Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết công việc để cán bộ, công chức nâng cao kiến thức, tham gia sáng tạo, cải tiến công việc. Đã cơ bản hình thành cơ sở hạ tầng hệ thống kết nối mạng giữa các cơ quan nhà nước với nhau, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin từ tỉnh đến huyện. 100% các cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên có mạng nội bộ và kết nối internet; 90,5% cán bộ công chức nhà nước được trang bị máy tính để phục vụ công việc hành chính. Các cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh với trung ương, giữa các sở ban ngành và cơ quan cấp bộ được thực hiện trên môi trường mạng. Một số ngành triển khai họp trực tuyến thường xuyên như: UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường. 100% các sở, ban ngành, UBND cấp huyện được cài đặt phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc, 100% cán bộ công chức trực thuộc được cấp hộp thư điện tử Đồng Nai để sử dụng. Hầu hết việc trao đổi trên mạng được thực hiện qua thư điện tử Đồng Nai đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, thực hành tiết kiệm. Bước đầu các cơ quan đã triển khai gửi nhận văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, các văn bản phục vụ cuộc họp được cung cấp dưới dạng văn bản điê j tử cho các đại biểu trước các cuộc họp nhằm giảm giấy tờ, tăng thời gian thảo luận trong các cuộc họp tập trung như Kỳ họp của HĐND tỉnh, các hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thông tin hoạt động nhà nước, các thủ tục hành chính và một số thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo được công khai đưa lên mạng qua trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin của các cơ quan nhà nước, góp phần cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Đồng Nai ở mức khá so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều hạn chế. Nhiều chương trình dự án chưa triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Một số dự án triển khai thiếu sự thống nhất chung giữa các ngành liên quan, còn dàn trải không đúng trọng tâm, gây trùng lắp, lãng phí và không khai thác hết hiệu quả đầu tư của dự án mang lại. Nguyên nhân chủ yếu do tập trung đầu tư hạ tầng, trang thiết bị máy móc mà ít quan tâm triển khai ứng dụng và công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, còn xem nhẹ vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, việc khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước còn chưa triệt để, dễ lãng phí trong đầu tư. Nguyên nhân do thiếu tính liên kết cơ sở hạt tầng giữa các cơ quan nhà nước với nhau, hạ tầng kết nối mạng nội bộ trong cùng đơn vị không liên thông với nhau nhằm khai thác triệt để cơ sở dữ liệu dùng chung, một số cơ sở dữ liệu không được cập nhật thường xuyên. Số liệu thống kê cho thấy, đến nay chỉ có khoảng 30% hộp thư điện tử được cấp cho cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước được thường xuyên sử dụng, chưa đạt so với chỉ tiêu 80% đề ra. Chỉ có 32,5% cơ quan nhà nước có trang thông tin điện đử để phục vụ người dân và doanh nghiệp, chưa đạt so với chỉ tiêu 100% đã đề ra. Chỉ có một số ít dịch vụ công đạt được ở mức độ 3 dịch vụ công trực tuyến. Về nguồn nhân lực chưa đáp ứng được việc vận hành ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan nhà nước, trình dộ cán bộ về công nghệ thông tin còn hạn chế, nhân lực còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, một số cơ quan không có cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin, mặc dù tỉnh đã có chính sách thu hút đối với người làm công tác công nghệ thông tin nhưng việc thu hút nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao làm việc tại các cơ quan nhà nước còn gặp khó khăn do chế độ, chính sách chưa hợp lý.
Để triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, ngày 10/6/2011 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3899/KH-UBND gồm các mục tiêu chính như sau:
Một là, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật trên môi trường mạng an toàn, hiệu quả; hoàn thiện các hệ thống thông tin, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung; kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật để 100% các cuộc họp giữa Chính phủ với tỉnh, giữa tỉnh và các huyện có thể được thực hiện trên môi trường mạng.
Hai là, 70% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi dạng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử, trong đó 90% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử; 100% cơ quan nhà nước dứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng; xây dựng các cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức; 100% cán bộ, công chức làm công tác hành chính biết sử dụng máy tính.
Ba là, 100% dịch vụ hành chính công mức độ 2 được đưa lên cổng thông tin điện tử của tỉnh, có 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 100% huyện ứng dụng mô hình điện tử một cửa.
Để thực hiện các mục tiêu trên, giai đoạn 2011-2015 dự kiến thực hiện 42 dự án với tổng vốn đầu tư gần 192 tỷ đồng, trong đó có 09 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn 63 tỉ đồng, 23 dự án ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành (100 tỉ đồng), 8 dự án về dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp (21 tỉ đồng), 1 dự án về công tác đảm bảo an toàn thông tin (8 tỉ đồng), 1 dự án đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (2 tỉ đồng).
Kim Chung