Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái
kinh tế vừa qua, tỉnh Đồng Nai vẫn ổn định được kinh tế xã hội, bảo đảm đời
sống nhân dân, trong đó việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội
được đặt lên tầm quan trọng hàng đầu, chú trọng giải quyết việc làm, thực hiện
tốt chương trình giảm nghèo, chính sách cho người có công, người có thu nhập
thấp…Tuy nhiên, hiện nay ở Đồng Nai và trên phạm vi cả nước, việc thực hiện chính
sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội ở khu vực đô thị vẫn
còn nhiều bất cập cần phải nghiêm túc xem xét, đánh giá tìm nguyên nhân để từ
đó có những biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Một đặc trưng nổi bật của khu vực đô
thị, đó là vấn đề quy hoạch. Vậy quy hoạch ảnh hưởng như thế nào đến việc
thực hiện chính sách an sinh xã hội? Thực tế quá trình quy hoạch đô thị
trong thời gian qua hầu như không có sự tham gia của cộng đồng nhân dân. Hiện
nay, người dân mới chỉ được tham gia vào giai đoạn kết thúc quy hoạch, tức là
khi làm xong quy hoạch thì chính quyền
mới công bố cho người dân biết, trong khi về nguyên tắc, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để
người dân được tham gia trong quá trình lập quy hoạch, tức là khi quy hoạch ở
một vùng thì làm gì ở đó, người dân phải được tham gia và sau khi quy hoạch
xong, có giải quyết được mong muốn của người dân hay không. Trong hệ thống định
chế của chính quyền đô thị của nước ta hiện nay chưa có tiền lệ về việc thực
hiện trưng cầu ý nguyện của người dân để coi đó là cơ sở xây dựng quy hoạch và
phát triển đô thị. Vì vậy hầu như mọi vấn đề liên quan đến
quy hoạch từ định hướng tổng thể, thiết kế chi tiết cho đến quyết định phê
duyệt cuối cùng hầu như không tham khảo nguyện vọng nhân dân. Người dân chỉ
được biết đến quy hoạch khi nó đã hoàn tất. Chính vì vậy mà nhiều quy hoạch sau
khi được công bố đã bộc lộ ra những nhược điểm là không phù hợp với điều kiện
sinh sống và tập quán sinh hoạt của người dân ở địa phương mà cơ quan chức năng
không lường trước được trong quá trình lập quy hoạch. Trước thực trạng này, mới
đây Quốc hội đã ban hành Luật quy hoạch đô thị ( Luật số 30/2009/QH12 ngày 17
tháng 6 năm 2009), trong đó tại Điều 20 Mục 2 đã quy định các cơ quan tổ chức
lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý
kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan. Sau đó Bộ Xây
dựng cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật. Tuy
nhiên, để luật pháp đi vào cuộc sống còn cần có lộ trình nhất định.
Vấn đề người lao động nhập cư là một nguyên nhân gây nên khó khăn
trong việc kiểm soát về dân số, cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an
sinh xã hội. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thì dân số khu vực đô thị
tại thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các thị trấn trên địa bàn tỉnh đã
tăng với tốc độ cao, trong khi đó các điều kiện hạ tầng thiết yếu như nhà cửa,
điện nước, giao thông, y tế, giáo dục... lại không phát triển tương xứng, dẫn
đến các vấn nạn xã hội nảy sinh. Đó là kẹt xe, ùn tắc giao
thông, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự vệ sinh nơi công cộng,
dịch bệnh gia tăng. Người lao động nhập cư đa số gặp khó khăn về nhà ở và việc
làm và hầu như không là đối tượng được hưởng các khoản trợ cấp của nhà nước. Họ
thường thuê hoặc mua nhà ở những nơi có điều kiện sinh hoạt thấp, mật độ dân cư
cao, đồng thời làm nhiều nghề tự do để tồn tại, khiến hệ thống hạ tầng các khu
lao động càng xuống cấp, gây mất vệ sinh môi trường cũng như an ninh trật tự. Mặt
khác, việc đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa đã kéo theo một lượng nông dân không
còn dất canh tác, trong khi họ chưa kịp trang bị cho mình những kỹ năng, kiến
thức cũng như nghề nghiệp chuyên môn để ổn định trong điều kiện sống mới. Chính
những điều này cũng góp phần ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội, gây khó
khăn cho việc thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu đang trở nên
ngày càng trầm trọng ở các đô thị, đe dọa sức khỏe người dân cũng như gây
bức xúc về xã hội. Hiện nay, người dân đang phải chung
sống với một môi trường ô nhiễm do nhiều nguyên nhân: tốc độ đô thị
hóa nhanh, dân số và phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh trong khi tốc độ
phát triển hạ tầng giao thông lại chậm. Hệ thống cấp thoát nước nói chung đều chắp
vá giữa khu đô thị cũ và khu mới, giữa lạc hậu và hiện đại khiến chất lượng nước
cấp không đảm bảo vệ sinh. Thực trạng hiện nay nước thải đô thị
chỉ được xử lý sơ bộ rồi thải vào sông, hồ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường
nước mặt. Hệ thống thoát nước đã chắp vá, trong khi diện tích ao hồ lại bị thu
hẹp khiến nhiều nơi thường xảy ra tình
trạng úng ngập, nhất là khi mùa mưa về. Đối với hệ thống thu gom, vận chuyển và
xử lý chất thải rắn thông thường cũng chưa đạt yêu cầu, thống kê bình quân cả
nước thì hệ thống này mới đạt khoảng 70%. Đối với Đồng Nai thì việc quản lý
chất thải rắn hiện còn nhiều bất cập, theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên
và Môi trường, có khoảng 72% lượng chất thải rắn thu gom được đã cơ bản quản lý
được (25% khối lượng rác thải được thu gom, xử lý hợp vệ sinh, 47% được thu
gom, phân loại, tái chế tại các cơ sở mua bán phế liệu), còn lại 28% số lượng
chất thải rắn được doanh nghiệp thu gom, tập kết tại các bãi rác tự phát, vì
vậy việc tái chế, xử lý cũng chưa được quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, việc đô thị
hóa và mở rộng đô thị đã làm cho nhiều nhà máy và các khu công
nghiệp trước đây nằm ở ngoại ô thành phố, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc, tác động trực tiếp đến sức khỏe
cộng đồng.
Như vậy, để góp
phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thực hiện tốt hơn công tác
đảm bảo an sinh xã hội, cần có sự phối hợp có hiệu quả của bộ máy chính quyền
các cấp trong việc thực thi nhiệm vụ của mình. Bên cạnh việc hỗ trợ tạo công ăn việc
làm tại chỗ ở địa phương, quản lý tốt người lao động nhập cư, thì chính quyền cần
tăng cường các biện pháp đối phó với các thiên tai dịch bệnh, tạo tâm lý yên
tâm cho cộng đồng; có các biện pháp chế tài hữu hiệu buộc các doanh nghiệp và
người dân thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đô thị
nói riêng và về lĩnh vực an sinh xã hội nói chung; kiên quyết trấn áp các loại
tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn kỷ cương trật tự đô thị
nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân đô
thị. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền thông
qua đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, tăng cường công tác giáo dục về
tinh thần thái độ của đội ngũ cán bộ công chức để phục vụ tốt nhất cho người
dân và doanh nghiệp, điều đó cũng đồng thời là giúp thực hiện tốt chức năng đảm
bảo an sinh xã hội.
Kim
Chung