UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng triển khai đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn 10 xã về các điều kiện chăn nuôi; các trang trại xây dựng mới phải xây dựng trong khu quy hoạch, đảm bảo chấp hành tốt các điều kiện về chuồng trại, cam kết bảo vệ môi trường, điều kiện vệ sinh thú y theo Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND ngày 27/7/2011 của UBND tỉnh quy định về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thực hiện cấp sổ quản lý, cập nhật, theo dõi chăn nuôi heo, gà, trâu, bò cho các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện; cấp giấy thủ tục môi trường cho các cơ sở chăn nuôi gia súc, đối với các trang trại chăn nuôi đang hoạt động nhưng chưa có giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường theo Công văn số 1855/UBND ngày 19/9/2013 của UBND huyện để quản lý các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Qua thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn phát triển mạnh, kết hợp với trồng trọt và bảo vệ môi trường đã đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của huyện; tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn huyện duy trì ổn định so với cùng kỳ; tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn hiện nay 4.067 hộ; số trang trại là 1.597 trang trại trong đó có 285 trang trại nằm trong 19 khu chăn nuôi tập trung.
Thực hiện Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi vi phạm quy định về ô nhiễm môi trường. Kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện tiến hành nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính đối với 55/116 trường hợp, nộp kho bạc 131.500.000 đồng trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ có đơn xin cam kết bảo vệ môi trường do UBND các xã quản lý (sử dụng hầm Biogas).
Với hệ thống điện, tổng số tuyến đường điện trong khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện là 46 tuyến trong đó có 17 tuyến trung thế và 29 tuyến hạ thế (năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016: Ngân sách tỉnh đầu tư 08 công trình trung thế, tổng chiều dài 20,6km với kinh phí 4.096 triệu đồng và địa phương đầu tư 05 công trình hạ thế, tổng chiều dài 19,7km theo hình thức xã hội hóa với kinh phí 6.310 triệu đồng); với hệ thống giao thông hiện nay, có 73 tuyến đường giao thông nông thôn vào các khu chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất, trong đó có 32 tuyến trục chính (trong đó có 25 tuyến bê tông nhựa nóng và xi măng, 07 tuyến đất) và 41 tuyến nhánh (trong đó có 09 tuyến bê tông và xi măng, 32 tuyến đất). Giai đoạn 2015 – 2016, UBND huyện đã thực hiện 03 tuyến trục chính bê tông và xi măng vào các khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã Hưng Lộc.
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã tiến hành rà soát các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư để vận động, khuyến khích di dời vào khu chăn nuôi tập trung; thực hiện công tác triển khai và vận động di dời đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư theo Quyết định 891/QĐ-UBND ngày 28/3/2012 của UBND tỉnh có 20/39 cơ sở, Quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 31/8/2016 của UBND huyện có 12/73 cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm chấp hành di dời ra khỏi khu vực cấm chăn nuôi; các cơ sở còn lại đang tìm địa điểm để thực hiện di dời.
Ông Thái Bảo - Bí Thư huyện ủy, Trưởng đoàn giám sát kết luận
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình triển khai thực hiện việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện Thống Nhất cũng còn những hạn chế, đó là: Tỷ lệ lấp đầy ở các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung còn hạn chế, huyện đã quy hoạch 19 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 2.341 ha với 285 trang trại, trong đó số trang trại xây mới là 196 trang trại và chỉ có 02 khu có trang trại lấp đầy trên 50% diện tích, còn lại đa số khu chăn nuôi lấp khoảng từ 5 đến 7%; tiến độ triển khai, vận động di dời vào khu chăn nuôi tập trung còn chậm. Tổng số cơ sở đã di dời theo Quyết định 891 của UBND tỉnh đạt tỷ lệ 51,3%; Quyết định 2869 của UBND huyện chỉ đạt tỷ lệ 16,4%. Riêng năm 2016, di dời được 07 trang trại, có chiều hướng giảm so với 2015, đây là một nguyên nhân hạn chế ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi lớn tập trung, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; cơ sở hạ tầng đường giao thông, đường điện tại các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung chưa đáp ứng với nhu cầu do việc đầu tư đường giao thông, lưới điện ba pha cần vốn đầu tư lớn, dẫn đến không triển khai được lưới điện hạ thế phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó việc huy động nguồn xã hội hóa còn hạn chế; tỷ lệ xử phạt đối với các cơ sở chăn nuôi vi phạm theo quy định còn thấp. Năm 2015 và 09 tháng đầu năm 2016, xử lý vi phạm hành chính 55/116 trường hợp đạt 47% nên chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các hộ vi phạm. Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong xử lý vi phạm chưa đồng bộ, kịp thời. Ở một số xã, công tác kiểm tra chưa tích cực, cương quyết trong xử lý vi phạm.
Trên cơ sở kết quả đạt được và khó khăn, hạn chế nêu trên, đoàn giám sát đã báo cáo Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính cùng các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ cấu vốn hỗ trợ của tỉnh đối với các địa phương có khó khăn về nguồn thu, khó khăn trong việc huy động nhân dân đóng góp nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư hệ thống điện trung thế 03 pha nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện tố công tác vận động di dời các cơ sở chăn nuôi vào khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch; cho chủ trương thực hiện quy hoạch phân khu ở từng khu chăn nuôi tập trung, đồng thời tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành trung ương trong việc quy định về định mức, đơn giá để thực hiện quy hoạch chi tiết ở các khu chăn nuôi tập trung; ban hành cơ chế khuyến khích các Doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân vi sinh từ các nguồn chất thải chăn nuôi góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường; đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, có cơ chế cho vay thuận tiện để người dân có nhu cầu tiếp cận được các nguồn vốn vay đầu tư cơ sở sản xuất, thực hiện di dời vào khu chăn nuôi tập trung.
Đối với UBND huyện Thống Nhất chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế để có biện pháp khắc phục, trên cơ sở đó kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tiển của địa phương. Đối với các cơ sở chăn nuôi ngoài khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, xa dân cư và chưa có điều kiện di dời yêu cầu phải cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và cam kết lộ trình, thời gian phải di dời; rà soát các quy định liên quan đến cấp phép xây dựng trong khu chăn nuôi tập trung những vấn đề gì còn bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung; tiếp tục rà soát cơ sở hạ tầng tại các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung để có phương án đầu tư hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ chăn nuôi di dời; tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ để vận động, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi di dời vào khu quy hoạch; làm tốt công tác vận động di dời đối với các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ các hộ, cơ sở chăn nuôi lập dự án đầu tư, di dời vào khu chăn nuôi tập trung; tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết đối với các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, gây ô nhiểm môi trường; thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành của tỉnh, nhất là những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc thuộc về quy định, liên quan đến cơ chế, chính sách để thống nhất kiến nghị với UBND tỉnh sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Trương Thị Hộp