Như vậy, năm 2016 này là năm đầu của nhiệm kỳ và cũng là năm đầu tiên HĐND các cấp thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là Luật) và các Luật có liên quan khác. Nhìn lại một năm qua, có thể thấy những dấu ấn của Luật đối với hoạt động HĐND tỉnh như sau:
Thứ nhất: Thường trực, các Ban HĐND tổ chức giám sát chuyên đề (thay cho việc thành lập đoàn giám sát trước đây). Về mặt hình thức, tên gọi của giám sát chuyên đề thể hiện tính chuyên sâu hơn do tập trung vào một nội dung cụ thể, tránh giám sát dàn trải. Về nội dung, các văn bản Luật quy định chi tiết hơn về trình tự tiến hành giám sát chuyên đề từ giai đoạn thông qua chương trình; quyết định thành lập Đoàn giám sát với yêu cầu phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, xác định Trưởng đoàn; nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát phải xây dựng đề cương báo cáo để cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát báo cáo (trước đây không quy định); thông báo nội dung, kế hoạch, đề cương báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thành lập Đoàn giám sát; xem xét, xác minh, mời chuyên gia tư vấn về vấn đề mà Đoàn giám sát xét thấy cần thiết… Như vậy, giám sát chuyên đề so với thành lâp đoàn giám sát trước đây thể hiện bước tiến về chất lượng của hoạt động này từ đó góp phần vào việc đảm bảo hiệu quả của giám sát.
Thứ hai: Thường trực HĐND tỉnh hàng quý làm việc với các Ban để nghe kết quả giám sát. Đây là một nội dung mới so với năm 2015 trở về trước, mục đích để phối hợp hoạt động giám sát, đánh giá về tình hình và kết quả hoạt động giám sát. Nhiệm vụ này này được lồng ghép trong các phiên họp vào tháng cuối quý của Thường trực HĐND. Có thể nêu một số nội dung giám sát đã được bàn bạc, thảo luận sâu tại các phiên họp Thường trực như: Công tác bảo đảm an ninh trật tự và chế độ, chính sách cho người tham gia hoạt động này; quản lý công tác quy hoạch, giết mổ gia úc, gia cầm tập trung; phát triển cụm công nghiệp; phát triển giáo dục mầm non; sử dung trang thiết bị tiên tiến trong nhà trường…
Thứ ba: Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Nội dung này trước đây chưa được quy định trong Luật nhưng tùy tình hình thực tế, Thường trực, các Ban HĐND vẫn lựa chọn nội dung để tổ chức giám sát. Đến năm 2016, việc giám sát nội dung này được xác định là trách nhiệm, theo đó việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải được tổ chức giám sát và chuẩn bị thành báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với việc thực hiện quy định này sẽ có tác động trong việc đảm bảo chất lượng trả lời ý kiến cử tri; đảm bảo các thông tin trả lời với cử tri đã được một cơ quan giám sát, xác định về tính đầy đủ, chính xác của nội dung và trách nhiệm của cơ quan trả lời. Trong thực tế, Thường trực đã giao 3 Ban HĐND tỉnh căn cứ vào lĩnh vực phụ trách tổ chức giám sát, báo cáo Thường trực HĐND và Thường trực HĐND tổng hợp, báo cáo với HĐND.
Thứ tư: Phối hợp với Ban Thường trực UMTTQ báo cáo việc tổng hợp ý kiến cử tri tại kỳ họp. Theo quy định, tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trình Hội đồng nhân dân báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương. Điểm khác so với quy định trước đây là việc báo cáo phải có sự phối hợp giữa Thường trực HĐND và UBMTTQ (thay cho quy định chỉ do Thường trực HĐND tổng hợp, báo cáo). Nội dung này được thực hiện lần đầu từ kỳ họp thứ 3 (tổ chức vào cuối năm 2016).
Thứ năm: Tổ chức phiên họp của Thường trực HĐND. Đây là phiên họp được tổ chức định kỳ hàng tháng, đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 04 phiên họp để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề ra phương hướng trong thời gian tiếp theo, nghe báo cáo về hoạt động giám sát và cho ý kiến cử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp đặc biệt về tài chính, ngân sách.
Thứ sáu: Xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường kỳ trong năm. Nếu như Luật Tổ chức HĐND&UBND trước đây quy định HĐND họp thường kỳ mỗi năm 02 lần thì Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định HĐND họp mỗi năm ít nhất 02 kỳ và HĐND quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ. Nội dung này cũng được thực hiện lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tổ chức vào cuối năm 2016).
Thứ bảy: Triển khai giám sát của Tổ đại biểu: Với việc luật hóa hoạt động giám sát của tổ đại biểu, trong năm 2016, 12/12 tổ đại biểu đã tiến hành giám sát việc thực thi pháp luật trên các lĩnh vực tại địa bàn ứng cử của tổ đại biểu. Như vậy kể từ năm 2016, giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh không còn thực hiện theo hình thức thí điểm như trước đây.
Thứ tám: Bổ sung nhiều báo cáo để xem xét tại các kỳ họp HĐND. Ngoài việc xem xét các báo cáo công tác 06 tháng, hàng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, thực hiện quy định của Luật, trong năm 2016 đã bổ sung các báo cáo bắt buộc phải xem xét (trước đây có thể được xem xét dưới hình thức báo cáo chuyên đề) gồm: báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự; báo cáo của Ủy ban nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo của Ủy ban nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo của Ủy ban nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo của Ủy ban nhân dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.
Thứ chín: Thường trực HĐND phối hợp UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tạo điều kiện để MTTQ tham gia vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, các dự thảo Nghị quyết do các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tham mưu trước khi trình HĐND tỉnh đều được gửi cho UBMTTQVN tỉnh để giám sát, phản biện (kể các các Nghị quyết về tài chính, ngân sách).
Thứ mười: Tổ chức bộ máy của HĐND, UBND được tăng cường và hoàn thiện ngay từ đầu nhiệm kỳ để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất đối với HĐND đã bầu đủ 07 chức danh Thường trực HĐND (thay cho quy định Thường trức HĐND gồm 03 người trước đây); bầu Phó các Ban HĐND (06 người của 03 Ban); quyết định số lượng thành viên các Ban HĐND. Đối với UBND đã bầu Chủ tịch, 04 Phó Chủ tịch và 21 ủy viên UBND (trước có 11 thành viên gồm Chủ tịch, 04 phó Chủ tịch và 06 Ủy viên). Ngoài ra, HĐND cũng đã hoàn thành việc bầu Hội thẩm TAND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 để Hội thẩm tham gia hoạt động xét xử với TAND.
So với quy định còn một số hoạt động chưa triển khai thực hiện: Phiên giải trình của Thường trực HĐND; chất vấn giữa hai kỳ họp, nguyên nhân chưa có vấn đề phát sinh cần tổ chức các phiên họp này. Bên cạnh đó, quy trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh là văn bản quy phạm pháp luật trong năm chưa thể thực hiện theo quy trình của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 tuy nhiên vẫn đảm bảo theo nội dung văn bản trao đổi, hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Nội dung công việc không còn thực hiện so với năm 2015 trở về trước: Ban hành chương trình xây dựng Nghị quyết cho năm tiếp theo tại kỳ họp cuối năm do quy trình xây dựng văn bản QPPL được thực hiện theo một trình tự khác so với trước đây (đã giới thiệu tại các bản tin trước).
Trong năm đầu triển khai thi hành Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND và mỗi đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đã kịp thời nắm bắt, thực hiện những quy định mới để đưa Luật thực sự đi vào thực tế của công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Nguyễn Thị Oanh