THỐNG NHẤT: giám sát việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg
Về cơ bản các xã xã Lộ 25, Hưng Lộc và Xuân Thiện đã hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Các xã thực hiện tốt công tác bình xét, công khai dân chủ danh sách những hộ được hưởng chính sách biết để cùng cộng tác với chính quyền địa phương. Hầu hết các hộ đều được bàn giao nhà để sử dụng trước tết Nguyên Đán Mậu Tý. Đặc biệt tại xã Hưng Lộc: Mặc dù chỉ có 6 hộ cần được hỗ trợ xây dựng nhà trong đó có đến 4 hộ không có đất xây dựng. Các hộ sống không tập trung và không có chỗ ở ổn định nhưng Đảng ủy và chính quyền xã đã mạnh dạng hỗ trợ nguồn đất từ quỹ đất công của xã để triển khai xây dựng 4 căn nhà với diện tích đất mỗi hộ gần 110 m2 /hộ, giá trị đất và nhà lên gần 100 triệu đồng/hộ; song song với việc hỗ trợ đất xây nhà, UBND xã Hưng Lộc cũng hỗ trợ nhân dân về điện, nước và các thủ tục về nhà đất…các đoàn thể xã, ấp tập trung vận động 4 hộ trên ra định cư tập trung và tạo điều kiện cho các hộ ổn định cuộc sống ở nơi ở mới. Đến nay, có thể đánh giá rằng huyện đã cơ bản hoàn thành thắng lợi chương trình hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có khó khăn về nhà ở. vấn đề cần quan tâm hiện nay là còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đã thoát nghèo nhưng chưa bền vững, nhiều hộ vẫn con rất khó khăn về nhà ở cần được các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện cho họ thoát nghèo một cách bền vững. Kim Đoan
LONG THÀNH: giám sát công tác tuyển quân năm 2008 tại xã An Hòa
Công tác xét tuyen gọi thanh niên nhập ngũ của Hội đồng nghĩa vụ Quân sự (HĐNVQS) xã An Hòa trong thời gian qua có nhiều cố gắng, thực hiện đúng theo kế hoạch hướng dẫn của HĐNVQS cấp trên. Tuy nhiên, thông qua giám sát, Thường trực HĐND huyện đề nghị UBND Xã An Hòa cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, học tập luật nghĩa vụ quân sự cho thanh niên, đeo bám vận động thanh niên để đảm bảo đạt chỉ tiêu giao quân. HĐNV-QS Xã tiến hành lập danh sách và niêm yết công khai những thanh niên được miễm, hoãn, thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ năm 2008 tại trụ sở UBND xã và các khu, ấp, cũng như trên các phương tiện thông tin, nêu rõ lý do được miễn, hoãn… thực hiện đúng quy trình 3 bình cử, 4 công khai nhằm hạn chế việc khiếu nại- tố cáo trong công tác gọi thanh niên nhập ngũ. HĐNVQS xã phối hợp với mặt trận và các đoàn thể xã, ấp đến thăm hỏi động viên gia đình có thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2008 để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của gia đình để có hướng giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đối với thanh niên chống lệnh, UBND Xã phải chỉ đạo kiên quyết cho công an xã lập đầy đủ hồ sơ, để đề nghị xử nghiêm các trường hợp thanh niên chống lệnh nhằm để giáo dục, răn đe giúp cho công tác tuyển quân ở những năm tiếp theo của địa phương được tốt hơn. Công an xã tiếp tục rà soát lại hồ sơ, lý lịch của số thanh niên đã trúng tuyển NVQS nhằm phát hiện những thanh niên có tiền án, tiền sự…thanh niên mới nhập khẩu, để công tác tuyển quân đạt chất lượng cao. Nguyễn Văn Tám
Hoạt động tháng 3/2008 của HĐND huyện
Thường trực HĐND huyện Long Thành thực hiện chương trình công tác tháng 3 đạt kết quả tốt: khảo sát công trình XDCB năm 2007 chuyển tiếp; giám sát công tác tuyển gọi thanh niên nhập ngũ năm 2008 tại xã An Hòa, Phước Bình và Tân Hiệp. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đã tiếp 04 lượt và nhận 04 đơn thư khiếu nại, tố cáo với nội dung khiếu nại về việc tranh chấp đất và khiếu nại dân sự, đã chuyển 04 đơn đến các cơ quan chức năng xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Ngoài công tác khảo sát và giám sát, Thường trực HĐND huyện còn tham dự buổi làm việc của tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, đời sống việc làm của nhân dân và các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện; dự lễ tòng quân năm 2008 và họp thông qua các báo cáo kết luận công tác giám sát tuyển chọn thanh niên nhập ngũ năm 2008 ở các xã; khảo sát công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn III (2006-2010) ở các xã Tam An, Long Hưng và Phước Tân. Kim Ngọc
CẨM MỸ: Kết quả hoạt động của Ban HĐND cấp xã thí điểm năm 2007
Những chuyển biến về hoạt động của HĐND xã từ khi thành lap Ban HĐND xã thí điểm (6/2007) đến nay được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Số cuộc khảo sát, giám sát tăng nhiều (12 cuộc giám sát, khảo sát trên các lĩnh vực); công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND xã có chiều sâu, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã được thực hiện thường xuyên và kịp thời hơn trước…Qua hoạt động giám sát, các Ban HĐND xã thí điểm đã kiến nghị nhiều ý kiến thiết thực giúp cho các đơn vị được giám sát khắc phục những tồn tại nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết HĐND và kế hoạch nhà nước trên địa bàn xã. Qua hoạt động thẩm tra, các Ban đã phân công cụ thể từng thành viên có kiến thức chuyên môn liên quan đến nội dung báo cáo, tờ trình, đề án nghiên cứu chuyên sâu, cùng tập thể Ban thảo luận, thống nhất lập báo cáo thẩm tra do đó đã phát huy được trí tuệ của tập thể, đảm bảo phù hợp tính pháp ly, tính khả thi, tính chính xác. Từ đó giúp cho HĐND cấp xã ban hành được các Nghị quyết có chất lượng, ít sai sót, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tuy nhiên, do mới thành lập nên hoạt động của các Ban HĐND xã vẫn còn một số hạn chế cơ bản từ quy trình các cuộc giám sát, khảo sát còn thiếu chặt chẽ, chưa sâu. Trình độ chuyên môn của các thành viên trong Ban còn hạn chế, đa số các thành viên trong Ban còn kiêm nhiệm công tác nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Ban. Nhận thức của các đơn vị được giám sát về chức năng, nhiệm vụ giám sát của Ban chưa đầy đủ nên việc chuẩn bị báo cáo và các nội dung phục vụ đoàn giám sát chưa đạt yêu cầu. Đay chính là những hạn chế qua 1 năm thực hiện và sẽ được chấn chỉnh, khắc phục trong năm 2008. Kim Ngọc
Ban KT-XH huyện giám sát tình hình hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng
Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ hiện có 13/13 xa có Trung tâm học tập cộng đồng. Hầu hết các Trung tâm học tập cộng đồng đều đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo tinh thần “Cần gì học nấy”. Qua đánh giá có 2 Trung tâm hoạt động tốt, 06 Trung tâm hoạt động khá, 05 Trung tâm hoạt động trung bình. Tuy nhiên so với yêu cầu, hoạt động của các Trung tâm còn nhiều hạn chế : Ban Quản lý hoạt động thiếu thường xuyên; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoan thể ở xã, các cơ quan thuộc huyện; xây dựng kế hoạch chưa sát nhu cầu thực tế; cơ sở vật chất hầu chư chưa có gì, chủ yếu sử dụng cơ sở sẵn có tại địa phương; việc sử dụng kinh phí định mức hàng năm chưa đạt hiệu quả. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị Ban chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng huyện thường xuyên kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ về nhân lực để các Trung tâm hoạt động; UBND các xã khẩn trương củng cố Ban quan lý, xây dựng quy chế hoạt động, quan tâm hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm đa dạng phong phú đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Nguyễn Huệ