 |
Theo kết quả nghiên cứu, trẻ em được sống trong gia đình có đầy đủ cha và mẹ yêu thương nhau và cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng chăm sóc con cái sẽ dễ có khả năng thành công trong cuộc sống gia đình sau này |
Ở Việt Nam, bạo lực gia đình không phải là mới, chế độ phụ hệ, tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây những người phụ nữ bị hành hạ chủ yếu là sống phụ thuộc vào chồng. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, vai trò của phụ nữ cũng thay đổi, song thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ thành công hơn trong sự nghiệp vẫn tiếp tục gánh chịu bạo lực gia đình, tuy nhiên ở mức độ tinh vi hơn, hình thức mới mẻ hơn, đó là bạo lực về tinh thần. Nguyên nhân tình trạng này là các ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình của họ bị đe dọa. Hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng, không muốn để người ngoài biết đến. Các vụ việc chỉ được biết đến khi có hậu quả quá nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng bạo lực là do vấn đề này còn chưa được các địa phương quan tâm. Có những cán bộ tư pháp đã hồn nhiên nói với cán bộ phụ nữ rằng, xung đột gia đình là điều...bình thường, một số cán bộ cấp cơ sở còn cho rằng, xung đột gia đình chỉ nên tự giải quyết trong gia đình, và chín bỏ làm mười cho gia đình trong ấm ngoài êm. Chỉ những người… không biết suy nghĩ mới đi trình báo chính quyền! Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia về xã hội học, hiệu quả của việc phòng chống bạo lực gia đình còn kém là do sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, và các hình thức xử lý chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục. "Chỉ khi nào nạn nhân được chứng minh là thương tích 11% trở lên mới truy cứu". Song không phải lúc nào, nạn nhân cũng được đi giám định, cơ sở y tế địa phương cũng không đủ khả năng làm điều này. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phạt tiền người chồng đánh vợ, song người vợ lại phải đứng ra nộp tiền thay vì ông chồng không có khả năng kiếm tiền.
Trong năm 2008, ở tỉnh Đồng Nai vẫn tồn tại một số vụ bạo hành gia đình, gồm chồng bạo hành vợ, vợ bạo hành chồng, ông bà cha mẹ hành hạ con cháu, con cháu ngược đãi ông bà cha mẹ... gây thương tích, hoảng loạn tinh thần, bỏ học, bỏ làm việc, ly thân, ly hôn,.... Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong việc gây ra bạo lực trong gia đình gồm mẹ chồng và con dâu, bố mẹ vợ và con rể, anh chị em có gia đình vẫn sống chung trong một nhà, vợ chồng của những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, người thường xuyên sử dụng nhiều rượu bia và chất kích thích khác... Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; triển khai đến cấp cơ sở phát hiện xử lý sớm xích mích nhỏ, không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn, ngoài ra còn chú trọng đến công tác tư vấn, hòa giải để tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn để xây dựng lối sống và nhân cách của bản thân và gia đình.
Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ra đời đã mang lại niềm vui và hy vọng cho nhiều người, đặc biệt là nữ giới. Tuy nhiên, ở nhiều cơ quan công quyền lại có chung nỗi lo bởi có luật mà chưa có nghị định hướng dẫn thì họ sẽ vô cùng lúng túng trong việc giải quyết các vụ việc. Nhất là khi ngay trong luật đã có những điều chung chung. Trong Điều 2, quy định các hành vi BLGĐ có ghi: Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính... Như vậy là sẽ khó khăn cho các cơ quan chức năng khi giải quyết vụ việc vì không có thước đo để biết chính xác lao động thế nào là quá sức. Thực tế từ Luật Hôn nhân và Gia đình đã cho thấy có những chi tiết khi đem ra làm căn cứ để xét tội thì mới thấy "vướng mắc" như: các thành viên có nghĩa vụ đóng góp sức lao động và kinh tế... nhưng vì không có chuẩn là phải đóng góp bao nhiêu nên nhiều cá nhân chỉ đóng một phần rất ít trong thu nhập của mình mà vẫn được xem là có đóng góp rồi.
Nhiều tổ chức cấp trung ương như Trung tâm Phụ nữ và phát triển (CWD), Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển (RCGAD), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA)... đã tổ chức nhiều hoạt động về vấn đề PCBLGĐ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức lớp tập huấn cho lãnh đạo các cấp Hội. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những hoạt động tuyên truyền, còn để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống thì cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước và điều quan trọng là cần sớm có nghị định hướng dẫn thi hành một cách cụ thể.
Tuy nhiên, việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật dù sao cũng chỉ là một giải pháp mang tính pháp lý, còn việc làm sao để tiến tới một xã hội thực sự bình đẳng, hạnh phúc thì cần phải có sự chuyển biến về nhận thức thức của toàn xã hội, trong đó có sự tự điều chỉnh của từng cá nhân, để cho một bộ phận nam giới tự thấy mình cần phải nâng niu tôn trọng gia đình nhỏ bé của mình hơn nữa, những người phụ nữ cũng cảm thấy cần tự tin hơn, bớt phụ thuộc hơn, cần thiết tham gia vào công việc mưu sinh để gánh vác bớt trách nhiệm kinh tế gia đình cho người chồng, để từ đó vợ chồng có thể hiểu biết và thông cảm cho nhau hơn, để cho những đứa trẻ được sống trong một gia đình có cha, mẹ yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, để rồi khi lớn lên chúng tiếp tục trở thành những người cha, người mẹ tốt.
Như vậy, sự chuyển biến này phải bắt đầu từ công tác giáo dục, cần phải lấy giáo dục làm gốc, làm phương tiện để cảm hoá và điều chỉnh hành vi con người. Qua đó, con người được giáo dục tốt sẽ lớn lên với nhận thức đúng đắn, từ đó có cư xử đúng đắn. Muốn giáo dục con người một cách toàn diện, phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, để tạo ra một xã hội với các tế bào là những gia đình thực sự no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Kim Chung