Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 109-Qúy I-2016

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2011-2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Đăng ngày: 11/10/2016
  ​Theo số liệu thống kê đầu năm 2011, toàn tỉnh có 9.332 hộ nghèo theo chuẩn nghèo của cả nước (nông thôn: Thu nhập từ 400.000 đồng/tháng/người trở xuống, thành thị: Thu nhập từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống), chiếm tỷ lệ 1,45% hộ dân; có 20.417 hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo của cả nước (nông thôn: Thu nhập từ 401.000đồng - 520.000 đông/tháng/người; thành thị: Thu nhập từ 501.000 đồng - 650.000 đồng/tháng/người), chiếm tỷ lệ 3,17% hộ dân.  
 

​    Chuẩn nghèo được xác định riêng cho Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 là: Khu vực nông thôn thu nhập từ 650.000 đồng/người/tháng trở xuống; khu vực thành thị thu nhập từ 850.000 đồng/người/tháng trở xuống. Theo chuẩn nghèo của tỉnh, đầu năm 2011 toàn tỉnh có 42.520 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,62% hộ dân, trong đó: Có 39.958 hộ nghèo A là mục tiêu của chương trình giảm nghèo bền vững (chiếm tỷ lệ 6,22% hộ dân); có 2.562 hộ nghèo B (tách ra, để có chính sách hỗ trợ riêng, do không có sức lao động, khó có thể thoát nghèo theo chuẩn). 

 

    Việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh đã được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo sát sao. Tỉnh ủy có Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 17/11/2008 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững và cụ thể hóa trong Nghị quyết giai đoạn 2011 - 2015 và từng năm về mục tiêu giảm hộ nghèo; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc tô chức triên khai thực hiện chương trình.

    Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 176/2010/NQ-HĐND ngày 02/7/2010 về chuẩn nghèo và Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-¬2015, làm cơ sở UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bề vững trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Hội đồng nhân dân các cấp đều có chương trình giám sát việc thực hiện các chế độ, dự án, hoạt động thuộc chương trình tại các địa phương; qua giám sát đã có những kiến nghị giúp cho các cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, thực hiện có hiệu quả hơn các chế độ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

    UBND tỉnh đã xây dựng Đề án chuẩn nghèo và mục tiêu, giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; ban hành phương án điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức tổng kết Chương trình giai đoạn 2006 - 2010 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 - 2015; ban hành các quyết định: Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh; thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh (gồm 04 cán bộ chuyên trách và 12 cán bộ kiêm nhiệm); quy định phân cấp thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; quy định phân bô và sử dụng nguôn lãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn vôn xóa đói giảm nghèo của tỉnh; tổ chức sơ kết giữa kỳ (2,5 năm) giai đoạn 2011 - 2015; quy định chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn (từ nguồn vốn của tỉnh), khuyến nông - lâm - ngư, dạy nghề, giáo dục, y tế, nhà ở, tiền điện, tiền tết, tiền trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đặc biệt quy định chế độ hỗ trợ hộ mới thoát nghèo được hưởng thêm 02 năm như hộ nghèo 05 chính sách: Tín dụng, khuyến nông, dạy nghề, y tế, giáo dục; ban hành nhiều quyết định, văn bản khác chỉ đạo, điêu hành thực hiện chương trình. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình. Các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, dự án, hoạt động của chương trình theo kế hoạch của UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch của ngành và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Công tác phối hợp tổ chức thực hiện giữa các ngành cũng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả góp phần quan trọng vào kết qủa thực hiện chương trình giảm nghèo bên vững của tỉnh. 

    Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp, vận động, giám sát và phản biện, luôn đóng vai trò nòng cốt, động viên các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế, xã hội tham gia hưởng ứng các phong trào từ thiện nhân đạo. Đặc biệt, phong trào “Ngày vì người nghèo” đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp hưởng ứng. Mặt trận đã chủ trì xây dựng Tổ vay vốn; vận động ủng hộ nhà tình thương; giúp người nghèo mắc tệ nạn xã hội hoàn lương; chỉ đạo mô hình điểm ấp, khu dân cư phấn đấu tự vượt nghèo; sơ kết nhân rộng các điển hình, đề xuất cải tiển, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan chương trình giảm nghèo bền vững; kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình...Từ khi triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn khu dân cư và thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Mặt trận các cấp gắn liền trực tiếp với chương trình giảm nghèo bền vững nên phong trào ngày càng phát huy tính thiết thực và hiệu quả.

    Các đoàn thể nhân dân đã có nhiều chương trình phối, kết hợp với nhiều hình thức phong phú, thiết thực hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất thuộc đoàn viên, hội viên và thành viên trong tổ chức của mình vươn lên. 

    Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 05 năm (2011 - 2015) toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực với tổng giá trị 1.108.687 triệu đồng, cụ thể: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 18.617 triệu đồng (vốn sự nghiệp); Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương 1.816 triệu đồng (tín dụng ưu đãi); Ngân sách tỉnh 660.189 triệu đồng (vốn sự nghiệp); Ngân sách huyện 2.569 triệu đồng (vốn sự nghiệp); huy động cộng đồng 131.478 triệu đồng; lồng ghép với các chương trình, dự án khác 285.847 triệu đồng; từ nguồn lãi cho vay hộ nghèo 8.171 triệu đồng. 

    Các chế độ, dự án hoạt động thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện, gồm: Chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cho vay tín dụng học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay, cho vay vốn làm nhà ở, cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; các dự án khuyến nông - lâm - ngư nghiệp cho người nghèo thực hiện mô hình theo dự án chăn nuôi, trồng trọt, mở lớp tập huấn hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi; thực hiện các Dự án dạy nghề hỗ trợ cho người nghèo tham gia học nghề; thực hiện chế độ hỗ trợ y tế cho người nghèo thông qua việc mua, cấp thẻ BHYT miễn phí người nghèo theo quy định và hỗ trợ người cận nghèo của tỉnh tham gia mua BHYT với mức hỗ trợ 70% kinh phí; thực hiện chế độ hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo thông qua việc miễn giảm học phí, các khoản đóng góp khác và chi phí học tập; thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; hỗ trợ ăn Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

    Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các hộ mới vượt nghèo tiếp tục được thụ hưởng thêm 02 năm các chính sách cho hộ nghèo như: Tín dụng; bảo hiểm y tế; giáo dục; dạy nghề; khuyến nông – khuyến công, qua đó tạo điều kiện giúp các hộ sau vượt nghèo tiếp tục được hỗ trợ tạo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống hướng tới thoát nghèo bền vững. Lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách khác với chương trình giảm nghèo bền vững thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

    Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được thực hiện: Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, đã tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện 67 dự án, nhân rộng 74 mô hình giảm nghèo tiêu biểu, có 221 xã, 4.910 hộ nghèo tham gia; Dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo, đã tổ chức được 56 lớp tập huấn, có 9.417 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo 03 cấp tham gia và 225 lớp tuyên truyền, có 7.420 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã tham gia; Hoạt động giám sát đánh giá thực hiện chương trình, đã tổ chức 529 lượt đoàn đi kiểm tra, đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cho vay vốn, dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ giáo dục, y tế, tiền điện, nhân rộng mô hình giảm nghèo... 

    Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình: Các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện của chương trình đề ra cho cả giai đoạn và hàng năm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy đã tổ chức thực hiện đảm bảo đạt và vượt mục tiêu chung. Tổ chức triển khai các chế độ, dự án, hoạt động thuộc chương trình đảm bảo theo đúng quy định chung của cả nước và vận dụng linh hoạt một số chế độ hỗ trợ phù hợp với điều kiện của địa phương, như: Việc nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn chuẩn cả nước; quy định chế độ hỗ trợ tiền ăn tết hàng năm, trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm tiền xây nhà; hỗ trợ thêm 02 năm sau khi thoát nghèo 05 chính sách về vay vốn, dạy nghề, khuyến nông, y tế, giáo dục như hộ nghèo…Tỉnh đã kịp thời ban hành chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015; xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện đảm bảo đúng theo kế hoạch; hướng dẫn thực hiện các chế độ, dự án, hoạt động đều theo kế hoạch năm và theo quy định). Các chế độ, dự án, hoạt động của chương trình theo quy định của Trung ương được triển khai đầy đủ, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng theo quy định. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, các chế độ, dự án, hoạt động theo Nghị quyết, kế hoạch đề ra đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng kết quả thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, kết quả đạt được cụ thể như sau:

    - Thực hiện theo Nghị quyết số 176/2010/HĐND tỉnh (từ 2011 - 2014): Từ năm 2011 - 2014, giảm được 35.665 hộ, đạt 119,98% so kế hoạch, về trước mục tiêu Nghị quyết số 176/2010/HĐND tỉnh đề ra 02 năm. Trong 35.665 hộ nghèo giảm, có 40.041 hộ nghèo A vượt chuẩn nghèo và 4.244 hộ nghèo phát sinh mới, đây là chỉ tiêu chất lượng giảm hộ nghèo (tương ứng, cứ khoảng 10 hộ thoát nghèo, có hơn 01 hộ phát sinh mới).

    - Thực hiện theo chuẩn nghèo, cận nghèo cả nước: Từ 2011 - 2015, giảm được 8.954 hộ nghèo theo chuẩn cả nước, đưa tỷ lệ hộ nghèo chuẩn cả nước từ 1,45% đâu năm 2011 đến cuối năm 2015 còn 0,04% (tương ứng còn 378 hộ nghèo theo chuẩn cả nước), xem như cơ bản hết hộ nghèo theo chuẩn cả nước. Từ 2011 - 2015, giảm được 19.841 hộ cận nghèo theo chuẩn cả nước, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo chuẩn cả nước từ 3,17% đầu năm 2011 đến cuối năm 2015 còn 0,04% (tương ứng còn 576 hộ cận nghèo theo chuẩn cả nước), xem như cơ bản hết hộ cận nghèo theo chuẩn cả nước.

    - Thực hiện đối với hộ nghèo thuộc diện có công và dân tộc thiểu số: Giảm được 133 hộ nghèo có thành viên thuộc diện có công và giảm 5.799 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

    Thông qua việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã có 06/06 xã được công nhận vượt chuẩn xã đặc biệt khó khăn; 68/70 ấp được công nhận vượt chuẩn ấp đặc biệt khó khăn (hiện còn ấp 3 và ấp 7 xã Thanh Sơn, Định Quán); 17/17 xã vượt chuẩn xã nghèo (xã có trên 25% tỷ lệ hộ nghèo); 63/63 xã được công nhận vượt chuẩn xã thuộc vùng khó khăn; 91/133 xã (chiếm 68,48%) đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí của tỉnh. Đời sống của người nghèo và cơ sở hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt.

    Kết quả nêu trên đã giúp cho đời sống người nghèo, cận nghèo và hạ tầng vùng nghèo từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân của người nghèo ngày càng tăng (từ 493.000 đồng/người/tháng năm 2011 lên 778.000 đồng/người/tháng năm 2015, tăng 1,57 lần), khoảng cách giàu - nghèo ngày càng được thu hẹp, góp phần vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, giữ vững ổn định chính trị, được khẳng định là một chương trình thành công, hợp lòng dân, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt cam kết về thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ đã đề ra.

   Qua 05 năm (2011 - 2015) thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã giảm đáng kể tình trạng nghèo khổ của một bộ phận dân cư. Vị trí và đời sống của người nghèo đã được nâng lên từng bước. Chương trình giảm nghèo bên vững do Đảng phát động đã chứng tỏ là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Khơi dậy và làm phong phú thêm truyền thống nhân đạo của dân tộc trong chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng chính từ chương trình này, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, đoàn thể với nhân dân được củng cố, tình cảm trong cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc thêm, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

     Đình Chính