 |
Ông Lê Văn Cúc-Phó Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo |
Kết quả thực hiện các giải pháp, chính sách, dự án, hoạt động trong 3 năm (2006 - 2008) theo chuẩn nghèo Nghị quyết 52/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì toàn tỉnh đã giảm được 17.000/26.251 hộ nghèo theo kế hoạch (năm 2006-giảm 6.021 hộ, năm 2007-giảm 8.092 hộ, năm 2008-giảm 12.138 hộ), đạt 154,41%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 9,84% đầu năm 2006 xuống còn 3,33% cuối năm 2008, so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh lần VIII đề ra (đến năm 2010 đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%) thì về đích trước 2 năm; Mặt khác, đã giảm được 17/17 xã nghèo; Đời sống người nghèo và hạ tầng vùng nghèo có một số mặt được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân của nhóm người nghèo cũng đã được cải thiện đáng kể, đến nay là 356,6 ngàn đồng/người/tháng so với 174.000 đồng/người/tháng đầu kỳ (tăng 2,04 lần so đầu kỳ).
Theo chuẩn nghèo của cả nước, Đồng Nai hiện còn 33.832 hộ nghèo (đến tháng 9-2009), chiếm 7,97% số hộ trong toàn tỉnh. Khảo sát của Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo phần lớn là do các hộ dân thiếu vốn (28,2%), thiếu đất và tư liệu sản xuất (19%), thiếu việc làm (16,9%)... Từ thực trạng này, Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, dự án và những hoạt động hỗ trợ người nghèo, nhằm giúp những hộ khó khăn vươn lên.
Đầu năm 2009 theo chuẩn nghèo Nghị quyết 128/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thì toàn tỉnh có 42.871 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,59%, ước số hộ nghèo giảm trong năm là 8.500 hộ, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, ông Lê Văn Cúc, Phó ban chuyên trách Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà cần hỗ trợ, tháo gỡ công tác giảm nghèo, một trong những khó khăn nhất hiện nay trong công tác này là tình trạng giảm đáng kể tỷ lệ cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp xã. Mỗi năm, toàn tỉnh mất từ 47- 60% cán bộ chuyên trách đã được tập huấn nghiệp vụ. Nguyên nhân là chế độ phụ cấp cho cán bộ chuyên trách còn bất cập: do nhiều địa phương hiểu chưa đúng khi tính phụ cấp cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Mức phụ cấp 0,3 chỉ tính đối với những cán bộ đang hưởng lương chính và công tác giảm nghèo chỉ là công việc kiêm nhiệm. Thực tế, phần lớn cán bộ chuyên trách giảm nghèo hiện không có lương chính, nhưng chỉ được tính phụ cấp ở mức này. Vấn đề dạy nghề cho người nghèo ở nông thôn, theo quy định, người nghèo học nghề chỉ được 10 ngàn đồng/ngày. Trong khi những hộ nghèo thường chạy ăn từng bữa, nếu đi học thì họ phải nghỉ làm. Mà thời gian học nghề lại mất 3 tháng, nên nhiều người nghèo cứ chọn nghề làm mướn kiếm sống, chứ không thể đi học nghề. Mặt khác, việc chọn ngành nghề phù hợp để dạy cho người nghèo cũng cần được khảo sát, tìm hiểu từ nhu cầu thực tế, vì có không ít nghề được dạy nhưng người nghèo học xong lại không kiếm sống được với nghề được học.
Về mức hỗ trợ 50% khi người nghèo mua bảo hiểm y tế, ông Đồng Văn Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh so sánh: "Ở những tỉnh, thành lân cận, bảo hiểm y tế cho người nghèo được hỗ trợ 100%, hoặc ít nhất cũng 70-80%. Còn ở Đồng Nai, theo chuẩn quốc gia chỉ hỗ trợ 50%, chắc chắn sẽ có ít người nghèo mua được bảo hiểm y tế. Như thế cũng đồng nghĩa với việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo sẽ bị hạn chế. Tỉnh nên tìm thêm nguồn khác để hỗ trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế. Hiện nay, nhu cầu mua bảo hiểm y tế của người nghèo thì nhiều, nhưng do quy định chưa rõ ràng nên việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế chậm được triển khai, gây thiệt thòi cho người nghèo".
Trong vấn đề vay vốn, ông Nguyễn Nhữ Điền, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Đồng Nai, cho biết: "Hiện nguồn vốn về khá dồi dào, tín dụng cho người nghèo cũng xuống tận xã nhưng dường như bà con nghèo vẫn chưa được hướng dẫn cách thức sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Ngoài vốn vay hỗ trợ sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội đã mở rộng các nguồn vay bổ sung cho người nghèo theo tổ, nhóm hoặc ngành nghề. Ngoài vốn vay sản xuất, người nghèo có thể vay để làm nhà, mua sắm thiết bị. Vấn đề là địa phương phải xác định được nhu cầu, giám sát mục đích và hiệu quả của đồng vốn”.
Với mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,89% vào cuối năm nay, trong đó có xóa hộ nghèo thuộc diện có công, cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, nhiều dự án dành cho hoạt động giảm nghèo đã được triển khai. Trừ dự án khuyến nông - lâm - ngư cho người nghèo do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì kinh phí được cấp có thấp hơn so với dự trù ban đầu, các dự án còn lại đều có đủ kinh phí để hoạt động theo đúng kế hoạch. Hiện, kết quả huy động bổ sung nguồn quỹ cho vay hộ nghèo được 56 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm đã cho vay 8.500 lượt hộ nghèo vay ưu đãi 99.800 triệu đồng, đạt 85% về số lượt hộ vay, 71,28% về số tiền. Các dự án như: phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở 6 xã và 70 ấp đặc biệt khó khăn cũng đang được tiến hành với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng; khuyến nông - lâm - ngư cho người nghèo đã tập huấn cho 13.960 lượt lao động nghèo, cùng lúc với các chính sách dành cho người nghèo đều triển khai đạt tỷ lệ cao, như chính sách dạy nghề cho người nghèo, trong 9 tháng đầu năm với kinh phí thực hiện năm 2009 là 2.260 triệu đồng (trong đó TW: 760 triệu đồng, địa phương 1.500 triệu đồng), hỗ trợ y tế đạt 99,29% về số thẻ được cấp, chính sách hỗ trợ giáo dục và trợ giúp pháp lý đều đạt tỷ lệ 50%.
Nhưng cho đến nay, hầu như tất cả các chương trình dự án thực hiện tốt và ổn định. Dù kinh tế trong năm 2009 có nhiều biến động không thuận lợi, nhưng việc đạt chỉ tiêu giảm hộ nghèo vào cuối năm là hoàn toàn khả thi.
Với những biện pháp cụ thể, phù hợp trong 3 năm qua công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, quá trình thực hiện công tác giảm nghèo đang gặp phải không ít khó khăn. Mà tiêu biểu là còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và nhất là tình trạng phát sinh tỷ lệ nghèo mới do quá trình đô thị hóa. Một số hộ vẫn còn tâm lý ỷ lại không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi từ nhà nước và tình trạng làm việc thiếu trách nhiệm, nể nang trong xét duyệt nhằm hưởng lợi từ cán bộ giảm nghèo địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ mà quan trọng nhất là tình trạng biến động cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp xã. Mỗi năm, toàn tỉnh mất 40 - 60% số lượng cán bộ này. Nguyên nhân do chế độ phụ cấp quá thấp, chỉ 180 - 200 ngàn đồng/tháng (0,3) trong khi khối lượng công việc nhiều họ lại không có lương chính thức. Một bất cập nữa là phụ cấp dạy nghề cho người nghèo ở nông thôn theo quy định hỗ trợ người nghèo học nghề là 10.000 đồng/người/ngày, nhưng những đối tượng này còn phải chạy ăn từng bữa. Hơn nữa đa số họ là lao động chính trong gia đình, thời gian theo học một nghề ít nhất phải 3 tháng. Dẫn đến việc nhiều người chọn phương thức làm mướn kiếm sống chứ không tham gia học nghề. Mặt khác, để dạy nghề đạt hiệu quả như mong muốn thì lựa chọn nghề phù hợp với từng địa phương cũng là vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách xác đáng của cơ quan chức năng bởi thực tế nhiều nơi sau khi học xong nghề, người dân cũng chẳng biết làm sao để kiếm sống vì thị trường không có nhu cầu.
Thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển đó là cả một quá trình lâu dài, cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể nóng vội trong ngày một ngày hai. Mục tiêu sắp tới đến hết năm 2010 của tỉnh là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất của người dân ở các xã khó khăn; hạn chế gia tăng chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo; đồng thời hướng tới giảm nghèo bền vững. Cụ thể, phấn đấu đến hết 2010, toàn tỉnh giảm thêm 30% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 8,59% xuống còn 4,27% theo chuẩn nghèo mới tại Nghị quyết 128/HĐND và 0,5% theo chuẩn nghèo tại Nghị quyết 52/HĐND tỉnh. Làm được điều này vẫn rất cần có sự nỗ lực tích cực của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhà.
Kim Ngọc