Ngày 2 tháng 7 năm 2025 - 5:48:41 | |  |
|
Liên kết website
Specified argument was out of the range of valid values.
VĂN HÓA GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ AN NINH TRẬT TỰ XÃ HỘI Đăng ngày: 02/05/2008
Trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay, cùng với những mặt phát triển tích cực của nó đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến tư tưởng, đạo đức, lối sống khiến mọi người phải quan tâm, đặc biệt là từ nền móng văn hóa gia đình. Trong thời gian qua, việc ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp gắn chặt với phong trào xây dựng gia đình văn hóa và coi văn hóa gia đình là nền tảng. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên khắp các địa phương, các khu dân cư về xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với bảo vệ an ninh trật tự xã hội, làm khởi sắc phong trào ở thành thị và thay đổi bộ mặt ở nông thôn. Tình làng nghĩa xóm được vun đắp, an ninh trật tự được giữ vững, gián tiếp đẩy mạnh phong trào Nhà nước và nhân dân tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực vào sản xuất, đời sống, văn hóa gia đình. Có thể nói, đó là thời gian cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành cuộc vận động trung tâm. Qua phong trào, hầu như khu dân cư nào cũng triển khai cuộc vận động, sau hơn 5 năm thực hiện, cuộc vận động đã thu được một số thành công nhất định. số khu dân cư đạt tiêu chuẩn tiên tiến ngày càng nhiều. Trọng tâm của phong trào được các địa phương xác định vẫn nhằm vào những qui ước của gia đình văn hóa từ tổ nhân dân tự quản, trước mắt là xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường trong sinh hoạt đời sống, trong quan hệ gia đình, xóm ấp, trong sản xuất kinh doanh, tự nguyện giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nhằm góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội. Thật đáng quí, qua báo chí các địa phương và báo chí Trung ương, ta thấy đâu đâu cũng xuất hiện nhiều điển hình đáng trân trọng. Số tiền và số ngày công mà đồng bào giúp nhau năm sau cao hơn nam trước. Nhiều gia đình xóa được đói, giảm được nghèo, nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng, nhiều mảnh đời tưởng chừng như vô vọng …đã được những đồng tiền tình nghĩa, những hành động, cử chỉ nhân ái giúp đỡ, vượt qua, vươn lên và hòa nhập với cộng đồng. Tất cả đều xuất phát từ nếp sống “Thương người như thể thương thân” của những gia đình văn hóa trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, nhiều mô hình tiên tiến ở các tổ, khu phố, các khu dân cư đã và đang được nhân rộng mà điểm nổi bật vẫn là xây dựng nền văn hóa gia đình gắn chặt với với an ninh trật tự xã hội. Qua đó tinh thần đấu tranh để xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ở các khu dân cư ngày càng mạnh mẽ, nhất là trên lĩnh vực an ninh trật tự gia đình, làng xóm, khu dân cư. Nhiều dịa bàn làng, xã, nhiều tổ, khu phố đã có những việc làm hay trong việc giúp nhau xây dựng văn hóa gia đình an toàn, êm ấm trên tinh thần tương thân, tương ái, như giao ước từ bỏ thói quen nhậu nhẹt, cờ bạc để làm gương cho con cháu; người lớn giao ước sống mẫu mực, trẻ em thi đua làm việc tốt, nói lời hay. Nhất là nhiều tổ dân phố đã tổ chức họp để phê bình và tự phê bình về tệ nạn cá độ bóng đá, chơi lô đề gây mất đoàn kết nội bộ và gây khó khăn cho đời sống gia đình …Ngoài ra, còn có nhiều điển hình khác về gia đình chuẩn mực, tập trung phát triển làng nghề truyền thống, nghề vườn cây ăn trái, nghề cây giống, cây kiểng, mộc mỹ nghệ ở từng vùng, từng ngành nghề theo bản sắc gia đình, địa phương …Từ phong trào, qua phong trào, nhiều khu dân cư, làng xã đã cho xây dựng được những qui ước, hương ước phù hợp với thuần phong mỹ tục và nếp sống mới hiện đại, xây dựng các câu lạc bộ gia đình mà nổi bật vẫn là mô hình câu lạc bộ gia đình văn hóa, xây dựng “Khu dân cư lành mạnh không có tệ nạn xã hội”. Ngoài việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội, nhiều bản hương ước, qui ước của địa phương đã thực sự đi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư, như qui định về giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, qui ước về thưởng phạt các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ, qui ước về khuyến tài, khuyến học v.v…Tất cả đều thể hiện một các nổi bật tính chất “văn hóa gia đình”. Có thể khẳng định, văn hóa gia đình và vấn đề an ninh trật tự xã hội có mối quan hệ nhân quả với nhau rất rõ nét. Thời gian qua, tại một số địa phương rộ lên những loại hình tệ nạn xã hội, mà gần đây nhất là những cơn dịch “lắc”, rồi những cơn sốt thanh thiếu niên bỏ nhà đi bụi … đang là vấn đề mang tính thời sự nóng hổi làm cho các bậc cha mẹ và người lớn phải trăn trở, nghĩ suy ... Tình trạng trên được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, mà theo thiển ý của người viết bài này thì, một trong những nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn nguy hại này, một phần lớn là do các địa phương, các khu dân cư đã và đang có chiều hướng buông lỏng vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư và nét văn hóa trong từng gia đình, từng cộng đồng dẫn đến sự băng hoại về đạo đức, về nhan cách, về lối sống của một số thành viên trong gia đình, nhất là giới trẻ. Đây cũng chính là hồi chuông cảnh báo để các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm hơn nữa, thực chất hơn nữa, để mang lại tính hiệu quả hơn nữa trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư cũng như phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới …
Nguyễn Viết Chính
|
|
|