Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 99-T10-2013

Công tác quản lý thị trường: Cần tăng cường để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Đăng ngày: 11/12/2013
​Trước tình hình vi phạm các quy định về quản lý thị trường ngày càng phức tạp và có xu hướng lan rộng trên nhiều lĩnh vực như: vi phạm giá, về sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng…Tết Trung thu vừa xong, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh lại đang nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa cho dịp lễ cuối năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014…. Quan tâm đến vấn đề này, vừa qua đại biểu Quách Ngọc Lan đã có ý kiến chất vấn đề nghị Giám đốc Sở Công Thương xác định nguyên nhân vi phạm các quy định về quản lý thị trường hàng hóa và đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới. 

​    Quán triệt tinh thần công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phải có trọng tâm trọng điểm, tránh kiểm tra tràn lan gây cản trở hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã làm tốt công tác điều tra, trinh sát, nhân mối mua tin nhằm phát hiện các vi phạm có quy mô lớn, tính chất phức tạp…Do đó, kết quả, hiệu quả phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm đạt tỷ lệ cao trên tổng số vụ kiểm tra (97%).

DSC04362.jpg
Đại biểu Quách Ngọc Lan chất vấn Giám đốc Sở Công Thương
tại kỳ họp 7 HĐND tỉnh​ 

     Nguyên nhân chủ yếu vi phạm các quy định về quản lý thị trường phần lớn là do lợi nhuận cao đem lại trong hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại nên các đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật,dùng mọi thủ đoạn để thực hiện các hành vi vi phạm. Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu ở các tỉnh biên giới, nhất là các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc còn thiếu chặt chẽ, kiên quyết. Bên cạnh đó, tâm lý tiêu dùng chuộng hàng ngoại, hàng giá rẻ…nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, ít quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xử hàng hóa nên người dân vô hình chung đã tiếp tay cho hàng hóa vi phạm nhãn mác, xuất xứ.

    Giải pháp cụ thể hạn chế tình trạng này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến thông tin đến người tiêu dùng để cùng tham gia phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại. Bên cạnh đó tổ chức cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định về việc không sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ…chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Bên cạnh đó, công khai các đối tượng, vụ việc vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật nhằm góp phần răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời qua đó cung cấp thông tin để người tiêu dùng và nhân dân cùng tham gia giám sát.

     Đối với cơ quan chuyên môn, Sở Công Thương Đồng Nai cho biết sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để kiểm tra kiểm soát thị trường, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trang bị máy móc trang thiết bị chuyên dùng để đáp ứng tốt hơn cho công tác kiểm tra xử lý. Tăng cường công tác điều tra, trinh sát, nhân mối mua tin, tập trung có trọng tâm trọng điểm vào một số mặt hàng thiết yếu và những thời điểm cao điểm trong năm như ngày Tết, ngày lễ...Công tác phối hợp với Ban chỉ đạo 127/TW và các bộ ngành liên quan chỉ đạo các lực lượng liên ngành kiểm tra tại các cửa khẩu biên giới tằng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng buôn lậu qua biên giới trong các lĩnh vực, nhằm hạn chế hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng thẩm lậu vào thị trường nội địa.

     Như vậy, nếu xét riêng về trách nhiệm ngành công thương và cơ quan quản lý thị trường của địa phương thì cơ bản là đã có những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, không xuất xứ, nhãn mác tung hoành trên thị trường ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đến sức khỏe người tiêu dùng, có thể thấy rõ là không chỉ của các địa phương, của ngành công thương là có thể kiềm chế được. Trong đó, tình trạng hàng nhập lậu từ Trung Quốc như cá tầm, mỹ phẩm, hạt giống và giống gia cầm, hóa chất nông nghiệp… đang từng ngày, từng giờ hoành hành thị trường trong nước, gây thiệt hại trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế. Trong đó, có thể thấy việc kiểm tra hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng hàng không thời gian qua còn lỏng lẻo, đây là giải pháp trước mắt cần quyết liệt thực hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Chỉ trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tại các địa phương mới có điều kiện chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý thị trường.

                                                                                        Kim Chung