Trong nhiệm kỳ qua, ngành Kiểm sát tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trên các mặt công tác. Đặc biệt, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Toàn Ngành thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 19.267 tố giác, tin báo; số tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát tăng theo mỗi năm, tỉ lệ giải quyết đạt 84,4%; số tố giác, tin báo về tội phạm quá hạn giải quyết giảm dần. Đặc biệt, Viện kiểm sát đã tăng cường làm tốt trách nhiệm công tố, thiết thực góp phần không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu quá trình tố tụng.
Viện kiểm sát hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 13.426 vụ/24.416 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 12.042 vụ/21.469 bị can.
Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được chú trọng và gắn chặt hơn với hoạt động điều tra; tiến độ giải quyết án hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố được cải thiện, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%, vượt 10% so với chỉ tiêu của ngành đề ra; chất lượng giải quyết án đạt cao, tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 100%, vượt 5% so với chỉ tiêu của ngành đề ra (từ 95% trở lên).
Chất lượng hồ sơ được nâng lên, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đạt chỉ tiêu, không quá 2%/ năm. Đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại 12.513 phiên tòa. Phối hợp Cơ quan điều tra, Tòa án xét xử theo thủ tục rút gọn 53 vụ án, chọn 420 vụ án điểm, xét xử lưu động 946 vụ án, tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp 367 vụ.
Trong kỳ, Viện kiểm sát nhân dân đã ban hành 237 kháng nghị, 476 kiến nghị vi phạm trong lĩnh vực tư pháp hình sự và 128 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong quá trình hoạt động nghiệp vụ đến các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng, trường học ... Cùng với đó, ngành Kiểm sát tập trung kiểm sát chặt chẽ hoạt động tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, nhất là sau khi Nghị quyết số 37 năm 2012 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Quốc hội được ban hành và có hiệu lực.
Toàn Ngành đã kiểm sát xử lý 14.261/14.295 người bị tạm giữ, trong đó tỉ lệ người tạm giữ bị khởi tố hình sự hàng năm đạt từ 95% trở lên; kiểm sát xử lý 19.846/22.023 người bị tạm giam; 15.039 hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và hồ sơ đề nghị đặc xá. Toàn Ngành đã kiểm sát 572 cuộc tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam,… qua kiểm sát, đã kiến nghị loại 23 hồ sơ đề nghị miễn, giảm thi hành án phạt tù, 01 hồ sơ đề nghị đặc xá không đủ tiêu chuẩn,...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót. Đó là trách nhiệm công tố trong một số vụ án chưa tốt, một số vụ án thời hạn giải quyết kéo dài, việc trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung vẫn còn diễn ra; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số đơn vị của ngành Kiểm sát chậm phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa; trình độ, năng lực, trách nhiệm công vụ của một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu; còn để xảy ra một số cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật.
Trọng Huy