Theo đó, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn
2019-2021 là phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu – chi cân đối ngân sách đã được
Quốc hội, HĐND tỉnh giao; chủ động điều hành ngân sách đảm bảo cân đối ngân
sách, đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ chính sách và các mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội đến năm 2021 đã đề ra; thực hiện các định hướng về tài chính
và ngân sách theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế
hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng
thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi
nhuận còn lại, thu XSKT) tăng bình quân tối thiểu 13-15%/năm, thu từ hoạt động
XNK tăng bình quân 5-7% và chi đầu tư không thấp hơn quy định tại Nghị quyết số
83/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2016-2020.
Về kế hoạch vay giai đoạn 2019-2021, dự kiến
như sau: Tổng số vay dự kiến là 2.000 tỷ đồng, trong đó đối với dự án đầu tư vốn
ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cấp phát từ NSTW là 72,855 tỷ đồng để
thực hiện dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Đồng Nai; các dự án trọng điểm của
tỉnh và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới dự kiến đến năm 2021 là
738 tỷ đồng.
Về kế hoạch trả nợ giai đoạn 2019-2021: Căn cứ
theo quy định thời gian trả nợ được ký kết trong các hợp đồng tín dụng giữa
UBND tỉnh và các NHTM (thời gian hoàn vốn kể từ năm thứ 3), đối với nguồn vốn
vay ODA thì thời gian trả nợ bắt đầu từ năm thứ 10. Như vậy, trong giai đoạn
năm 2019-2021, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ phải bố trí kế hoạch chi trả nợ số tiền
là 895 tỷ đồng, trong đó năm 2019 là 710 tỷ đồng, năm 2020 là 109 tỷ đồng và
năm 2021 là 76 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch trả nợ được bố trí trong kế hoạch đầu
tư công hàng năm của tỉnh được HĐND phê duyệt theo quy định và nguồn hoàn trả từ
các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách hàng năm.
Về tỷ lệ dư nợ vay: Không vượt quá 30% số thu
ngân sách được hưởng theo phân cấp theo quy định của Luật NSNN năm 2015, theo
đó mức dư nợ vay tối đa của NSĐP dự kiến năm 2019 là 6.188 tỷ đồng, dự kiến năm
2020 là 6.764 tỷ đồng và dự kiến năm 2021 là 7.386 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nợ
công, một số giải pháp đặt ra là tập trung theo dõi và dự báo tình hình đầu tư,
phát triển SXKD và hoạt động XNK của các doanh nghiệp, đánh giá những tác động
đến số thu ngân sách; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê khai quyết
toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh thực hiện cải cách
hành chính có hiệu quả; định kỳ gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển SXKD…
Lê Lài