ký; đồng thời thông qua thực tiễn hoạt động giám sát của Thường trực, của các ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND đề nghị bổ sung những nội dung bức thiết theo yêu cầu thực tiễn của địa phương. Quá trình xem xét nội dung đăng ký để đưa vào chương trình ban hành nghị quyết phải làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, mức độ tác động đến đối tượng, tính pháp lý, thẩm quyền, yêu cầu thực tiễn của địa phương, các nguồn lực và khả năng của địa phương để thực hiện nghị quyết. Không đưa vào chương trình ban hành nghị quyết những nội dung đăng ký mang tính chất dự kiến, không khả thi.
    Thứ tư, thiết kế chương trình kỳ họp hợp lý, khoa học: Căn cứ vào khối lượng công việc thực hiện trong kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng chương trình kỳ họp phù hợp, khoa học; đảm bảo nội dung kỳ họp đã đề ra. Kỳ họp thường có rất nhiều nội dung, nhiều báo cáo, tờ trình, Thường trực HĐND tỉnh với vai trò Chủ tọa kỳ họp xác định rõ chủ đề trọng tâm để tập trung giải quyết, thảo luận; những vấn đề chỉ tóm tắt để đại biểu có sự đầu tư nghiên cứu sâu trước khi quyết định.
    Thứ năm, công tác thẩm tra phải đảm bảo chặt chẽ, khoa học và linh hoạt: Thường trực HĐND phân công các ban của HĐND tỉnh tham gia ý kiến ngay từ giai đoạn xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết thông qua việc tham dự các cuộc họp do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tổ chức hoặc các hội nghị của UBND tỉnh nghe các ngành báo cáo tình hình, kết quả triển khai xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết, trên cơ sở đó kịp thời cho ý kiến góp ý. Quá trình thẩm tra cần xem xét một cách khách quan, thu thập và đánh giá thông tin nhiều chiều để có quyết định đúng đắn liên quan đến các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.
    Thứ sáu, sử dụng thông tin về giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh để phục vụ cho việc ban hành Nghị quyết. Nhiệm kỳ 2011-2016, thực hiện quy định mở rộng quyền giám sát của tổ đại biểu, mỗi đại biểu tham gia giám sát với Tổ tại đại bàn ít nhất 4 cuộc/năm. Từ hoạt động giám sát này, đại biểu có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát và quyết định tại kỳ họp.
    Thứ bẩy: Tiếp thu có chọn lọc các ý kiến đối với dự thảo các Nghị quyết: Dự thảo các Nghị quyết trình ra kỳ họp thường nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu đại diện cho các ngành nghề, lĩnh vực, phạm vi hoạt động khác nhau. Trong số các ý kiến đó có những ý kiến trái chiều. Nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai là phải lắng nghe và chọn lọc, tiếp thu ý kiến hợp lý để sau khi ban hành Nghị quyết đủ điều kiện đi vào cuộc sống.
    Thứ tám, triển khai kịp thời nghị quyết của kỳ họp: Sau kỳ họp, Thường trực HĐND cần có văn bản thông tin kịp thời về kết quả kỳ họp, số lượng, nội dung nghị quyết đến các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị để nắm bắt và triển khai thực hiện. Đồng thời thông tin đến  cử tri và nhân dân biết để thực hiện giám sát cùng với HĐND.
    Thứ chín, thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh: Với vai trò là cơ quan Thường trực của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đôn đốc UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định, quy định để chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng - anh ninh tại địa phương theo tinh thần nghị quyết HĐND. Thực hiện giám sát hoặc phối hợp Thường trực HĐND, các ban HĐND cấp huyện theo dõi, giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo nghị quyết của HĐND đi vào đời sống; đồng thời qua đó phát hiện những vấn đề khó khăn vướng mắc để có tháo gỡ, cũng như những hạn chế cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Do những hiệu quả thiết thực từ hoạt động giám sát của HĐND mang lại, trong nhiệm kỳ, UBND tỉnh Đồng Nai đã “đặt hàng” HĐND giám sát UBND việc thực hiện nhiều Nghị quyết quan trọng như: Quản lý tài sản công; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Y tế. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND chỉ đạo thường xuyên rà soát nghị quyết còn hiệu lực thi hành; đề nghị UBND tỉnh công bố những nghị quyết hết hiệu lực. Những nghị quyết không còn phù hợp với quy định pháp luật đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu và đề xuất sửa đồi, bổ sung kịp thời.
    Quyền quyết định thông qua việc ban hành các Nghị quyết là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND được quy định tại các văn bản pháp luật. Hiệu quả của việc thực hiện quyền quyết định được đánh giá bằng chất lượng các Nghị quyết đã ban hành; chất lượng của Nghị quyết lại thể hiện bằng những lợi ích mà người dân và xã hội được thụ hưởng từ việc triển khai thực hiện các Nghị quyết đó và được đánh giá thông qua tác động của các Nghị quyết đến đời sống kinh tế xã hội. Nhìn lại nhiệm kỳ hoạt động HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 có thể khẳng định rằng, tất cả các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành đều mang lại những kết quả tích cực, đạt được sự nhất trí cao từ các đại biểu trong kỳ họp đến cơ quan triển khai thực hiện và đối tượng thụ hưởng và là một trong những minh chứng thể hiện HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII đã thực hiện tốt nhiệm vụ được cử tri tin tưởng giao phó trong nhiệm kỳ của mình.
 
       Nguyễn Thị Oanh