Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, tổng đàn heo, gà trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 10 triệu con. Trong đó đàn heo khoảng 1,1 triệu con với các giống heo ngoại chiếm trên 95% cơ cấu đàn gồm Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain; tổng đàn gà khoảng 9 triệu con với giống gà sử dụng chăn nuôi tại các trang trại gồm có gà hướng thịt trắng công nghiệp (Arbor Acres, Ross, Cobb), gà hướng trứng (Hyline Brown, Lohmann Brown, ISA Brown) và gà tam hoàng, gà lương phượng. Tỷ lệ heo nuôi trang trại chiếm 60% và gà nuôi trang trại 80%. Hiện nay, việc chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm dần do dịch bệnh liên tiếp hoành hành, giá cả đầu ra bấp bênh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nên người chăn nuôi không còn khả năng mở rộng và tái đàn. Nhiều trang trại nuôi heo, gà trong tỉnh đang chuyển dần sang nuôi gia công hoặc cho các công ty nước ngoài thuê chuồng trại để nuôi…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 trang trại chăn nuôi heo được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả (01 trại nọc giống, 04 trại nái sinh sản); 44 trang trại chăn nuôi gà được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle (16 trang trại giống bố mẹ và 28 trang trại gà đẻ trứng thương phẩm). Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang thẩm định và xây dựng điều kiện cơ sở an toàn dịch bệnh cho 22 trang trại chăn nuôi heo và 10 trang trại gà.
Mặc dù toàn tỉnh đã quy hoạch được 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi ở hầu hết các huyện, thị (diện tích 15.374,7 ha) nhưng việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi gần như chưa được thực hiện; còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư, hoặc nằm trong vùng phải di dời, không thuộc vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi; ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra chưa được khắc phục và còn khá phổ biến. Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, sản xuất chế biến thực phẩm hiện đại nhưng công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi còn nhiều hạn chế; việc ghi chép, theo dõi sối liệu chăn nuôi chưa được người chăn nuôi thực hiện có hệ thống và bài bản. Hàng năm, tỉnh đều phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp chủ động cùng người chăn nuôi thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh nhưng tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi ngày càng phức tạp và khả năng để kiểm soát tốt, ổn định lâu dài trên địa bàn tỉnh là rất khó khăn; công tác tiệm phòng các bệnh bắt buộc trên đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ đạt tỷ lệ thấp, dịch bệnh thường xảy ra trên diện chăn nuôi này.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch chưa phối hợp nhịp nhàng hiệu quả; một số địa phương chưa quan tâm, tác động mạnh trong công tác tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho vật nuôi trên địa bàn quản lý. Hơn nữa, giá thành thức ăn chăn nuôi tăng cao làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm chăn nuôi; giá thị trường biến động quá lớn, biện độ tăng giảm cao trong thời gian ngắn cũng là một khó khăn cho hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
Thùy Trang