Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia với những mục tiêu cụ thể như:
- Hoàn thiện thể chế cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;
- Thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng, thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị;
- Thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến năm 2020, tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Phấn đấu cung cấp, tích hợp 500 nghìn tài khoản trong năm 2019, 1 triệu tài khoản trong năm 2020, tối thiểu 8 triệu tài khoản trong năm 2023…
Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được tích hợp các chức năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chức năng đánh giá sự hài lòng và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và các chức năng kỹ thuật khác của hệ thống.
Về hiệu năng, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ có khả năng đáp ứng 500.000 lượt truy cập/ngày và đảm bảo cho 40.000 người truy cập đồng thời trên hệ thống trong năm 2019. Tới năm 2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia có khả năng đáp ứng 2.500.000 lượt truy cập/ngày và đảm bảo cho 200.000 người truy cập đồng thời trên hệ thống.
Dự kiến Cổng Dịch vụ công quốc gia được vận hành thử nghiệm 02 tháng trước khi đưa vào sử dụng chính thức, trong đó 01 tháng công khai để công dân, tổ chức sử dụng thử để đánh giá, cho ý kiến.
Kiếm Long