Công an tỉnh đã tổ chức phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông - 2012; mở 03 cao điểm bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT, tập trung xử lý nghiêm vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và theo các chuyên đề... đã phát hiện, xử lý 715.335 trường hợp vi phạm trật tự ATGT (gồm 695.382 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, 16.400 trường hợp vi phạm trật tự đô thị và 3.553 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy), xử phạt 703.261 trường hợp, thu nộp kho bạc 175 tỷ 248 triệu 266 ngàn đồng.
Tuy nhiên tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là tình hình hoạt động của các băng nhóm có nhiều đối tượng tham gia, mang tính chất lưu manh, táo bạo, coi thường pháp luật, sẵn sàng dùng hung khí tấn công nạn nhân hoặc lực lượng chức năng. Đặc biệt có vụ đối tượng cướp, giết người giữa ban ngày, cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản trên các tuyến đường chính tại trung tâm thành phố Biên Hòa và thị trấn, gây chết người và thương tích cho nhiều người dân đã gây tâm lý hoang mang cho một bộ phận nhân dân trong tỉnh.
Tình hình tội phạm hình sự xảy ra 1.800 vụ, tăng 250 vụ so với cùng kỳ năm 2011, tăng 16,1%, làm chết 56 người, bị thương 371 người, tài sản thiệt hại trị giá 26,2 tỷ đồng. Tội phạm tăng tập trung ở nhóm tội xâm phạm sở hữu và cố ý gây thương tích. Đáng chú ý trong năm 2012 tội phạm giết người xảy ra 47 vụ, trong đó xảy ra 7 vụ giết người cướp tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tội trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trên tổng số vụ phạm pháp hình sự (trong năm 2012 xảy ra 971 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 53,9% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự)…
Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp và chưa đạt được chỉ tiêu đề ra về giảm số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2012, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 749 vụ (giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm 2011), làm chết 339 người (tăng 41 người so với cùng kỳ năm 2011), bị thương 913 người (giảm 49 người); Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 16 vụ (giảm 03 vụ), làm chết 12 người, bị thương 04 người; Tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 02 vụ (tăng 02 vụ), chết 02 người (tăng 02 người)…
Tội phạm kinh tế phát hiện 271 vụ, giảm 90 vụ so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, phát hiện 20 vụ xâm phạm tài sản nhà nước, đã khởi tố điều tra 20 vụ, 35 bị can; tội tham nhũng và vi phạm khác về chức vụ xảy ra 12 vụ, đã khởi tố 12 vụ, 14 bị can... Tình hình lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản; Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường phát hiện 359 vụ, so với cùng kỳ năm 2011 phát hiện nhiều hơn 122 vụ.
Tội phạm ma tuý phát hiện, bắt xử lý 470 vụ với 1.292 đối tượng, tăng 137 vụ, 456 đối tượng so với cùng kỳ năm 2011; tình hình mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp trong các vũ trường, quán bar, karaoke có chiều hướng gia tăng; Vẫn còn xảy ra tình trạng trồng cây cần sa trái phép ở huyện Trảng Bom, Định Quán.
Tệ nạn cờ bạc diễn biến phức tạp, tính chất mức độ hoạt động phạm tội, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, diễn ra ở nhiều địa bàn… Trong năm 2012 đã triệt phá 154 tụ điểm đánh bạc, bắt xử lý 636 đối tượng…
Tệ nạn mại dâm được đấu tranh, phát hiện 32 tụ điểm mại dâm, bắt xử lý 88 đối tượng; thủ đoạn hoạt động mai dậm ngày càng tinh vi, biến tướng diễn ra ở các địa điểm mát xa, quán cà phê đèn mờ, móc nối đến các nhà trọ, nhà nghỉ để thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội hiệu quả còn hạn chế, chưa có các giải pháp phòng ngừa hiệu quả, bền vững; các băng nhóm tội phạm có tổ chức chưa được triệt phá kịp thời. Công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ, thường xuyên để bọn tội phạm lợi dụng ẩn náu, hoạt động phạm tội. Việc phối hợp giữa lực lượng Công an với các ngành, các địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự chưa thường xuyên, số đối tượng truy nã chưa bắt được còn nhiều, số đối tượng tù tha về, thanh thiếu niên chậm tiến, bỏ nhà đi chưa được quản lý chặt chẽ là những yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định về trật tự xã hội.
Công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm còn hạn chế; việc phối hợp giữa cơ quan Công an và VKSND trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đôi lúc chưa được thường xuyên, chưa đúng quy chế phối hợp liên ngành.
Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và TNXH chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo; thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và TNXH chưa thật sự chủ động trong công tác tuyên truyền, cảm hóa giáo dục những đối tượng có nguy cơ phạm tội, nhất là đối tượng đang cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đối tượng tù tha, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng về địa phương và đối tượng đang được quản lý giáo dục tại cộng đồng. Sự tham gia của người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy chưa cao, nhất là vai trò trách nhiệm của gia đình có người nghiện còn hạn chế.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng, không đảm bảo khoảng cách, thiếu quan sát, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu, bia quá quy định... ; tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên các tuyến Quốc lộ, trong đó có nhiều đối tượng là người điều khiển phương tiện giao thông từ nơi khác đến. Hệ thống đường giao thông trên một số địa bàn xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời; các tuyến đường giao thông nông thôn chất lượng chưa tốt, không có lề phụ, hành lang an toàn giao thông nhỏ hẹp nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao; các đường dẫn lên xuống bến đò, phà đã xuống cấp chưa được khắc phục;
Nhiều địa phương có dân số cơ học tăng nhanh, nhiều xã, phường có số lượng người cư trú rất đông, từ 40 ngàn đến 90 ngàn người, trong đó hơn 50% là tạm trú…Công tác phối kết hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của các ban, ngành, đoàn thể nhiều lúc chưa đồng bộ, thiếu tính chủ động, còn nặng về hình thức. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở cơ sở còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ...
Sĩ Tiến