Tại Hội nghị, đã có 11 tham luận
được đại diện Thường trực HĐND các tỉnh miền Đông trình bày. Ngoài báo cáo tham
luận, các đại biểu cũng trình bày trực tiếp nhiều nội dung bổ sung các vấn đề
mà mình quan tâm liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật tổ chức
HĐND&UBND năm 2003.
Qua tổng hợp các ý kiến kiến nghị
của các địa phương kết hợp với kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí
Tòng Thị Phóng tại hai địa bàn tổ chức thí điểm giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh
và Ban HĐND cấp xã, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã rút ra nhiều vấn đề kiến
nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho
các địa phương trong triển khai thực hiện Luật thời gian tới.
Để nâng cao tính hiệu lực, hiệu
quả của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, nhiều ý kiến kiến nghị cho rằng
cần ban hành Luật hoạt động giám sát của HĐND hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể quy
trình, biện pháp chế tài đối với các cơ quan chịu sự giám sát do không thực hiện
tốt các kiến nghị sau giám sát để tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả
hoạt động giám sát. Cùng với việc đề nghị có chế tài đối với các cơ quan chịu sự
giám sát, một chế tài khác cũng được đại biểu đặt ra tại Hội nghị đối với việc
trả lời các ý kiến cử tri.

Đồng chí Trần Đình Thành
phát biểu bế mạc Hội nghị
Vấn đề bố trí đại biểu HĐND hoạt
động chuyên trách thu hút rất nhiều ý kiến, theo đó các ý kiến đồng quan điểm
cho rằng để Ban HĐND các cấp có thể đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật
định, kiến nghị xem xét quy định rõ Trưởng ban, Phó Trưởng ban đặc biệt là cấp
tỉnh là những người làm nhiệm vụ chuyên trách đồng thời bố trí người có chuyên
môn sâu; hạn chế thấp nhất việc luân chuyển cán bộ hoạt động chuyên trách của
HĐND nhằm tạo sự ổn định cho hoạt động của HĐND các cấp.
Theo quy định của Luật tổ chức
HĐND&UBND hiện nay thì Thường trực HĐND không có tư cách pháp nhân chính vì
vậy các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ
của Thường trực HĐND, xác định cụ thể Thường trực HĐND là cơ quan có tư cách
pháp nhân để đảm bảo thực quyền cho hoạt động của Thường trực HĐND các cấp đồng
thời tăng số lượng thành viên Thường trực HĐND theo hướng: Giao cho Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quy định cụ thể Thường trực HĐND tỉnh ngoài các chức danh Chủ tịch,
phó Chủ tịch cần cơ cấu thêm các Trưởng ban HĐND để góp phần cùng với Thường trực
HĐND tỉnh giải quyết những vấn đề mang tính chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực
các Ban phụ trách.
Vấn đề lựa chọn đại biểu HĐND, hoạt
động của tổ đại biểu mặc dù không nhận được nhiều ý kiến như các nội dung khác
nhưng cũng là một vấn đề hợp lý được rút ra sau Hội nghị. Ý kiến cho rằng Luật
tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND cần qui định rõ hơn về một số
vấn đề qui định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ trưởng tổ đại biểu HĐND
trong việc điều hành mọi hoạt động của tổ đại biểu. Về cơ cấu đại biểu HĐND cần
quy định gắn với chất lượng chính trị, văn hóa và chuyên môn của đại biểu để đảm
bảo đầy đủ điều kiện cho hoạt động của đại biểu HĐND.

Trao và nhận cờ đăng cai tổ
chức Hội nghị vào năm 2011
Riêng Thường trực HĐND tỉnh Đồng
Nai đã mang đến Hội nghị những thông tin đầy đủ, cập nhật về việc triển khai
thí điểm giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉn, Ban HĐND cấp xã và thu hút sự quan
tâm đặc biệt của toàn thể đại biểu tham dự. Có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hoặc
mang tính phản biện đã được đặt ra trong chuyến thăm khảo sát tình hình thực tế
về tổ chức và hoạt động của hai mô hình này và đã được chính những cán bộ, công
chức trực tiếp triển khai thí điểm trả lời một cách rõ ràng, cụ thể và thuyết
phục về tính hiệu quả của tổ chức thí điểm. Chính vì vậy, đồng chí Tòng Thị
Phóng trong nội dung kết luận của mình đã đề nghị Ban công tác đại biểu của
UBTVQH có sự phối hợp với thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai để sơ kết về hai mô
hình này trong thời gian tới.
Là những người làm việc trong cơ
quan tham mưu, giúp việc cho HĐND, đại diện Văn phòng ĐĐBQH&HĐND các địa
phương cũng mang đến Hội nghị những kiến nghị nhằm tạo điều kiện nâng cao năng
lực, chất lượng hoạt động của cơ quan mình đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đó là
việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ Văn phòng nhằm
nâng cao trình độ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, giúp việc cho HĐND; thống
nhất về định mức điều hành kinh phí chi thường xuyên cho bộ phận phục vụ công
tác HĐND và bộ phận phục vụ công tác đại biểu Quốc hội; vấn đề thành lập và chế
độ hoạt động của Văn phòng để đảm bảo sự phù hợp với các quy định chung của
pháp luật.
Phát
biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư
tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai nhận định, các tỉnh miền Đông Nam bộ có
vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội phía Nam nói riêng và
cả nước nói chung; công tác quản lý nhà nước trên địa bàn luôn thể hiện sự năng
động, tích cực, dám nghĩ, dám làm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, việc làm có hiệu quả của các tỉnh miền Đông
được các địa phương khác quan tâm nghiên cứu và vận dụng; đặc biệt là trong thu
hút các nguồn lực đầu tư, phát triển công nghiệp, giáo dục, khoa học cộng nghệ,
triển khai thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực quan trọng. Để đạt được những
thành quả chung đó có vai trò đóng góp to lớn của hội đồng nhân dân các tỉnh
miền Đông Nam
bộ. Đồng chí đánh giá những vấn đề mà các đại biểu đã nêu ra trong khuôn khổ
hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đào sâu nghiên cứu, triển khai thực
hiện trên thực tế các quy định của pháp luật, từ đó có thêm những phát hiện, tiếp
tục kiến nghị vì mục tiêu chung là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội
đồng nhân dân các cấp và chúc cho mối liên kết vì sự ổn định, phát triển bền
vững của các tỉnh thành miền Đông Nam bộ ngày càng nâng cao hơn nữa.
Thay
mặt Thường trực HĐND các tỉnh miền Đông, đồng chí cũng gửi đến đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, phó Chủ
tịch Quốc hội lời cảm ơn đồng thời mong muốn với vai trò quan trọng của mình, đồng chí sẽ ủng hộ tích cực những những
kiến nghị tích cực của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ đã
nêu ra tại Hội nghị.
Ngô
Trọng Phúc