Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh
lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã
hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách
phát triển công nghiệp dược, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh
lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính
sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan
đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực
hiện.
Cụ thể, Điều 7 (sửa đổi) bổ sung quy định “có
chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành
ngành công nghiệp mũi nhọn” (khoản 3); quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc
sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập (khoản 4); ưu tiên về các thủ tục
hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu (khoản 5); áp dụng
các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ
(khoản 6); hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc
dược liệu (các khoản 7, 8 và 9); phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng
chuyên nghiệp, hiện đại (khoản 10); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khoản
12); giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công
nghệ (khoản 13).
Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Chủ nhiệm Ủy
ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu đối với các quy định về kinh
doanh chuỗi nhà thuốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung báo cáo
đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế và quy định về chuỗi nhà thuốc để tạo
công cụ pháp lý quản lý hiệu quả hơn các chuỗi nhà thuốc đã và đang hoạt động
như thực tiễn hiện nay, đồng thời, bổ sung một số quy định để hạn chế nguy cơ
tiềm ẩn liên quan trong hoạt động kinh doanh chuỗi nhà thuốc và giao Bộ Y tế
quy định chi tiết, cũng như quan tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
này.

Các vị ĐBQH Đoàn tỉnh Đồng Nai tham dự kỳ họp
8 - Quốc hội khóa XV
Theo đó, một số quy định đã được chỉnh lý, cụ
thể khái niệm chuỗi nhà thuốc tại khoản 48 Điều 2 (sửa đổi), quy định về điều
kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi
nhà thuốc tại điểm h khoản 1 Điều 33 (sửa đổi), về quyền, trách nhiệm của cơ sở
tổ chức chuỗi nhà thuốc và quyền, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc
tại Điều 47a (bổ sung); về điều kiện và trách nhiệm của người chịu trách nhiệm
chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại khoản 1 Điều 17a (bổ
sung) và khoản 3a Điều 31 (sửa đổi).
Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc
theo phương thức thương mại điện tử, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, thuốc là
mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về
quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại
điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh
lý theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa
đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể
được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42
(sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức
thương mại điện tử tại khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức
tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của
Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết,
dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được nhiều sự
quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Đã có 81 ý kiến
phát biểu ở Tổ, Hội trường và có 5 ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau Kỳ họp,
UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo
và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý
kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại
Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách trong
tháng 8. Đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các
Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiếp theo các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình,
làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Cụ thể:
Nhấn mạnh thuốc là mặt hàng quan trọng với
người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, giải quyết triệt để vấn đề
thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch
Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào
Hồng Lan cho rằng cần đảm bảo nhiều yếu tố tổng thể…
Theo đó, cần đảm nguồn cung ứng thuốc ra thị
trường; phát triển được công nghiệp dược trong nước; giải quyết các vấn đề khó
khăn về mua sắm, đầu thầu; công tác tổ chức thực hiện từ vấn đề cấp phép lưu
hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở
y tế…
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các
chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
cho biết, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung này có
liên quan nhiều đến các Luật về kinh tế khác. Nếu quy định tổng hợp hết các
chính sách vào dự thảo Luật này thì sẽ rất nhiều. “Cho nên trong quá trình làm,
vấn đề gì cần phải chi tiết, cụ thể thì chúng ta sẽ quy định ở các luật chuyên
ngành. Trong dự thảo Luật này, chúng ta không thể chỉ được cụ thể mức độ như thế
nào mà chúng ta dẫn chiếu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp
luật Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ…
Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến
tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những
vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người
dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện
thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công
nghiệp dược.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp
thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội
và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.
Nguyễn Hương