Thực hiện Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 20/7/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quy hoạch các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND các huyện Định Quán,Trảng Bom, Long Thành và thành phố Biên Hòa đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các phường, xã, thị trấn các huyện và thành phố thực hiện công khai rộng rãi các quy hoạch và các giải pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích mời gọi các tổ chức cá nhân đầu tư vào các cơ sở giết mổ tập trung vào vùng quy hoạch, đồng thời tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án Lifsap đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thực hiện hướng dẫn thủ tục hồ sơ, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch. Chỉ đạo ban quản lý chợ và các ngành, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc kinh doanh sản phẩm động vật đã qua kiểm soát giết mổ của ngành thú y, giới thiệu các điểm giết mổ động vật đang được kiểm soát để các tiểu thương liên hệ mua sản phẩm.
Kết quả thực hiện cho thấy trên địa bàn các huyện đã xây dựng và đi vào hoạt động các điểm giết mổ tập trung và vệ tinh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt (trừ thành phố Biên Hòa đang tiến hành rà soát, tìm địa điểm thích hợp; huyện Trảng Bom còn 01 cụm giết mổ chưa hoàn thành). Các cơ sở giết mổ tập trung được hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ vào hoạt động nhằm giúp địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện. Từ đầu năm 2016 đến nay, các ngành chức năng các huyện và thành phố Biên Hòa đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh giết mổ động vật, tịch thu tiêu hủy nhiều sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 199 triệu đồng.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được thì việc triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm còn nhiều hạn chế, khó khăn. Các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động nhưng thực hiện kém hiệu quả, chưa hoạt động hết công suất thiết kế gây lãng phí, cụ thể: nhà máy D&F hoạt động giết mổ heo, gà tại xã Trung Hòa đã tạm ngưng hoạt động; điểm giết mổ vệ tinh hoạt động với công suất là 10 con/ngày... Nguyên nhân của việc các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động kém hiệu quả là do vẫn còn tồn tại điểm giết mổ gia súc, gia cầm nằm ngoài quy hoạch được cấp phép hoạt động và cơ sở giết mổ trái phép chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, việc sắp xếp các điểm giết mổ tập trung chưa phù hợp, chưa thu hút các cơ sở nhỏ lẻ vào giết mổ, công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên và liên tục, chưa kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động giết mổ trái phép. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình, còn để xảy ra tình trạng giết mổ lậu, tồn tại các điểm giết mổ trái phép làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.
Trưởng ban KT-NS Lại Thế Thông phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Trảng Bom
Kết luận giám sát, Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh ghi nhận những cố gắng và kết quả đạt được của các huyện, đồng thời kiến nghị UBND các huyện cần nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, tăng cường sự phối hợp của lực lượng liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn thịt bẩn ở trung tâm giết mổ. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái qui định, vi phạm các qui định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm giết mổ tập trung, điểm giết mổ vệ tinh hoạt động có hiệu quả góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra tình trạng giết mổ lậu, kinh doanh động vật, sản phẩm không rõ nguồn gốc, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mà không báo cáo hoặc xử lý nghiêm trên địa bàn quản lý….
Ban KTNS HĐND tỉnh sẽ theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị để có báo cáo HĐND tỉnh theo quy định.