 |
Ông Huỳnh Chí Thắng-PCT HĐND tỉnh, giải trình các ý kiến |
Tham gia phát biểu và phản ánh các ý kiến, kiến nghị có 13 lượt cử tri tham gia, các ý kiến của cử tri tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước tại khu dân cư, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, triển khai thực hiện các chính sách xã hội, chính sách gia đình người có công, kiến nghị có chính sách thù lao cho Ban điều hành Tổ dân phố... cụ thể như: Đường giao thông liên phường xuống cấp; Vỉa hè đường Đồng Khởi tại sao cơ quan quản lý xây dựng lại để cho các hộ dân mặt tiền đường tự hạ và lấn chiếm vỉa hè trước nhà ...Về môi trường bị ảnh hưởng do đường mương thoát nước của đường K 24 chưa xong, nước thoát không được gây ô nhiễm; việc hình thành bãi rác trước cổng trường Tam Hiệp, phường phải có biện pháp xử lý dứt điểm. Về số diện tích đất trên 800 m2 để hoang nhiều năm nay, Khu phố đề nghị cho xây điểm chốt dân phòng và Văn phòng khu phố, nhưng không được giải quyết- cử trỉ đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến và nhân dân Khu phố này không đồng ý việc lấy lại số đất trống này để bán.
Một vấn đề được nhiều cử tri đề nghị là HĐND tỉnh phải xem xét, kiến nghị đến cấp thẩm quyền nghiên cứu ban hành chính sách thù lao cho Ban điều hành Tổ dân phố; vì không thể có việc giao nhiệm vụ, chức năng mà không có chế độ thù lao đi kèm; hơn nữa những người làm công tác Tổ trưởng , Tổ phó Tổ dân phố đều là những người tuổi cao sức yếu, họ xin nghỉ nhưng chưa cho nghỉ vì không có người thay thế. Đồng thời tại buổi tiếp xúc, những cử tri cao tuổi đề nghị Tỉnh sớm triển khai NĐ 67/2007 về chính sách cho người cao tuổi (từ 85 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp)
Sau khi nghe các ý kiến phản ánh và kiến nghị của cử tri, Ông Huỳnh Chí Thắng PCTHĐND tỉnh đã tiếp thu để phản ánh đến cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết và giải trình rõ một số ý kiến kiến nghị của cử tri. Theo Ông Huỳnh Chí Thắng, thì việc phải có chính sách thù lao cho Ban điều hành Tổ dân phố là rất khó khăn, vì ngân sách của địa phương không thể đáp ứng được, các khoản chi ngân sách đều phải có nội dung khoản mục chi theo quy định của cấp thẩm quyền. Nhưng các cử tri rất bức xúc và đề nghị HĐND tỉnh phải nghiên cứu để có chính sách thù lao cho Ban điều hành Tổ dân phố.
Vậy giải pháp nào để thực hiện ý kiến, kiến nghị này của cử tri?
Qua nghiên cứu Quyết định số 2434/2005/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 7 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành bản quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ nhân dân trong tỉnh Đồng Nai. Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ nhân dân theo Quyết định của UBND tỉnh là căn cứ vào văn bản chỉ đạo triển khai đề tài khoa học “Đảng bộ xã lãnh đạo công tác khoa giáo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo quy chế này thì Tổ nhân dân chỉ có Tổ chức và hoạt động, không có chính sách thù lao kèm theo. Nếu theo quy định về số lượng tối đa 40 hộ/ 01 tổ nhân dân, thì toàn tỉnh có gần 12.000 Tổ nhân dân, nếu mỗi tổ chỉ tính 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó, thì có khoảng gần 24.000 người thuộc Tổ nhân dân hoạt động thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ. Như:
- Tổ trưởng: Chủ trì các cuộc họp của Tổ nhân dân, tuyên truyền phổ biến các thông tin (bản tin nội bộ) về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các công việc thực hiện tại địa phương; thay mặt Tổ nhân dân tham dự các cuộc họp, các buổi làm việc do cấp trên tổ chức, chỉ đạo thực hiện; kiểm tra việc thực hiện các công việc của Tổ nhân dân ở các hộ dân, yêu cầu các hộ dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật, quy ước của ấp, khu phố và các quy định của Tổ; báo cáo đánh giá tình hình công tác của Tổ nhân dân trong tháng và dự kiến công tác tháng sau; nắm và phản ánh tình hình của Tổ nhân dân cho Chi bộ (hoặc Tổ Đảng) và Trưởng ấp, Trưởng khu phố; hòa giải các vụ việc tranh chấp trong thân tộc và nội bộ Tổ nhân dân.
- Tổ phó: Thực hiện các quyền và trách nhiệm do Tổ trưởng phân công; làm thư ký trong các buổi họp Tổ nhân dân, soạn các văn bản của Tổ báo cáo ấp, khu phố và các đơn vị có liên quan; thay mặt Tổ trưởng điều hành công việc của Tổ khi Tổ trường vắng mặt.
Như vậy nhiệm vụ thì được giao, nhưng chế độ thù lao thì không có. Theo thực tế hoạt động của các Tổ trưởng Tổ nhân dân, họ phải đi làm các công việc như gửi thông báo của ấp, khu phố, phường, xã, thị trấn... đến từng hộ dân; hàng tháng, hàng năm... phải đi thu các khoản phải đóng góp đối với các hộ dân, đồng thời họ còn phải thực hiện hòa giải đối với các hộ dân thuộc tổ. Vậy nếu các Tổ trưởng, Tổ phó tham gia các hoạt động do Chính quyền giao thì nên có một khoản tiền trích từ những khoản thu được hưởng của phường, xã, thị trấn để trả thù lao cho Ban điều hành Tổ nhân dân. Còn nếu không có thù lao thì nên thu gọn “Bộ máy” Tổ nhân dân vào với Ban điều hành Ấp, Khu phố. Vì các ý kiến của các cử tri rất gay gắt, nếu cứ để tồn tại tổ chức và hoạt động mà không có chế độ thù lao sẽ rất khó giải thích cho đại biểu HĐND mỗi khi đi tiếp xúc cử tri.
Nguyễn Thị Phi