* Số vụ việc vi phạm và số đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính
Từ năm 2012 đến 2017, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 90.513 vụ vi phạm hành chính; người có thẩm quyền đã xử phạt 84.071 vụ; còn lại 6.286 vụ vi phạm chưa xử phạt, chiếm tỷ lệ chưa đến 1%, nguyên nhân là một số vụ việc đang trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu về đối tượng, hành vi vi phạm; một số vụ việc đã hết thời hiệu xử phạt, đối tượng vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn thực hiện ...
Các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính chủ yếu là cá nhân (103.139 đối tượng, chiếm tỉ lệ 95,5%), trong đó số người chưa thành niên vi phạm đã bị xử phạt là 367 đối tượng.
* Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành: 111.919 quyết định, trong đó:
- Số tiền phạt thu được: 99.617.874.814 đồng.
- Số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu: 194.511.117.753 đồng.
- Tổng quyết định bị cưỡng chế thi hành: 483 quyết định.
- Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện: 155 quyết định, lý do là vì người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính không thực hiện đúng trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; không đúng tính chất, nội dung, đối tượng của các hành vi vi phạm hành chính.
Các cơ quan ngành dọc (Công an, Thuế, Thi hành án, Quân sự, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước, Cảnh sát PCCC …) trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến 2017 đã phát hiện 8.040.000 vụ vi phạm hành chính; trong đó đã xử phạt vi phạm 7.924.215 vụ, chưa xử phạt 101.834 vụ, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự 3.009 vụ; tổng số tiền phạt thu được là 7.707.436.924.628 đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm là 223.545.445.000 đồng.
* Nhận xét, đánh giá về tình hình xử phạt vi phạm hành chính
Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp phát triển năng động, tập trung đông dân cư nên tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra nhiều và diễn biến hết sức phức tạp. Số lượng vụ vi phạm hành chính đã phát hiện trên địa bàn tỉnh khá lớn, mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, số vụ vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm nhưng các hành vi vi phạm hành chính nhìn chung ngày càng có xu hướng gia tăng. Số lượng vụ vi phạm hành chính từ năm 2013 đến năm 2016 đã tăng gấp đôi. Các hành vi vi phạm hành chính đa dạng, phức tạp; trong đó tập trung ở một số ngành, lĩnh vực như: Giao thông vận tải, đất đai, xây dựng, môi trường, y tế, công thương, lao động, bảo hiểm xã hội, chiếm tỉ lệ trên 90% số lượng vụ vi phạm hành chính trên toàn tỉnh.
Các vụ việc vi phạm hành chính xảy ra tập trung ở khu vực, địa phương như: Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, kinh tế phát triển mạnh, có hệ thống giao thông nối liền với tỉnh khác, tập trung đông dân cư, đồng thời đây cũng là những địa phương tập trung số lượng đông lao động từ các tỉnh khác đến làm việc, sinh sống.
Các đơn vị, cá nhân được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết
- Các hành vi vi phạm phổ biến
* Lĩnh vực xây dựng: xây dựng không phép, sai phép, việc không trang bị bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp; tập kết vật tư không đúng nơi quy định.
* Lĩnh vực tài chính: ghi sổ kế toán không đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định, hạch toán không đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán, bảo quản và lưu trữ tài liệu không an toàn.
* Lĩnh vực thông tin và truyền thông: vi phạm đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao; điểm đăng ký thông tin thuê bao không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
* Lĩnh vực y tế: cơ sở không có giấy phép hoạt động; quảng cáo không đúng quy định; kinh doanh thuốc phi mậu dịch; hành nghề không đúng địa chỉ ghi trong giấy phép hoạt động, kinh doanh thuốc chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đã hết hiệu lực.
* Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: không đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan nhà nước về lao động cấp tỉnh; tổ chức cho người lao động làm thêm giờ quá quy định; chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
* Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: sử dụng đất không đúng mục đích; không có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, xả thải vào nguồn nước; không giám sát quá trình khai thác, sử dụng và xả nước thải; mua bán, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
* Lĩnh vực giao thông vận tải: chở hàng quá tải; vận chuyển vật liệu xây dựng làm rơi vãi trên đường; vận chuyển hành khách, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; kẻ không đúng vạch mớm nước an toàn; thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ.
* Lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: không đăng tải thông tin về kế hoạch đấu thầu, thực hiện đấu thầu không đúng trình tự theo quy định của pháp luật, thẩm định kết quả đấu thầu không căn cứ vào hồ sơ mời và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu được duyệt, nhận bảo đảm thực hiện hợp đồng không bảo đảm thời gian quyết định của hồ sơ yêu cầu được duyệt.
* Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: Kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở massage, nhà hàng, ăn uống, giải khát … không đúng quy định; gây ồn vượt quá mức quy định; không đảm bảo ánh sáng tại phòng Karaoke; không báo cáo định kỳ về tình hình an ninh, trật tự của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định; kinh doanh hoạt động Karaoke không đúng nội dung.
* Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Kinh doanh hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng; không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sử dụng phương tiện đo hết hạn kiểm định, không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường.
* Lĩnh vực công thương: Vi phạm về sử dụng điện, an toàn hóa chất, kinh doanh xăng dầu, niêm yết giá hàng hóa; kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn, mác; kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể.
- Nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm hành chính là: vì lợi ích kinh tế có được do vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân còn thấp nên dẫn đến lỗi vi phạm hành chính; công tác tuyên truyền pháp luật về vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng; mức phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực còn thấp; công tác xử phạt vi phạm hành chính một số nơi, một số lĩnh vực chưa triệt để, chưa nghiêm, ảnh hưởng tới tâm lý, ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Trọng Huy