Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 92-T1&T2-2013

Hội đồng nhân dân tỉnh với công tác cải cách Tư pháp năm 2012

Đăng ngày: 24/06/2013
​Một trong những phương hướng đề ra của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 xác định: Hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp. Thực hiện định hướng chỉ đạo nêu trên, trong năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình. 

​     Trước hết là việc tăng cường và nâng cao hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là của lãnh đạo các cơ quan tư pháp. Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2012 do HĐND tỉnh ban hành xác định rõ chương trình giám sát hoạt động Tư pháp và cơ quan Tư pháp để làm cơ sở triển khai thực hiện. Chủ thể tiến hành giám sát gồm: Thường trực, Ban Pháp chế và tổ đại biểu HĐND tỉnh. Đối tượng chịu sự giám sát gồm các cơ quan: Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự hai cấp.

    Nội dung giám sát trong năm 2012 bao gồm: Kết quả thực hiện việc hòa giải ở cơ sở, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong đó có một số vụ, việc khiếu nại cụ thể; thực hiện chương trình cải cách hành chính; công tác xét xử và việc theo dõi công tác thi hành án. Ngoài ra, còn một số nội dung liên quan đến hoạt động của các cơ quan Tư pháp cũng được quan tâm giám sát: Công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

     Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát việc thi hành pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND, VKSND và UBND về hoạt động Tư pháp. Đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực tư pháp tương đối nhiều. Khi nhận được đơn thư của công dân, Thường trực HĐND tỉnh phân loại xử lý như sau: Chuyển trả đơn và giải thích, trả lời cho người khiếu nại, tố cáo biết, qua giám sát vụ việc, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy không có cơ sở để kiến nghị các cơ quan Tư pháp theo nội dung đơn thư; đề nghị các cơ quan Tư pháp trả lời, giải trình thêm để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, xử lý hoặc đưa ra những phân tích, kiến đối với cơ quan Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền. Trong quá trình giám sát, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp giám sát giữa hai cấp tỉnh và huyện; giữa Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND hai cấp. Phối hợp với các cơ quan Tư pháp tham gia các đoàn kiểm tra chéo, các buổi làm việc giữa các cơ quan Tư pháp để nắm tình hình giúp cho việc đưa ra những ý kiến thẩm tra tại kỳ họp HĐND.

DSC04520.jpg
Ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5
về công tác xét xử các loại tội phạm hình sự
trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh​
 

     Bên cạnh việc tổ chức các đoàn giám sát giữa hai kỳ họp, HĐND tỉnh đã thực hiện tốt giám sát tại kỳ họp giữa năm và cuối năm thông qua việc lập các báo cáo thẩm tra và xem xét báo cáo của TAND, VKSND, Công an tỉnh và một số báo cáo liên quan đến hoạt động Tư pháp như: Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; Thi hành án dân sự đồng thời Thường trực HĐND báo cáo trước Hội đồng nhân dân về kết quả giám sát trong năm trong đó có nội dung giám sát hoạt động Tư pháp. 

     Đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp hội đồng nhân dân được quan tâm thực hiện. Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đối với 02 nội dung về: Trách nhiệm của TAND tỉnh trong công tác xét xử các loại tội phạm hình sự trong thời gian qua nhằm góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đó đề nghị làm rõ có bao nhiêu vụ xét xử trong khung hình phạt; bao nhiêu vụ dưới khung cho hưởng án treo; bao nhiêu vụ xét xử lưu động và việc xét xử những loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và về khắc phục những bất cập trong tạm đình chỉ vụ án dân sự do chờ ủy thác tư pháp. Chất vấn Giám đốc sở Tư pháp về việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực từ UBND cấp xã về Phòng Công chứng và các Văn phòng Công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các nội dung chất vấn đã được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp trả lời trực tiếp tại kỳ họp trong đó xác định rõ trách nhiệm của ngành và nhận được sự đồng tình của đại biểu HĐND.

     Ngoài hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp, với vai trò là Chủ tọa, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Lãnh đạo các cơ quan Tư pháp trả lời về những vấn đề Đại biểu HĐND tỉnh quan tâm: Vấn đề xử lý nghiêm tội phạm vi phạm trật tự an toàn giao thông gắn với việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn; việc đảm bảo cho công tác tuyên truyền phố biến giáo dục pháp luật đến đúng đối tượng, đi vào thực chất…

     Trong công tác tuyển chọn đề nghị bổ nhiệm, tái bổ nhiệm các chức danh Tư pháp (Thẩm phán, Kiểm sát viên), trên cơ sở kết quả giám sát, theo dõi tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các Thẩm phán và Kiểm sát viên, Hội đồng tuyển chọn do đồng chí phó Chủ tịch HĐND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn xem xét đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với những trường hợp đủ điều kiện; xem xét lại đối với những trường hợp trong nhiệm kỳ Thẩm phán, Kiểm sát viên có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tư cách đạo đức và việc thực hiện nhiệm vụ hoặc các trường hợp Thẩm phán trong nhiệm kỳ tuyên xử số vụ án  và bị cáo được hưởng án treo lớn. Kết quả trong năm 2012 đã xét đề nghị bổ nhiệm 27 Thẩm phán và 14 Kiểm sát viên hai cấp. 

     Nhìn chung, hoạt động giám sát hoạt động Tư pháp và các cơ quan Tư pháp của HĐND tỉnh Đồng Nai năm 2012 cơ bản đạt yêu cầu và có tác động tích cực đối với các cơ quan Tư pháp trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 được HĐND tỉnh quan tâm thực hiện. Bên cạnh việc mời đại diện các Báo, Đài địa phương tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát, HĐND tỉnh cũng thông tin công khai về hoạt động giám sát về Tư pháp trên các phương tiện thông tin của HĐND: Website và bản tin hàng tháng. Căn cứ chức năng, thẩm quyền, HĐND tỉnh có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hoạt động Hội thẩm và xét xử lưu động của ngành Tòa án nhân dân, tạo điều kiện cho TAND thực hiện nhiệm vụ. 

     Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong lĩnh vực Tư pháp còn những hạn chế: Theo tinh thần Nghị quyết số 49 về hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử thì cần đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan Tư pháp tại các kỳ họp HĐND và nên có Nghị quyết riêng về hoạt động Tư pháp sau khi nghe báo cáo và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, trong năm 2012 mới thực hiện chủ yếu theo thông lệ, chưa xem xét, thông qua Nghị quyết chuyên đề liên quan đến công tác Tư pháp. 

     Từ những kết quả đạt được của năm 2012, trong năm 2013 căn cứ quy định của Luật Tổ chức HĐND&UBND, HĐND tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động của mình nhằm góp phần thực hiện thắng lợi tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 49-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

                                                                        Nguyễn Thị Oanh