Trước lúc đi xa, trong “Di Chúc” Người không quên dặn dò toàn Đảng, toàn dân rằng,“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời dặn dò đó chứa đựng thế giới quan khoa học của một lãnh tụ cách mạng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một nhà hiền triết, một nhà văn hóa lớn và đã trở thành một chân lý cách mạng.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng. Thế hệ trẻ có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tương lai của đất nước. Bác đã từng nóí rằng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.”
Thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, có sức sống tràn trề và năng lực sáng tạo, đó là thế mạnh, là vốn quý của tuổi trẻ. Với tư cách là đội dự bị, lực lượng kế cận hùng hậu của cách mạng và là người chủ tương lai của nước nhà, các thế hệ ngày nay, trước hết là thanh niên, có trách nhiệm kế tục sự nghiệp cách mạng, thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà lớp người đi trước đã chuyển giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, phải là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lý tưởng cách mạng mà Bác quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu, con đường của cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là lý tưởng của Người khi tiếp thu chân lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, sau hơn 10 năm trải nghiệm cuộc sống trên khắp các châu lục; lao động, hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế và các dân tộc bị áp bức để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân là giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chi đoàn thanh niên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức
và tham gia nhiều hoạt động xã hội nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn hàng năm
Theo Hồ Chí Minh, bồi dưỡng thế hệ trẻ cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
Một là, bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành con người phát triển toàn diện, người chủ xứng đáng của đất nước. Trong “Di chúc”, Bác viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng" vừa “chuyên”.”
Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo quan điểm của Bác, đạo đức cách mạng là “trung với nước, hiếu với dân” và đạo đức cách mạng phải được thể hiện trong hành động, chỉ có trong hành động, hoạt động trong thực tế đấu tranh cách mạng của nhân dân thì thanh niên mới tỏ rõ được đạo đức của mình. Người còn nói: đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bĩ hàng ngày mà thành. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Hai là, bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Theo Hồ Chí Minh, thanh niên phải vừa có đức, vừa có tài. Nếu chỉ có đức không thôi thì cũng vô dụng, hơn nữa chính sự dốt nát là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển: "Dốt thì dại, dại thì hèn”. Vì vậy, để trở thành người có trí tuệ, có tri thức, tức là có tài, bên cạnh trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên còn phải hăng hái học tập, trong đó đặc biệt chú ý học tập trau dồi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Xuất phát từ nhiệm vụ mới của cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của Người, chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” còn khó khăn, lâu dài hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Chính vì thế, Người thường căn dặn, dạy bảo thanh niên phải “ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”.
Ba là, cần rèn luyện, bồi dưỡng thể chất. Theo Hồ Chí Minh, để gìn giữ dân chủ, xây dựng nhà nước, thực hiện đờì sống mới... tất cả đều phải có sức khoẻ thì mới thành công được. Bởi vì," Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Và chính Người là tấm gương sáng cho việc rèn luyện thể dục, thể thao, đảm bảo sức khỏe, thể lực.
Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng đúng đắn, sâu sắc đó của Người, bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện và trưỏng thành trong quá trình bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội; đặc biệt đang tích cực “xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như lòng mong mỏi của Bác trước lúc đi xa.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, thế hệ trẻ Việt Nam luôn ghi nhớ lời dặn dò của Bác. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức sáng tạo, sức trẻ, dám nghĩ dám làm; tích cực say mê học tập, nghiên cứu lý luận, khoa học - công nghệ để áp dụng vào lao động sản xuất để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới. Rất nhiều phong trào thi đua đã được thực hiện như: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay”; phong trào ”Bốn nhất”, “Ba trách nhiệm”, “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; "Tuổi trẻ Việt Nam thực hành tiết kiệm’'; tổ chức các hoạt động “Tiếp sức mùa thi”, “Hiến máu tình nguyện”, “Xuân tình nguyện”, “Tình nguyện mùa Đông”... và hiện nay tuổi trẻ cả nước đang ra sức thực hiện hai phong trào lớn đó là: phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch, sự bùng nổ của công nghệ thông tin... đã làm cho một số bộ phận thanh thiếu niên phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng, hưởng thụ, lười học tập, tu dưỡng đạo đức, xa rời truyền thống dân tộc... Những hiện tượng đó, trước hết là nguy cơ đe dọa tương lai của chính bản thân họ, đồng thời cản trở sự phát triển lành mạnh, tiến bộ của toàn xã hội ta hiện nay. Chính vì vậy, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một yêu cầu cấp thiết và cần được chú trọng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là vô cùng sâu sắc. Đó chính là kết tinh trí tuệ và kinh nghiệm cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vận dụng sáng tạo tư tưởng này của Người, thế hệ trẻ tỉnh Đồng Nai quyết tâm giữ vững lý tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thường xuyên học tập, rèn luyện về mọi mặt, trở thành lực lượng tích cực nhất, đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình cùng với thanh niên cả nước xây dựng đất nước ta ngày càng “giàu mạnh, văn minh” như Người hằng mong muốn.
BBT (tổng hợp)