Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng, bảo vệ an ninh tổ quốc, thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.
Về mặt tổ chức, mỗi phường được thành lập một Ban Bảo vệ dân phố. Ban Bảo vệ dân phố gồm Trưởng ban, các Phó trưởng ban và các Ủy viên. Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố là tổ trưởng các tổ Bảo vệ dân phố ở các cụm dân cư. Trưởng ban, các Phó Trưởng Ban Bảo vệ dân phố do tập thể Ủy viên Ban Bảo vệ dân phố bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Đại biểu Nguyễn Văn Kim tham gia thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ 3
Để đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố, pháp luật đã quy định một số chế độ chính sách, trong đó giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với Bảo vệ dân phố. Ngày 09/4/2009, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 130/2009/NQ-HĐND về mức phụ cấp đối với Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo đó các chức danh trong Bảo vệ dân phố được hưởng mức phụ cấp hàng tháng lần lượt là: Trưởng Ban: 0,7 mức lương cơ sở, Phó trưởng ban: 0,6 mức lương cơ sở, Ủy viên (Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố): 0,5 mức lương cơ sở, Tổ phó: 0,4 mức lương cơ sở, Tổ viên: 0,3 mức lương cơ sở.
Qua nhiều năm thực hiện, mức phụ cấp như trên đối với Bảo vệ dân phố đã không còn phù hợp, cần được điều chỉnh để sát với tình hình thực tế của địa phương và qua xem xét, thảo luận đối với Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất quyết định bổ sung mức hỗ trợ hàng tháng đối với Bảo vệ dân phố, theo đó mỗi chức danh được hỗ trợ 400.000 đồng/người/tháng đồng thời tăng mức bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ tuần tra vào ban đêm cho mỗi bảo vệ dân phố lên mức 40.000 đồng/người/đêm (trước đây là 20.000 đồng/người/đêm)
Đối với lực lượng Dân phòng, tuy pháp luật chưa có điều chỉnh nhưng do xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, ngày 26/10/2010, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 184/2010/NQ-HĐND quy định về số lượng và chế độ chính sách cho Đội Dân phòng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó, quy định Đội dân phòng được thành lập ở các xã trên địa bàn tỉnh, gồm Đội trưởng, Đội phó và Đội viên, số lượng không quá 15 người. Đội dân phòng được hỗ trợ hàng tháng theo mức, Đội trưởng: 0,5 mức lương cơ sở, Đội phó: 0,4 mức lương cơ sở và Đội viên: 0,3 mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ đối với Đội dân phòng đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp, nên cũng cần được điều chỉnh, bổ sung và Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất quyết định bổ sung mức hỗ trợ hàng tháng đối với lực lượng Dân phòng, theo đó mỗi chức danh được hỗ trợ tăng thêm là: Đội trưởng: 600.000 đồng/người/tháng; Đội phó: 500.000 đồng/người/tháng; Đội viên: 400.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 130/2009/NQ-HĐND ngày 09/4/2009 của HĐND tỉnh về mức phụ cấp đối với Bảo vệ dân phố và Nghị quyết số 184/2010/NQ-HĐND ngày 26/10/2010 của HĐND tỉnh về số lượng và chế độ chính sách cho Đội Dân phòng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để đảm bảo phù hợp hơn với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm cho nghị quyết sát hơn với thực tiễn.
Trọng Huy