Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 109-Qúy I-2016

TIN TỔNG HỢP

Đăng ngày: 11/10/2016
​TIN TỔNG HỢP
 

Đồng Nai là tỉnh thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong Quý 1 năm 2016

 Theo báo cáo vừa công bố của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt 4,03 tỷ USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý I, vốn FDI giải ngân cũng đạt mức cao là 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Số liệu cho thấy số dự án FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đều tăng mạnh trong quý I: số dự án cấp mới tính đến ngày 20-3 là 473 dự án, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm trước, còn số dự án tăng vốn đạt 203 dự án, tăng 99%. Xét về giá trị, số vốn đăng ký cấp mới trong kỳ đạt 2,74 tỷ USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,29 tỷ USD, tăng 107%. Trong 3 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành nghề lĩnh vực tại Việt Nam, nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 216 dự án đăng ký mới và 149 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD, chiếm 72,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam tính đến cuối quý I, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 888,7 triệu USD, tiếp theo là Singapore với 554,4 triệu USD và Đài Loan với 465,6 triệu USD. Đồng Nai là tỉnh thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong 3 tháng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 585,4 triệu USD, tiếp đến là Bắc Ninh với 398,2 triệu USD và Bình Dương với 371,9 triệu USD.

Đồng Nai hiện có trên 300 hợp tác xã

Theo Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh, trong năm qua, toàn tỉnh thành lập mới 27 hợp tác xã (HTX), tăng 35% so với kế hoạch năm; củng cố 26 HTX và giải thể 9 HTX. Lũy kế đến nay, Đồng Nai có 318 HTX, Liên hiệp HTX và quỹ tín dụng với tổng vốn điều lệ trên 1.200 tỷ đồng với hơn 93 ngàn thành viên. Phần lớn các HTX hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nội dung hoạt động còn đơn điệu, chưa hiệu quả. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều HTX đang rất khó khăn trong việc thu hút và huy động vốn từ các thành viên. Số lượng, chất lượng sản phẩm của các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp cũng chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu với số lượng lớn. Một vấn đề khác cũng được nêu ra và thu hút được nhiều ý kiến chính là việc hiện nay, đội ngũ quản lý, nhất là Hội đồng quản trị của các HTX có trình độ chuyên môn không cao, không am hiểu thị trường, không chủ động trong việc đầu tư kinh doanh, kéo theo đó là việc các HTX hoạt động chưa hiệu quả. Tại hội nghị tổng kết ngày 15/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Ban chỉ đạo cần coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX, triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX , tổ hợp tác theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

Mít tinh kỷ niệm ngày Nước thế giới

Sáng 22/3, Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Đồng Nai tổ chức kỷ niệm ngày Nước thế giới với chủ đề “Nước và việc làm” và ngày Khí tượng thế giới với chủ đề “Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”. Đây là các chủ đề do Liên hiệp quốc lựa chọn nhằm tập trung vào vai trò của Nước đối với công việc cũng như sinh kế của người dân. Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Nhận thức rõ những thách thức đó, Việt Nam luôn nỗ lực trong đàm phán hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cơ chế hợp tác quản lý hài hoà nguồn nước giữa các quốc gia. Trong những năm gần đây, vào mùa khô, lượng mưa thường thiếu hụt phổ biến từ 30%-50% so với trung bình nhiều năm, một số nơi mùa khô năm nay hầu như không có mưa, thiếu hụt trầm trọng từ 80-100% như  Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long... Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối từ khu vực miền trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng Sông Cửu Long đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm thực mặn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất và đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội. Chủ đề “Nước và Việc làm” sẽ có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế, sản xuất lương thực từ lúa gạo ở ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chủ đề cũng đưa ra thông điệp, nước và việc làm đều có sức mạnh để thay đổi cuộc sống của con người.

Vi phạm an toàn thực phẩm vẫn là mối nguy với sức khỏe người tiêu dùng 

Tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối đe dọa và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường đến sức khỏe người tiêu dùng. Đó là nhận định tại cuộc họp của Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh vào chiều 17/3. Năm 2015, các ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý hơn 1.150 vụ vi phạm an toàn thực phẩm với số tiền phạt gần 2,5 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 167 ca mắc, tăng 3 vụ và 153 ca so với năm 2014, chủ yếu do các bếp ăn tập thể. Đáng chú ý, qua giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh, trong số 132 mẫu có tới 87 mẫu không đạt (chiếm gần 66%); giám sát dư lượng kháng sinh và các hóa chất độc hại có 11/179 mẫu rau củ quả vi phạm; tỷ lệ nhiễm E.Coli trong mẫu nước đá giảm nhưng ở nước uống đóng chai và thực phẩm chín ăn ngay tăng so với năm 2014... Nổi lên trong vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm là việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta – agonist tại các trang trại, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh với việc phát hiện 29/209 mẫu dương tính với Salbutamol, chiếm tỷ lệ gần 14%. Một số khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là nguồn nguyên liệu từ các vùng lân cận nhập vào Đồng Nai rất nhiều và chưa được kiểm soát tốt; nhân lực để thực hiện kiểm soát còn thiếu; các công ty, doanh nghiệp chưa chú trọng đến nâng cao giá trị bữa ăn cho người lao động. Ban chỉ đạo kiến nghị UBND tỉnh sớm duyệt phân cấp quản lý an toàn thực phẩm của ngành Công thương, đồng thời chỉ đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đưa ra kiến nghị với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về giá trị suất ăn để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, tái tạo sức khỏe cho người lao động.

BBT (nguồn Đài PTTH ĐN)

Thành lập Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Nai

Ngày 29 tháng 02 năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định số 570/QĐ-UBND về việc thành lập Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Chi cục là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt, bão, thiên tai, nước sạch nông thôn. Cơ cấu, tổ chức gồm: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng; không quá 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo bao quát được các lĩnh vực cơ bản: hành chính, tổng hợp; thanh tra, pháp chế; quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn; quản lý đê điều; phòng, chống thiên tai. Chi cục có các Trạm Thủy lợi Vùng (liên huyện) được thành lập theo yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh và quy định của pháp luật trên cơ sở xác đinh rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Trạm và đảm bảo không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đã được thành lập trước đó. Số lượng biên chế của Chi cục do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự cân đối, bố trí trong tổng số biên chế công chức, viên chức được UBND tỉnh giao hàng năm. 

Thu Hương