Qua giám sát cho thấy, các địa phương đã
chủ động triển khai các văn bản của Trung ương và của tỉnh như: Quyết định số
491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông
thôn mới; Nghị quyết số 78/2006/NQ-HĐND ngày 28/9/2006 của HĐND tỉnh về quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2020; Kế hoạch
số 97-KH/TU ngày 29/12/2008 của Tỉnh ủy và Quyết định số 74/2008/UBND ngày
31/10/2008 của UBND tỉnh; Nhằm phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn,
hàng năm UBND các xã đã xây dựng phương án huy động nhân dân đóng góp để làm đường
GTNT trình Đảng ủy và HĐND xem xét, quyết định trước khi tổ chức thực hiện. Đảng
ủy và HĐND xã có nghị quyết về việc huy động và thống nhất việc đầu tư xây dựng
một số tuyến đường cụ thể hàng năm. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy và HĐND,
UBND các xã đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể của địa phương thực hiện vận động
nhân dân tham gia cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường GTNT trọng
yếu trên địa bàn; phương án huy động được các tổ nhân dân triển khai thực hiện
theo quy trình đảm bảo dân chủ, công khai; đặc biệt, do làm tốt công tác vận động,
phần lớn những hộ dân có đất công trình đi qua đều đồng tình hiến đất cho Nhà
nước để làm đường.
Huyện Xuân Lộc và Thống
nhất đã xây dựng xong quy hoạch giao thông trên địa bàn, đang trình cấp thẩm
quyền phê duyệt. Hưởng ứng thực hiện chương trình phát triển GTNT, các địa
phương đã thực hiện đầu tư xây dựng được hàng chục km đường bê tông nhựa nóng,
đường bê tông xi măng, đường đá kẹp đất và mở mới được hàng trăm km đường đất,
phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển sản xuất, kinh doanh trên
địa bàn; một số địa phương đã làm được hàng chục km đường ngõ xóm, góp phần làm
đẹp bộ mặt nông thôn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo ra một hệ thống đường
giao thông nối từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, thị trấn và các xóm, ấp...
Tuy nhiên, qua giám sát
nổi lên một số hạn chế trong tổ chức, thực hiện cần quan tâm sau: Có HĐND cấp
huyện và xã chưa ban hành nghị quyết hỗ trợ từ ngân sách để làm đường giao
thông nông thôn trên địa bàn; số liệu thống kê km đường hiện hữu, km đường quy
hoạch và số liệu về kết quả thực hiện đường bê tông nhựa nóng, đường bê tông xi
măng các tuyến đường của địa phương chưa rõ ràng và không khớp với số liệu do Sở
GT-VT cung cấp; kết quả thực hiện đầu tư xây dựng đường GTNT trên địa các địa
phương đạt thấp so với mục tiêu, chỉ tiêu của Trung ương, của tỉnh về nông thôn
mới. Ở thời điểm đoàn khảo sát, đường
thuộc cấp xã quản lý tại huyện Cẩm Mỹ mới thực hiện được 87,8 km/389 km, đạt
22,%; tại huyện Thống Nhất thực hiện được 226 km/ 502 km, đạt tỷ lệ 45%; huyện
Xuân Lộc đạt 44,84%. Đặc biệt tại một số xã thực hiện đạt kết quả rất thấp như:
Xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc thực hiện bê tông nhựa được 1,1 km/ 67,970 km đường
các loại, chiếm 1,6% tổng số đường của địa phương quản lý; xã Hưng Lộc, huyện
Thống nhất thực hiện được 6,725 km/ 33,4 km, đạt 20%... Như vậy, để thực hiện
được chỉ tiêu đến năm 2015 đạt 95% nhựa hóa các tuyến đường giao thông trên địa
bàn các địa phương theo quy định của Tỉnh là khó có thể hoàn thành.
Tại
các cuộc giám sát, các đại biểu cho rằng kết quả thực hiện đạt thấp do một số
nguyên nhân sau: thiếu vốn để đầu tư; thủ tục lập dự án mất nhiều thời gian; quy
trình về thủ tục đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn xã hội hóa được
quy định thực hiện giống như quy trình đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách
nhà nước nên thực hiện mất nhiều thời gian, địa phương khó thực hiện; ở một số
địa phương cán bộ và nhân dân hiểu chưa đúng và đầy đủ tinh thần Nghị quyết số
77 của HĐND tỉnh, Quyết định số 16 của UBND tỉnh và mới đây là Nghị quyết số
152 của HĐND tỉnh và Quyết định số 08 của UBND tỉnh quy định về mức huy động và
mức hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nên gặp khó khăn trong huy động
nguồn vốn; địa phương chưa chủ động được việc quy đổi ngày công, vật chất và đất
do nhân dân đóng góp, tự nguyện hiến để làm đường giao thông, từ đó có ảnh hưởng
đến việc thực hiện các dự án; cán bộ xã phụ trách công tác xây dựng, giao thông
thường xuyên thay đổi, chưa kinh qua lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về đầu
tư xây dựng; khó khăn trong giải phóng mặt bằng…
Việc
đầu tư đường giao thông nông thôn chưa được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác
nhau. Các địa phương cấp xã chưa bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện đầu tư
xây dựng đường GTNT. Qua khảo sát, được biết nguyên nhân các địa phương chưa bố
trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện xây dựng đường GTNT là do nguồn thu ngân
sách xã hạn chế, ngân sách xã chưa được ngân sách cấp trên phân bổ nguồn kinh
phí để thực hiện chỉ tiêu đầu tư xây dựng hàng năm.
Việc
đầu tư xây dựng đường GTNT ở địa phương chủ yếu mang tính tự phát giải quyết việc
đi lại cho nhân dân, lưu thông hàng hóa nhưng việc phát triển hệ thống đường
GTNT chưa có sự gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa
phương, như: chương trình phát triển cây, con chủ lực, phát triển vùng chăn
nuôi tập trung, thực hiện quy hoạch dân cư nông thôn… để có điều kiện phát triển
kinh tế, xã hội của địa phương theo hướng bền vững.
Công
tác quản lý đường giao thông còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng để xe quá tải
lưu thông trên một số tuyến đường làm hư hỏng (tuyến đường 764, 765 trên địa
bàn huyện Cẩm Mỹ), địa phương chưa có biện pháp khắc phục kịp thời; hiệu quả việc
sử dụng các tuyến đường chưa được các địa phương đánh giá. Đặc biệt trong tổ chức
thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng (về đường
GTNT) mỗi địa phương có cách làm khác nhau, một số địa phương chưa tuân thủ
đúng quy định về nguyên tắc huy động, đối tượng huy động, chưa xác định được
công trình nào thuộc đối tượng huy động đóng góp là nhân dân, công trình nào do
ngân sách đầu tư; việc thực hiện hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chậm; có địa phương
còn lúng túng trong hướng dẫn quy đổi đất, vật chất và ngày công lao động thành
tiền...
Kết
thúc các cuộc giám sát, bà Quách Ngọc Lan, Trưởng Ban KT-NS thay mặt đoàn giám
sát có một số ý kiến đánh giá, nhận xét về kết quả thực hiện việc chấp hành quyết
định giám sát của Ban; đồng thời, nêu lên một số hạn chế đề nghị các địa phương
có biện pháp khắc phục; đoàn giám sát sẽ báo cáo Ban KT-NS để Ban có kết luận
chính thức gửi đến các đơn vị được giám sát tổ chức thực hiện; đồng thời tiếp tục
tổ chức các cuộc giám sát đối với một số sở ngành của tỉnh nhằm đánh giá đúng
tình hình phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn, có giải pháp khắc phục khó
khăn cho địa phương.
Đặng Quang Huy