Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 41-T4.2008

Cuộc sống người nông dân sau tái định cư

Đăng ngày: 02/05/2008
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện việc tái định cư cho người dân bị thu hồi đất như xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa khang trang. Song, khi đến nơi ở mới, bà con đã mất đi những điều kiện làm ăn trước đây, trong khi ngành nghề mới chưa có hoặc chủ yếu là làm nghề tự do. Và trên thực tế, không ít trường hợp sau khi được bồi thường giá trị đất, đã sử dụng tiền không đúng mục đích, ít quan tâm đầu tư làm ăn để tăng thu nhập.
Lãnh đạo xã Phước Khánh báo cáo với đoàn giám sát về những khó khăn của các hộ dân nơi TĐC
Với tình hình này, vài năm nữa số bà con ấy sẽ sống ra sao? Đây là điều cần phải có sự quan tâm của chính quyền về đạo tạo nghề, hướng dẫn người dân cách làm ăn, sinh sống cho phù hợp với điều kiện mới đồng thời chính người dân phải tự chủ động về đời sống của mình mới có thể giải quyết được hiệu quả thực trạng này.

Qua số liệu giám sát về bố trí tái định cư tại một số xã của huyện Nhơn Trạch cho thấy: Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có 595 dự án đầu tư được giới thiệu địa điểm, với tổng diện tích 12.063,35 ha (bao gồm các dự án công nghiệp, khu dân cư, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội...). Trong đó đã tiến hành thu hồi đất cho 165 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi là 4.951,84 ha, tổng số hộ bị thu hồi đất là 5.576 hộ. Nếu chỉ tính từ năm 2004 đến nay (thời điểm bắt đầu thực hiện theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP) thì trên địa bàn huyện Nhơn Trạch có 296 dự án được giới thiệu địa điểm, với diện tích 7.458,5 ha; trong đó đã thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho 73 dự án , với tổng diện tích là 1908,9 ha, số hộ bị thu hồi đất là 2.858 hộ, trong đó có 457 hộ bị giải tỏa trắng, với số nhân khẩu là 3.195 (trong độ tuổi lao động là 3.086 người, ngòai độ tuổi lao động là 109 người), có 282 hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất với tổng số 1011 nhân khẩu (trong độ tuổi lao động là 801 nhân khẩu, ngoài độ tuổi lao động là 210 nhân khẩu).

Tình hình giải quyết tái định cư cho các hộ bị giải tỏa: Huyện Nhơn Trạch đã rất cố gắng trong việc thực hiện đầu tư xây dựng được 5 Khu tái định cư, trong đó đã xét tái định cư cho 870 hộ với 1603 nhân khẩu (gồm 927 xuất với 691 xuất chính và 236 xuất phụ). Các hộ này đã nhận xong tiền bồi thường. Đến nay đã giao đất cho 523/870  hộ (đạt 60,11% số hộ TĐC đã xét), với 487 xuất chính và 83 xuất phụ, như vậy còn tới 40% số hộ đã xét tái định cư nhưng chưa có đất giao cho các hộ làm nhà ở, các hộ còn phải tạm cư.

Qua giám sát thực tế tại các khu Tái định cư, cho thấy các hộ dân hiện nay đến làm nhà ở tại nơi tái định cư ít, với nhiều nguyên do khác nhau nhưng trong đó cũng có một nguyên nhân là một số hộ tiền đền bù đất không đủ để cất nhà nơi tái định cư, vậy làm sao để họ có nhà ở, để lấp đầy các khu Tái định cư, cần phải được cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu xem xét đề xuất một chính sách nhằm giải quyết thực trạng này. Đồng thời những hộ nông dân này đến nơi ở mới họ biết làm gì để sinh sống trong khi không còn đất, không có vốn, chưa có nghề gì khác ngoài nghề nông...

Như tại Xã Hiệp Phước hiện có trên 60% diện tích đất đã và đang nằm trong các dự án phát triển công nghiệp và đô thị. Điều đó đồng nghĩa với phần lớn dân cư ở địa phương này bị xáo trộn lớn về cuộc sống. Bà con quen sống với ruộng lúa, vườn cây, ao cá, tuy thu nhập không cao nhưng mọi thành viên trong gia đình có thể đóng góp công sức lao động để làm ra sản phẩm nuôi sống mình. Phần đất ấy hiện nay đã bị thu hồi để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, làm đường xá. Nhiều người trở nên khá giả hơn nhờ được bồi thường giá trị đất bị thu hồi. Song, đó là câu chuyện của mấy năm về trước, còn giờ đây người dân ở Hiệp Phước bắt đầu nỗi lo mới cho cuộc sống tương lai khi mà đất sản xuất không còn, số tiền bồi thường cũng dần cạn. Theo phản ánh của Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch thì nhiều xã có sự chuyển dịch lớn từ diện tích đất nông nghiệp sang công nghiệp như: Đại Phước, Phước Khánh, Long Thọ... hiện tại bà con đang giàu lên nhưng cũng rất lo! Điển hình như tại xã Phước Khánh, nhiều hộ nông dân có đất bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp tỏ ra rất vui vì hiện tại họ đã là những triệu phú, tỷ phú. Nhiều người đã dùng khoản tiền ấy vào xây nhà, mua xe. Nhưng khi được hỏi về cuộc sống tương lai khi đất đai không còn, nghề nghiệp mới chưa có thì hầu hết đều có chung trả lời: "Tới đâu hay tới đó!" .

Số người sử dụng phần tiền bồi thường giá trị đất bị thu hồi cho sản xuất, kinh doanh xem ra chưa nhiều. Qua thực tế ghi nhận được là phần lớn bà con nông dân tỏ ra lúng túng chưa biết phải đầu tư tiền vào đâu để sinh lợi, để đảm bảo cho cuộc sống tương lai khi đất đai không còn. Một số không nhỏ bà con, trong lúc chưa tìm ra hướng đi mới cho cuộc sống, sẵn có tiền đã vung tay tiêu xài để gọi là... bù đắp cho cuộc sống vốn khó khăn trước đây. Vì vậy, nếu các cấp, ngành không can thiệp, giúp đỡ kịp thời thì tương lai một bộ phận dân cư trong diện bị thu hồi đất cuộc sống sẽ trở nên khó khăn.

Trên thực tế, việc đào tạo và chuyển đổi ngành nghề cho người dân bị thu hồi đất tại Nhơn Trạch thời gian qua đã được quan tâm nhưng chưa đạt yêu cầu. Trong chương trình đào tạo nghề chung của tỉnh nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 nông dân bị thu hồi đất được đào tạo nghề như làm vườn, trồng và chăm sóc cây cảnh, hoa lan. Song, ngoài một số hộ dân còn đất sản xuất hoặc dành dụm tiền mua đất thì mới có thể tiếp tục gắn bó với nghề nông, còn số đông bà con nông dân khác thì sẽ gặp khó khăn.  Do vậy, vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất cần phải được coi là giải pháp căn cơ để ổn định cuộc sống lâu dài của bà con.

Nguyễn Thị Phi