 |
Ông Huỳnh Chí Thắng-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát kiến nghị một số vấn đề liên quan đến nội dung giám sát |
Thực tế trên địa bàn huyện Long Thành, các khu tái định cư chỉ có 25% số hộ đến ở, còn lại là họ bán lấy tiền mua đất nơi khác để ở và sản xuất để đảm bảo cuộc sống. Nhưng huyện Long Thành cũng như bao địa phương khác vẫn phải tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư, vì thực hiện quy định của nhà nước là muốn thực hiện đầu tư các dự án đầu tư, trước tiên phải có nơi để bố trí tái định cư để phục vụ di dời, giải tỏa. Vậy tại sao các hộ dân không vào ở tại các khu tái định cư? Đến nay, vẫn chưa khắc phục được việc xáo trộn nơi ở, đất được cấp đem bán cho người khác để đến định cư nơi khác đã làm cho công tác quản lý nhà nước gặp không ít khó khăn, nhưng các cơ quan chức năng cùng chính quyền các cấp vẫn chưa tìm được lời giải.
Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về việc thực hiện công tác tái định cư với UBND huyện Long Thành cho thấy, trên địa bàn huyện Long Thành có 51 dự án đầu tư, trong đó dự án thuộc KCN là 04 với diện tích phải thu hồi là 1.201,97 ha với số hộ đã phê duyệt là 1.198 hộ (còn KCN Giang Điền, đang triển khai kiểm kê); dự án cụm công nghiệp (5 cụm) với 37 dự án với số diện tích phải thu hồi là 174,43 ha, số hộ bị thu hồi đã phê duyệt là 79 hộ (còn 9 dự án đang triển khai kiểm kê nên chưa thống kê được số hộ bị thu hồi đất); dự án thể thao dịch vụ 04 dự án với 626,13 ha, số hộ bị thu hồi là 892 hộ; dự án thuộc khu đô thị 03 dự án với 838,62 ha (đang triển khai kiểm kê, chưa thống kê được số hộ bị thu hồi đất); dự án thuộc khu dân cư 03 dự án với số diện tích là116,88 ha (đang triển khai kiểm kê, chưa phê duyệt số hộ), số hộ bị thu hồi đất đã phê duyệt là 63 hộ (còn 01 dự án chưa phê duyệt).
Tình hình chuẩn bị các khu tái định cư phục vụ các dự án lớn trên địa bàn huyện đã được UBND huyện triển khai tích cực. Hiện nay đã quy hoạch đủ các khu tái định cư để phục vụ việc di dời các hộ dân thuộc các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm:
- Khu dân cư- tái định cư tại xã Long Đức với số diện tích là 64 ha, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với 1.066 lô tái định cư, diện tích trung bình mỗi lô 300 m2. Dự án này phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 51 và dự án đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu.
- Khu dân cư, tái định cư Long An, diện tích 25,276 ha, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với 416 lô, trung bình mỗi lô 300 m2.
- Khu dân cư, tái định cư Long Phước, diện tích 30 ha, có quy mô khoảng 500 lô, diện tích trung bình mỗi lô 300 m2. Dự kiến bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa trắng thuộc dự án đường cao tốc và tuyến đường sắt Biên Hòa- Vũng Tàu, đường ống dẫn khí và một số DA đầu tư khác trên địa bàn.
- Khu dân cư Tam Phước, diện tích 3,87 ha, gồm 165 lô, trung bình mỗi lô từ 100 m2 đến 140 m2. Dự án này bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa thuộc dự án KCN Tam Phước.
Trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Long Thành, sẽ phải di dời khoảng 8.000 hộ, số diện tích phải thu hồi khoảng 8.300 ha. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 16 khu tái định cư, hiện hoàn thành 6 khu, 01 khu đang xây dựng và 8 khu đã quy hoạch, đã lo được chỗ ở cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, không có tạm cư. Diện tích đã quy hoạch các khu tái định cư là 1.348 ha, sẽ bố trí được chỗ ở cho khoảng 112.000 nhân khẩu, thực tế tại Long Thành sẽ phải sắp xếp lại dân cư vì diện tích đất phải quy hoạch của Long Thành là 42.000 ha trên tổng diện tích 54.000 ha của huyện.
Qua nghe kết quả ghi nhận được về tình hình thực hiện công tác tái định cư trên địa bàn huyện Long Thành cho thấy, trên địa bàn huyện có rất nhiều hộ dân phải di dời, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các dự án đầu tư, nhưng không có hộ dân nào phải tạm cư, phần lớn các hộ dân đều đã chấp hành quyết định thu hồi đất của nhà nước và di dời đi nơi khác. Nhưng các khu tái định cư hoàn thành đều có tình trạng là sau khi nhận lô đất hoặc nhận nhà tái định cư thì sang tay cho người khác để lấy tiền chênh lệch mà không thực sự đến ở, trong đó có một số hộ lại tiếp tục mua đất trong vùng quy hoạch hoặc chiếm dụng nơi ở khác gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Cũng trong tình trạng như các địa phương khác, trên địa bàn huyện Long Thành, chỉ có 25% số hộ thực sự đến ở tại các khu tái định cư, có nhiều khu tái định cư phân lô nhưng người dân không đến ở như Khu tái định cư Phước Bình. Do vậy trong việc quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư cần phải xem xét đến nguyện vọng của người dân để mang lại hiệu quả đầu tư các khu tái định cư. Đối với người dân ở huyện Long Thành cũng như các huyện khác, phần lớn hộ dân làm nông nghiệp, không thể một sớm một chiều có thể kiếm được nghề khác với phương tiện sản xuất khác để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, do vậy Nhà nước cũng nên xem xét đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu tái định cư vùng nông thôn cho phù hợp để thu hút được người dân bị di dời vào ở và giúp họ có cuộc sống ổn định.
Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu tái định cư là cần thiết, nhưng trong điều kiện Nhà nước còn khó khăn về nguồn vốn, khi đầu tư phải tính đến hiệu quả cả về mặt kinh tế và về mặt xã hội. Người nông dân phải di dời, họ rất cần có nơi ở ổn định, nhưng điều họ cần hơn hết là phương tiện và điều kiện để đảm bảo cuộc sống; do vậy các cấp chính quyền phải xem xét đến thực tế để đầu tư mang lại hiệu quả, không nên để tình trạng bỏ vốn đầu tư xong các khu tái định cư mà chỉ có 25% người dân được bố trí tái định cư đến ở, các lô tái định cư dân không ở, bán lại cho người khác, điều này sẽ xuất hiện tình trạng đầu cơ của một nhóm người, chính quyền địa phương biết, nhưng không có thể can thiệp được.
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị các địa phương nên lựa chọn các khu đất thuận lợi về vị trí, về giao thông để bố trí tái định cư, đồng thời khi phân lô nhà ở nông thôn, không chỉ đơn phương là đất ở mà phải tính đến cả phần đất vườn để giúp những người nông dân khi đến nơi ở mới, phần nào có điều kiện cải thiện cuộc sống. Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, phần lớn các hộ dân đều đề nghị được nhận tiền hỗ trợ, không tham dự đào tạo nghề, cần nghiên cứu xem xét đề xuất mô hình đào tạo nghề có tính chất đa dạng, giúp cho các gia đình có lao động nông nghiệp thuận lợi trong việc chọn và chuyển đổi ngành nghề. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng phải có quy định đối với các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư tại địa phương nào, phải có trách nhiệm liên kết với các Trung tâm dạy nghề tại địa phương đó để đào tạo nghề cho các lao động bị thu hồi đất (có đủ trình độ văn hóa, sức khỏe), đồng thời các doanh nghiệp phải ưu tiên tuyển dụng số lao động này.
Nguyễn Thị Phi