Như mọi khi thì tầm này gia đình ông Tư Chái đã cơm nước xong xuôi, ông bà cùng ngồi trao đổi công việc ngày mai, con cái đứa thì dọn dẹp chén bát, đóng cửa chuồng gà chuẩn bị ngồi vào bàn học bài…Thế mà lạ thật hôm nay đã 8 giờ tối mà vẫn chưa thấy tăm hơi ông đâu cả, nên mẹ con bà ở nhà có phần hơi lo lo.
Có chuyện gì xảy ra với ba mày không mấy đứa? Bà Tư buông một câu như thế. Nghe mẹ nêu câu hỏi, mấy con đều thi nhau nhận định:¬
- Thì cả cái ấp Tân Cang này. Không! Cả xã Gia Canh thì đúng hơn, có nhà nào mà ba không quen? Nhất là các bác, các chú trong Hội Cựu chiến binh đều coi ba thân thiết như anh em ruột thịt. Chuyện nở như pháo ran. Nào là đánh đấm trận mạc thời binh lửa, nào chuyện Cựu chiến binh tham gia tham gia xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Rồi thì trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, học hành của con cái…Nhiều khi say như điếu đổ. Đó là chưa kể khi bàn cờ tướng đã giàn quân, hai bên vào cuộc chiến thì quên hết cả mọi việc trên đời. Tính ba là vậy, mẹ còn lạ gì!
Nghe thằng con lớn nêu những tính cách khá xác đáng về ba nó, bà Tư từ chỗ xốn xang trong lòng trở nên yên tâm hơn. Con nói thế nghe ra cũng có lý. Mấy chục năm sống với nhau, tính ba mày là vậy. Cái gì ông đã say, dù đó là công việc đoàn thể, gia đình, của bà con lối xóm đều làm hết mình, lại rất chu đáo. Không bao giờ rượu chè bê tha, xa lánh cả cà phê, thuốc lá, chỉ thích nước chè xanh đậm đà. Con người như thế hỏi tập thể không tin tưởng, tín nhiệm sao được? Nghe mẹ nói, con cái đứa nào cũng há hốc mồm ngồi nghe. Cuối cùng bà trấn an: các con cứ vào học bài, ba về lúc nào mặc ba. Tầm này mà chưa về chắc nghỉ lại nhà ông Dương, anh Thùy hay chú Lịch…gì đó cũng nên.
Nói thì nói vậy, nhưng khi vừa đặt lưng xuống giường, bà Tư chợt cảm thấy lo lắng thế nào ấy. Liệu ngoài những gì mẹ con nhận định, có tình huống nào khác đến với ổng không. Bao công việc hằng ngày cứ luôn chân luôn tay làm cho cơ thể khá mỏi mệt nên giấc ngủ ập đến lúc nào bà Tư cũng không nhớ nữa. Tới khi người cảm thấy khoan khoái, nhẹ nhàng, thì một ngày mới lại bắt đầu. Người lớn đã lục tục kéo nhau ra đồng. Con trẻ hớn hở cắp sách đến trường. Mặt trời từ chỗ như quả hồng chín mọng nhô dần lên rồi trải ánh nắng vàng rực rỡ, vậy mà vẫn chưa thấy ông ấy về là sao. Có ra xã làm việc thì cũng phải ghé về nhà thay quần áo, lấy tài liệu như mọi khi vậy. Hay là …Đến lúc này thì bà Tư không thể nào yên tâm được nữa, lòng dạ cứ nóng ran, đứng ngồi không yên. Bà gấp gáp vào nhà với chiếc nón lá, cứ thế cuốc bộ 3 - 4 cây số trên con đường liên thôn, liên ấp mỗi khi có chiếc xe tải, xe công nông chuyên chở gỗ, củi, mía vù qua tung khói bụi mù trời. Bà đi mà như chạy, chẳng mấy chốc đã tới rẫy mía nhà mình tốt bời bời đang hứa hẹn mùa bội thu. Vừa bước chân đến ruộng mía, thường ngày vẫn cùng ông và con cái chăm sóc. Một cảm giác nghe gai gai cả người. Lạ thật! Sao lại có hiện tượng khác thường này? Bà nghĩ thầm thế. Bụng nghĩ, chân bước, khi tới gần cái giếng giữa ruộng mía mà lâu nay gia đình vẫn sử dụng để lấy nước sinh hoạt, tưới cây, bỗng bà sững lại như không tin vào mắt mình khi thấy ông Tư - chồng bà da tái nhợt, đang nằm thở bên bờ giếng chỉ vận mỗi chiếc quần cộc, mặt như không còn giọt máu, chỉ vùng ngực là còn ấm nóng.
Ông ơi, sao lại thế này? Có ai gần đây…cứu hộ với…với… nhưng, dẫu cho bà gào cháy cả cổ họng cũng đáp lại tiếng gió lao xao lẫn vào điệp trùng những mía là mía. Biết chẳng thể nào hơn, bà tự trấn tĩnh mình, thò tay lấy từ túi áo ra lọ dầu gió đã phòng sẵn để xoa bóp khắp cơ thể cho ông. Không hiểu do tác dụng của dầu hay nhờ bàn tay êm dịu của vợ và, có lẽ cả hai thì phải. Thân thể của ông ấm dần và sức khỏe có phần được cải thiện.
Bà tiện cho tôi mấy tấm mía, chiều qua tới giờ chưa một hạt cơm, lại còn phải đầm mình suốt đêm dưới giếng, lạnh tê tái thịt da. Thần kinh thì căng thẳng tột độ, mắt cứ chăm chăm nhìn lên thành giếng, lỡ may chú rắn lao thẳng xuống để còn đối phó. Đã thế, thi thoảng lại phải ngụp đầu xuống nước để xua lũ muỗi cứ chực vo ve. Những khoanh mía được bà tách vỏ, tiện ra giúp ông nhai thật ngon lành để bù lại chút sức lực đã bị tổn hao đáng kể. Nhìn ông, bà muốn phát khóc lên được, bởi vừa mừng, vừa lo, lại thêm phần ân hận tự trách mình sao quá vô tâm. Nếu như tối qua, đã khuya chưa thấy ba sắp nhỏ về, mẹ con cứ thắp đuốc, rọi đèn đi tìm thì đâu đến nông nỗi này. Trong khi đó mình cứ ỷ y ông chơi bên nhà bạn, say chuyện, mê đánh cờ lại ham vui nên nghỉ lại. Nói độc mồm, độc miệng, nếu ông ấy có mệnh hệ gì thì ân hận cả đời.
Sống rồi bà ơi, tôi tưởng toi mạng vì ông mảng xà quá ư hung dữ ấy chứ. Thật may phúc bảy mươi đời. Thoát nạn về gặp được bà và con cái, mừng quá là mừng. Chiều về thịt mấy con gà, liên hoan bà nhá. Mấy con cũng được, tôi nào có tiếc. Nhưng thư thả ông nói lại tôi nghe, nguyên cớ nào đưa đẩy ông đến lâm ly như vậy?
- Thật không thể ngờ bà ạ. Ở rẫy mía nhà mình hiện nay, trước đây vốn là rừng, nhiều cây cổ thụ. Sau khi khai hoang trở thành cánh đồng trồng mía cả mấy trăm héc ta, nhằm phục vụ nguyên liệu cho nhà máy đường La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai ấy mà. Đặc tính của khu rẫy mình còn một lùm cây mọc xen trên đỉnh đồi là những tảng đá lớn, tôi giữ cây lại để làm bóng mát. Không ngờ, ở dưới lùm cây có hang hốc lại là “tổ ấm” của một đôi mảng xà lợi dụng trú ngụ và tình tự. Thỉnh thoảng cặp cô cậu xuất hiện dạo quanh để tìm mồi rồi quay về nơi cư trú. Hình dáng của nó cũng khá bề thế, vạm vỡ lắm, to bằng bắp chân người lớn, dài trên 2m, da khúc trắng, khúc đen. Mỗi khi bắt gặp con mồi hoặc đối thủ nó dựng phần đầu lên phùng mang, tròn xoe mắt chực vồ, trông ghê lắm. Nghe nói đó là rắn cạp nong. Loại rắn này mỗi khi nó phun nọc độc vào con mồi thì lập tức con mồi bị tê liệt. Nếu người bị rắn này cắn phải, không ga-rô kịp thời, nọc độc chạy vào cơ thể, làm trụy tim mạch là tử vong rất nhanh. Nó ghê thế đó, bà ạ. Nhưng nguyên cớ nào mà ông bị mảng xà tấn công? Thì cứ thư thả, tôi nói bà nghe. Có lẽ nó nhìn sai đối tượng sao ấy bà ạ. Chớ hồi nào tới giờ tôi có phá phách gì nơi trú ngụ cho cam. Như sực nhớ ra điều gì hệ trọng lắm, ông Tư ‘à” lên một cái rồi giải bày căn nguyên:
- Cách đây chưa lâu, có một gã đi săn thú dắt theo hai chú chó khá điêu luyện. Không hiểu có người mách nước hay do khứu giác tuyệt vời của loài khuyển mà khi một con mảng xà chưa kịp vào hang, đã bị chú khuyển ngoạm ngay giữa thân như một gọng kìm. Mảng xà dù dãy dụa đến mấy cũng đi đến tuyệt vọng. Cuối cùng bị lôi ra khỏi nơi ẩn náu, và gã thợ săn vớ bẩm. Rắn gì mà to bự như con trăn vậy? lão ném vào nhà hàng đặc sản, bỏ túi mấy triệu đồng, gã có biết đâu chú mảng xà còn lại mất bạn tình dẫn đến hung hăng hơn. Và hệ lụy ấy tôi lãnh đủ, bà biết chưa? Nghe ông Tư kể, bà Tư càng ngơ ngác muốn biết rạch ròi hơn.
Sau mấy giờ lao động tầm mới quá nửa chiều, như mọi khi thủng thẳng ra giếng tắm để về sớm. Nhưng tự nhiên có đàn chim rừng vụt bay lên thảng thốt. Tiếp đến, từ ruộng mía trước mặt nghe tiếng lạo xạo mỗi lúc một gần mà chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra. Phút chốc xuất hiện một con rắn cạp nong to tướng từ đâu lao tới, phóng thẳng vào khu vực mà tôi đang đứng. Bất ngờ quá, không còn cách nào khác tôi đành nhảy ùm xuống giếng mà mặt nước cách đất liền hơn 2m để thoát hiểm, chờ cho nó qua rồi sẽ lên bờ. Nào ngờ con rắn cứ quanh quẩn canh giữ trên miệng giếng, cổ nó dỏng cao, mỗi lần tôi ở dưới nghếch đầu quan sát, miệng nó lại thổi phì phì, nghe ớn lạnh cả người. Khi trời đã sẩm tối, mặc dù tôi không nhìn rõ nữa mà cứ dăm bảy phút nó lại phì phì như có cảm giác canh chừng vậy. Trong tình huống hết sức nan giải ấy, không còn cách nào khác buộc tôi phải chịu đầm mình dưới giếng suốt từ chiều rồi qua một đêm ròng rã. Có lẽ nó không còn đủ kiên nhẫn để mai phục nữa nên bỏ đi lúc nào, tôi mới có cơ hội ngoi lên khỏi giếng đấy. Bằng không, còn thê thảm nữa đó bà. Ông kể tới đây thì bà thực sự bàng hoàng như chuyện cổ tích vậy và càng thương ông bội phần.
Thôi ông ơi, những năm chiến tranh bom đạn Mỹ đã “chừa” ông rồi, nay con rắn độc cũng “kiềng” ông nốt. Đúng là cái mạng ông còn cao số đó. Bằng không, ông chết chìm dưới đáy giếng thì mẹ con tôi ân hận để đâu cho hết. Nhà ta gặp phải quả phúc lớn như trái núi. Thôi, người khỏe rồi, ta về nhà đi ông kẻo các con chờ, chắc chúng nó sốt ruột lắm.
Câu chuyện ly kỳ này xảy ra cách nay đúng 12 con giáp. Nhân dịp đón xuân Quý Tỵ năm 2013, ông Tư Chái bị mảng xà tấn công thủa nào đã quá tuổi bát tuần, vẫn rất khỏe mạnh, tỉnh táo khác thường. Khi người thực hiện bài viết này hỏi về dấu ấn bị rắn đuổi ngày nào. Ông cười khà khà mà rằng:
- Nói thật, hồi ấy nếu không có cái giếng làm vật cứu cánh trước một chú mảng xà hung dữ tấn công, thì có lẽ mình đâu còn cơ hội ngồi với nhau như thế này để chứng kiến một vùng quê nghèo đang từng ngày rộn ràng sức sống mới hôm nay. Phải không bạn?
Xuân Quý Tỵ 2013
N Q H