Đồng
Nai có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất
nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao, gần thành phố Hồ Chí Minh là thị trường nội địa lớn.
Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm bố trí, đặc
biệt hiện nay tỉnh đang triển khai đầu tư 02 Cụm công nghiệp chế biến sâu tại
huyện Định Quán, Cẩm Mỹ và lộ trình mở rộng Chợ đầu mối nông sản Dầu giây giai
đoạn 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến nông sản và chuỗi
liên kết phát triển. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng chịu nhiều
thách thức: Sự cạnh tranh về nguồn lực đất đai, lao động tay nghề cao do định
hướng cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, xây
dựng và dịch vụ; tốc độ đô thị hóa cao của một số địa phương sẽ dẫn đến tình
hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả; thiên tai, biến đổi khí hậu
dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng sẽ xuất hiện dịch bệnh mới
trên cây trồng, vật nuôi gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp; cạnh tranh về
thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư; yêu cầu khắt khe về chất lượng
sản phẩm, trong đó đặc biệt là yêu cầu nhãn hiệu, thương hiệu, truy suất nguồn
gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Do đó định hướng phát triển trong giai
đoạn 2021 -2025 là tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng
trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3
nhóm sản phẩm chủ lực; khai thác tận dụng tốt lợi thế về phát triển nông nghiệp,
xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đạt chất lượng
cao đạt tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế
biến sâu, bảo quản và thị trường, xuất khẩu theo chuỗi giá trị; tạo đột phá
trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ, kết hợp phát triển du lịch
sinh thái, du lịch môi trường rừng, nông lâm kết hợp nhằm phù hợp với tiềm năng
lợi thế của tỉnh.
Mục
tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông
lâm thủy sản: 3 – 3,5%/năm;
- Tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy
sản: 2,8 – 3,2%/năm;
- 100 % xã đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao; 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 05 đơn vị cấp
huyện đạt chuẩn nông thôn
mới nâng cao;
- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2025: 28,3%
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QC
quốc gia năm 2025: 85%
Nội dung, nhiệm vụ và giải pháp:
1. Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng
dụng công nghệ cao, đảm bảo phát triển bền vững
Về lĩnh
vực trồng trọt: Tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi
khí hậu tại địa phương, đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng
lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao (điều,
cao su, mía, cà phê..);

Mô hình sản xuất trái cây sạch ở huyện Tân Phú
Về lĩnh vực chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn dịch
bệnh, sử dụng phần mềm quản lý chăn nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm,
không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; quản lý và sắp xếp các cơ sở giết mổ
tập trung theo mạng lưới cơ sở giết mổ được UBND tỉnh phê duyệt, kiên quyết xử
lý dứt điểm tình trạng giết mổ không phép để thực hiện tốt công tác quản lý về
môi trường, an toàn thực phẩm và thúc đẩy phát triển các chuỗi chế biến...
Về lĩnh vực thủy sản: Xây dựng ngành thủy sản của tỉnh thành
ngành sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, công nghệ cao, phát triển thủy sản
gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chú trọng phát triển các đối
tượng thủy sản chủ lực của tỉnh như cá, tôm, chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng
nâng cao tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt và dịch vụ cung ứng giống
thủy sản...
Về lĩnh vực lâm nghiệp: Tiếp tục quản lý bảo vệ và phát triển rừng
theo hướng bền vững đi đôi với khai thác và nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội-môi
trường của rừng trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch hợp lý ba loại rừng gắn với quy
hoạch sử dụng đất và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và phương án quản lý rừng bền
vững; giữ ổn định
diện tích, nâng cao chất lượng rừng; thực hiện tốt công tác phát triển rừng,
công tác trồng rừng thay thế theo kế hoạch; Thực hiện chính sách
chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng cung cấp dịch vụ môi trường, góp phần cải thiện sinh kế cho người
dân tham gia giữ rừng và phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững; đầu tư ứng
dụng khoa học công nghệ mới trong quản lý, giám sát, bảo vệ rừng, phòng cháy,
chữa cháy rừng, dịch bệnh cây trồng
lâm nghiệp.
Về lĩnh vực tổ chức sản xuất: Phát triển các hình thức tổ chức sản
xuất, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
quản lý nhà nước và Hội đồng quản trị hợp tác xã; gắn việc thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp với xây
dựng chuỗi liên kết; đẩy
mạnh việc mời gọi doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết trên địa
bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp trên địa
bàn. Tăng cường hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho
các sản phẩm tham gia chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực chế biến nông, lâm thủy
sản: Hình thành chuỗi sản xuất từ vùng sản xuất
nguyên liệu đến chế biến và hệ thống
phân phối đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; mạng lưới các doanh nghiệp vừa
và nhỏ ở các vùng nguyên liệu được bố trí một cách phù hợp để làm vệ tinh và tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến xuất khẩu; hình thành chuỗi cửa
hàng cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận; kiểm soát chặt chẽ chất lượng
sản phẩm và đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn từ “trang trại đến bàn ăn”. Duy trì hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn
ISO: 22.000; HACCP tại các nhà máy chế biến thực phẩm; triển khai thực hiện có
hiệu quả các cơ chế chính sách đã được ban hành để thu hút các thành phần kinh
tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến...
2. Phát triển hạ tầng
thủy lợi, nước sạch và phòng chống thiên tai: Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa
nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, trong đó ưu tiên cao phục vụ cho phát triển cây
công nghiệp, cây ăn quả, rau, màu..., phục
vụ cấp nước công nghiệp và dân sinh.
3. Xây dựng nông thôn mới, nâng
cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn: Tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm OCOP
được chứng nhận. Phấn đấu đến cuối năm 2025: 100 sản phẩm đạt 3 sao trở lên;
15 sản phẩm đạt 4 sao; 08 sản phẩm
đạt 5 sao; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới toàn diện trên tất cả các mặt, theo hướng ổn định và bền vững.
Gắn chặt xây dựng nông thôn mới với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp,
Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn,
chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế.
4. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực,
tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp: Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án,
cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn đã được ban hành; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách về
nông nghiệp, nông thôn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực trạng
và xu hướng phát triển nông nghiệp của địa phương tại từng thời điểm.
5. Tăng
cường quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm soát an toàn thực phẩm: Thực hiện công tác giám sát sản
phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi và triển khai kiểm soát tốt an toàn thực phẩm,
cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm nấm,
thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, rau, củ, quả. Tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng,
an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện Kế
hoạch chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn vào chợ đầu mối Dầu Giây.
6.
Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá
thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm nhà đầu tư, nhà tiêu thụ; tăng cường
công tác thông tin thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho người sản xuất về tình
hình giá cả, dự báo ngắn và dài hạn về xu hướng thị trường trong nước và trên
thế giới để người dân chủ động điều chỉnh quy mô sản xuất,
cân đối cung cầu phù hợp với nhu cầu của thị trường; khai thác và phát triển các loại hình du
lịch gắn với nông lâm nghiệp bền vững như du lịch sinh thái, mô hình du lịch trải
nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng với nông dân…
Nguyễn Bình