Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 78-T9-2011

Sau hai năm triển khai thực hiện bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 20/05/2013
Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội lớn của Đảng và nhà nước, là hình thức bảo hiểm mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Để đánh giá tình hình triển khai thực hiện bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh sau 2 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, vừa qua, Ban VHXH HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát nội dung này đối với một số cơ sở khám chữa bệnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.​

     Thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh đã cố gắng thực hiện khá tốt các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như phối hợp với các đơn vị lên quan, các cơ quan truyền thông tuyên truyền phổ biến cho người dân về Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản pháp luật liên quan đến bảo hiểm y tế; cải tiến, bố trí, sắp xếp khoa học các khoa, phòng chuyên môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian chờ đợi cho bệnh. Riêng tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tổ chức thêm việc khám bảo hiểm y tế vào sáng thứ 7 và sáng Chủ nhật để phục vụ cho đối tượng không có điều kiện khám bệnh trong ngày làm việc (không thu thêm tiền bệnh nhân); thanh toán chi phí khám chữa bệnh được thực hiện theo quy định, có sự giám định của cơ quan BHXH tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất và các dịch vụ y tế đã đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân…

     Với chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh hàng năm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các hội nghị tập huấn, các buổi tọa đàm, phóng sự... tuyên truyền, phổ biến cho người dân về Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản pháp luật có liên quan về bảo hiểm y tế; ban hành 14 văn bản (năm 2010) hướng dẫn hồ sơ thủ tục cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Sáu tháng đầu năm 2011, đã có 1.406.701 người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng 108.270 người so với cùng kỳ năm 2010), trong đó, 134.429 người tham gia tự nguyện, 215.362 học sinh, sinh viên (61,8%), 198.002 trẻ em dưới 6 tuổi (78%), 163.797 người nghèo (83%), 72.902 người dân tộc (63%), 236.699 người tham gia BHYT bắt buộc khác. Số tiền thu BHYT là 370 tỷ đồng và thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế số tiền 285,2 tỷ đồng. Hiện nay, thời gian cấp thẻ BHYT cho người dân được rút ngắn do thực hiện phân cấp việc in và cấp thẻ BHYT cho BHXH cấp huyện (từ năm 2009) và đã tổ chức  ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 43 cơ sở y tế (tăng 5 cơ sở so với năm 2010), trong đó có 08 cơ sở y tế tư nhân và triển khai khám chữa bệnh BHYT tại 146/171 Trạm y tế.

     Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân, Sở Y tế đã phối hợp BHXH tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai, các buổi tọa đàm tuyên truyền Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm y tế; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở trực thuộc triển khai thực hiện các quy định về bảo hiểm y tế của các cấp, các ngành. Hàng năm, phối hợp BHXH tỉnh ban hành Quyết định quy định các cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời quy định việc chuyển tuyến điều trị đối với cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, ở địa bàn giáp ranh trong tỉnh và giữa các tỉnh. Thực hiện chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung ứng thuốc, hoá chất, vật tư y tế đầy đủ, đúng theo chỉ định sử dụng thuốc và quy định về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, đảm bảo khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Phối hợp các ngành liên quan tham mưu xây dựng giá dịch vụ kỹ thuật chưa có trong khung giá dịch vụ y tế do liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành trình UBND tỉnh phê duyệt và giá các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại trạm y tế (phường) làm cơ sở để thanh toán BHYT khi triển khai khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các trạm y tế.

     Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã đã phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, giải thích cho các đối tượng tham gia BHYT về Luật Bảo hiểm y tế bằng nhiều hình thức. Ban hành các văn bản hướng dẫn Quy trình phối hợp tổ chức triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người có công và trẻ em dưới 6 tuổi. Sáu tháng đầu năm 2011, Sở đã cấp 163.967 thẻ BHYT cho người nghèo (đạt 100%), 17.287 người có công với cách mạng và thân nhân của họ; thực hiện 2 cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng trên địa bàn thị xã Long Khánh; chuyển danh sách trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ khám chữa bệnh còn giá trị sử dụng sau ngày 30/9/2009 và trẻ em chưa được cấp thẻ về BHXH huyện để tiến hành cấp thẻ BHYT.

     Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị còn gặp khó khăn như tại các sơ sở khám chữa bệnh đội ngũ bác sỹ còn thiếu nhiều, rất khó khăn trong công tác tuyển dụng, đặc biệt là đối với cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã (mặc dù đã có chính sách thu hút theo Nghị quyết 127/2008/NQ-HĐND ngày 5/12/2008 của HĐND tỉnh về Chế độ thu hút và trợ cấp đối với viên chức ngành y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2009-2011), gây tình trạng quá tải trong khám chữa bệnh BHYT trong thời gian qua và ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh (bác sỹ phải làm việc với cường độ cao); giá viện phí và một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 14/TTLT ngày 30/9/1995 về Hướng dẫn thực hiện thu một phần viện phí không còn phù hợp với tình hình hiện nay, gây khó khăn trong việc cân bằng thu chi của các cơ sở khám chữa bệnh; trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám còn sử dụng Giấy khai sinh thay cho thẻ BHYT còn nhiều, gây khó khăn trong việc quản lý, thanh quyết toán; các biểu mẫu thống kê, báo cáo thường xuyên thay đổi, phức tạp, yêu cầu lãnh đạo phải ký vào từng phiếu kê chi phí; số lượng bệnh nhân khám bảo hiểm y tế khám dịch vụ trong các bệnh viện công lập còn cao so với khám thông thường, đặc biệt là đối với trẻ em (tỉ lệ 50%). Đối với BHXH tỉnh công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, sự tiếp cận của nhân dân đối với chính sách BHYT còn hạn chế; công tác hướng dẫn, thực hiện việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người tham gia bảo hiểm chưa thực đầy đủ, đúng quy định; tiến độ thực hiện công tác cấp, phát thẻ BHYT còn chậm (nhất là đối tượng người dân tộc) do còn sai sót về họ tên, năm sinh; việc thực hiện giám định BHYT chưa được thường xuyên…; Sở Y tế chưa có văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ, khám theo yêu cầu; Việc triển khai thực hiện xã hội hóa công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn hạn chế, (chỉ mới có 05 phòng khám đa khoa tư nhân được ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế)... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý đối tượng trẻ em nhưng việc rà soát, lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi do UBND xã thực hiện nên Sở LĐ-TB&XH không quản lý được tình hình cấp phát thẻ BHYT cho trẻ em. Chưa có kinh phí cho cán bộ xã trong thu thập thông tin, tổng hợp danh sách và cấp phát thẻ cho trẻ em.

     Qua các buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban VHXH HĐND tỉnh đã đề nghị Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định về thời hạn trẻ em dưới 6 tuổi được sử dụng giấy khai sinh, chứng sinh thay cho thẻ BHYT và bỏ quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ BHYT đối với đối tượng này; sớm ban hành, sửa đổi giá các dịch vụ kỹ thuật y tế trong Thông tư Liên tịch số 14/TTLT ngày 30/9/1995 và Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLDTB&XH ngày 26/01/2006 cho phù hợp thực tế và Luật Bảo hiểm y tế; quy định việc triển khai khám ngoài giờ, ngày nghỉ cho người có thẻ BHYT tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh quá tải; sửa đổi các quy định không phù hợp, của các biểu mẫu thống kế, báo cáo... Đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác tuyên tuyền cho người dân về Luật BHYT; mở thêm các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác BHYT… Đối với Sở Y tế xem xét phát triển việc thẩm định, cấp giấy phép cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; chú trọng công tác tuyên truyền về y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; Tăng cường thực hiện việc điều động cán bộ y tế theo Quyết định 1816/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 26/5/2008 về việc phê duyệt Đề án Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới; Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xây dựng đề án trình HĐND tỉnh về Chế độ thu hút và trợ cấp đối với viên chức ngành y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn tiếp theo thay thế Nghị quyết 127/2008/NQ-HĐND ngày 5/12/2008 của HĐND tỉnh sắp hết hiệu lực, trong đó cần quan tâm nhiều hơn các chế độ cho viên chức y tế tuyến huyện, xã ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh…

                                                                                Hòa Bình