Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 72-T3-2011

Thường trực HĐND tỉnh giám sát công tác chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.

Đăng ngày: 16/05/2013
​Ngoài Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) được tỉnh duyệt kinh phí để bình ổn giá heo, gà như mọi năm, chương trình bình ổn giá phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 còn có sự tham gia của siêu thị Co.op Mart Biên Hòa, Co.op Mart Tân Biên, Công ty Cổ phần Sài Gòn kho vận, HTX Thương mại dịch vụ Long Biên và HTX Thương mại dịch vụ Tân Phú. 

​      Để nắm tình hình về công tác chuẩn bị hàng hóa và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, giữa tháng 01-2011, Thường trực HĐND tỉnh đã đi khảo sát thực tế và làm việc với Dofico, Nhà máy D&F, siêu thị Co.op Mart Biên Hòa, Co.op Mart Tân Biên cùng các ngành chức năng liên quan.

      Theo ông Phùng Khôi Phục – Phó Tổng giám đốc Dofico, ngay từ tháng 6- 2010, Dofico đã chủ động phối hợp Sở Công thương xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thành viên trực thuộc chuẩn bị nguồn nguyên liệu để tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm, thực phẩm chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá cả hợp lý nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán. Theo kế hoạch, Dofico được UBND tỉnh cho vay vốn ngân sách 26 tỷ đồng với lãi suất 0% để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thịt heo, thịt gà và các sản phẩm chế biến với số lượng khoảng 6.000 con heo thịt (tương đương 570 tấn), gà ta khoảng 18.000 con (tương đương 27 tấn), gà lông màu khoảng 45.000 con (tương đương 67 tấn) và thịt heo dùng chế biến khoảng 1.500 con (tương đương 142,5 tấn).

      Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu dự trữ, sản xuất phục vụ bình ổn giá trong dịp Tết, Nhà máy D&F thuộc Dofico đã ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu và ứng vốn chăn nuôi với lãi suất 0% kết hợp với phương thức thanh toán ngay sau khi nhận nguyên liệu từ các đơn vị chăn nuôi trong Dofico như: Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn, Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai, Công ty CP giống cây trồng Đồng Nai, Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Cẩm Mỹ và các trang trại chăn nuôi khác trong tỉnh. Dofico đăng ký giá bình ổn cho các mặt hàng bình ổn với Sở công thương là gà thả vườn nguyên con 55.000 đồng/kg, gà ta nguyên con 85.000 đồng/kg và heo mảnh 52.000 đồng/kg; riêng hàng chế biến như giò lụa, giò bò, xúc xích, lạp xưởng,…sẽ được bán với giá thấp hơn thị trường từ 5 – 10%. Trong trường hợp giá thực phẩm tươi sống trên thị trường bằng hoặc thấp hơn giá đã đăng ký, Nhà máy D&F sẽ có điều chỉnh giảm từ 5 – 10% giá bán so với giá thị trường. Tất cả các sản phẩm bình ổn giá nói trên được phân phối qua hệ thống siêu thị Co.op Mart Biên Hòa, Co.op Mart Tân Biên, Vinatex Biên Hòa, 03 cửa hàng sản phẩm D&F trên địa bàn thành phố Biên Hòa và sẽ được đưa về các địa phương khác bằng xe lưu động khi có biến động giá.

      Lãnh đạo 02 siêu thị Co.op Mart Biên Hòa và Co.op Mart Tân Biên cũng cho biết, ngay từ giữa năm các siêu thị đã chủ động ký hợp đồng thỏa thuận với các nhà cung cấp không tăng giá vào những ngày cận Tết. Để đáp ứng nhu cần mua sắm của người dân trên địa bàn trong dịp Tết, các siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng chủ lực từ Liên Hiệp HTX Thương mại Tp. HCM cung cấp với kinh phí khoảng 65 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn dự trữ dành cho một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, gia cầm, đường sữa, thực phẩm chế biến … trên 15 tỷ đồng. 

      Đối với chương trình bình ổn giá của tỉnh trong năm 2010, lần đầu tiên 02 siêu thị được tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết. Theo kế hoạch, Co.op Mart Biên Hòa được vay 24 tỷ đồng và Co.op Mart Tân Biên được vay 11,375 tỷ đồng để bình ổn 2 nhóm hàng là đường và thịt gà. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến tháng 12-2010 các siêu thị mới được hỗ trợ vốn vay bình ổn giá nên các siêu thị không thể giải ngân hết lượng vốn được hỗ trợ lãi suất từ chương trình bình ổn giá. Kết quả siêu thị Co.opMart Biên Hòa vay 07 tỷ đồng và Co.op Mart Tân Biên vay 3,854 tỷ đồng từ Chi nhánh ngân hàng TMCP Công thương Đồng Nai để dự trữ 400 tấn đường và 40 tấn thịt gà với giá bán cam kết là đường trắng RE Biên Hòa 22.500 đồng/kg; gà ta nguyên con 88.000 đồng/kg và gà ta thả vườn 60.000 đồng/kg.

      Ông Châu Minh Nguyện – PGĐ. Sở Công Thương cho biết, việc hỗ trợ kinh phí cho các siêu thị và HTX tham gia bình ổn giá sẽ góp phần làm chương trình này hiệu quả hơn. Nguyên nhân là do nguồn hàng của các siêu thị, HTX khá phong phú, đồng thời mạng lưới phân phối cũng rộng hơn. Đây vốn là điểm yếu của chương trình bình ổn giá các năm trước, khi chỉ một vài doanh nghiệp tham gia chương trình mặc dù có khả năng dự trữ hàng hóa, nhưng mạng lưới bán hàng lại rất hạn chế dẫn đến hàng bình ổn giá thiếu sức lan tỏa. Ngoài Dofico và 02 siêu thị, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kho vận đã dự trữ 1.500 tấn gạo thường cùng một số loại gạo ngon phục vụ Tết. Mặt khác, lượng gạo dự trữ trong nhiều kho hàng ở các địa phương khác cũng khá dồi dào, có thể cung ứng ngay cho thị trường thông qua các điểm bán hàng bình ổn giá do Sở Công Thương chỉ định. HTX Thương mại dịch vụ Tân Phú cũng đã chuẩn bị nguồn hàng gồm 05 tấn gạo tẻ thường, 01 tấn đường trắng RE cùng một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác và tổ chức bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết từ 22/12 đến 27/12 Âm lịch.

      Qua khảo sát thực tế và làm việc với các doanh nghiệp cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh đã có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, ký các hợp đồng đầu tư chăn nuôi heo, gà ta, gà thả vườn với các công ty chăn nuôi; các siêu thị chuẩn bị nguồn vốn, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp hàng hóa, sản phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn với giá cả hợp lý, góp phần bình ổn giá trong dịp Tết. Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa qua hệ thống các siêu thị, các điểm bán hàng cố định tại các khu dân cư và các chợ có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh thông qua các hợp đồng cam kết, các đơn vị còn tổ chức các xe lưu động phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tại thời điểm giám sát, thị trường hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng thuộc danh mục chương trình bình ổn của tỉnh đã được các doanh nghiệp dự trữ khá dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.

      Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù Sở Công thương đã chủ động phối hợp cùng các ngành liên quan, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão năm 2011 ngay từ tháng 6-2010 nhưng việc cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất được triển khai khá chậm. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với các doanh nghiệp để triển khai thực hiện kế hoạch chưa đồng bộ, chưa tích cực. Mặc dù đã tăng so với các năm trước, song so với các địa phương khác, kinh phí bình ổn giá cuối năm của tỉnh vẫn còn khá thấp so với nhu cầu. Nhiều mặt hàng như bột ngọt, dầu ăn…thường có biến động giá rất lớn trong dịp Tết nhưng doanh nghiệp chưa được tham gia bình ổn các mặt hàng này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho nhân dân về chương trình bình ổn giá của tỉnh còn nhiều hạn chế. 

      Để công tác dự trữ hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm được tốt hơn, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Sở Công thương và các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng quỹ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh nhằm bình ổn thị trường. Đối với Sở Công thương cần rút kinh nghiệm trong việc hỗ trợ vốn bình ổn giá những năm sau. Trong đó, chú trọng vai trò phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Tài chính để sớm đưa nguồn vốn bình ổn đến các doanh nghiệp nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa với giá tốt nhất; nghiên cứu kỹ tình hình biến động giá cũng như xác định danh mục các mặt hàng thiết yếu để thực hiện việc bình ổn. Đồng thời, nghiên cứu, kiến nghị UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu với kế hoạch dài hạn, không chỉ trong dịp Tết nhằm tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn. Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông, các cơ quan Báo, Đài và các địa phương cần có kế hoạch và tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về chương trình bình ổn giá trong dịp Tết của tỉnh để người dân biết tham gia.

                                                                                    Thùy Trang