Trong sức mạnh phi thường của quân và dân cả nước, có góp phần chiến công thần kỳ của các lực lượng binh chủng Đặc công anh hùng. Mà “Trận quyết chiến trên sông Lòng Tàu” của bảy cán bộ, chiến sĩ đại đội 5 Đoàn 10 đặc công Rừng Sác do Đinh Hữu Loan chỉ huy đã phản ánh phần nào chí khí kiên cường, bất khuất sẵn sàng quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.
Tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra trận đánh vang dội ấy- Xuân 1968. Xin giới thiệu với bạn đọc sự kiện lịch sử oanh liệt ấy .
*
* *
Tấm bản đồ tác chiến ta thu được của thám báo Mỹ trong một trận đánh trước đó, trải rộng trên mặt đất. Đại đội trưởng Đinh Hữu Loan chăm chú theo dõi không bỏ một chi tiết khi Trung đoàn trưởng Tám Sơn giao nhiệm vụ cho anh:
- Để phối hợp với các hướng đánh vào đô thành Sài Gòn, cô lập kẻ thù, gây tiếng vang trong nước và trên thế giới. Đồng thời làm một đòn sấm sét cho Mỹ-ngụy biết thế nào là sức mạnh hờn căm của một dân tộc, được nhân lên gấp bội! Theo nguyên tắc bí mật quân sự, khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới chỉ được phép tiết lộ ở một phạm vi nhất định. Song, với Đinh Hữu Loan, ông mở rộng ra nhiều về ý đồ tác chiến của trên, mới thấy sự đặc biệt tin tưởng của chỉ huy, lãnh đạo đối với anh như thế nào? Tm Sơn nói:
- Căn cứ vào yêu cầu của trên là phải “lấp” sông Lòng Tàu để chặn hướng tiếp tế bằng đường thuỷ của Mỹ đối với quân ngụy Sài Gòn. Cụ thể là: phải tạo một khối thuốc có sức công phá những con tàu trên mười nghìn tấn. Khi nó bị chìm, ta tìm cách khống chế sông Lòng Tàu ít nhất 5 ngày trở lên, để tạo thuận lợi cho các hướng. Nhiệm vụ này rõ ràng đặc biệt khó khăn, nhưng Đảng uỷ- Ban chỉ huy Đoàn rất tin tưởng giao cho đồng chí Đinh Hữu Loan, nghiên cứu, lên phương án và trực tiếp chỉ huy thực hiện!
Sau nhiều ngày, đêm vắt óc suy nghĩ, lặn lội cùng tổ trinh sát điều nghiên tìm đường hướng, sử dụng lực lượng, tính toán khối thuốc và tập thử cách điều khiển tới điểm đặt…
CUỘC HỘI NGHỊ “DIÊN HỒNG”
Vào thời điểm ấy, Đại đội 5 chỉ còn hơn hai chục tay súng, bởi quá trình chiến đấu thương vong chưa kịp bổ sung. Một cuộc hội nghị quân sự dân chủ bàn bạc, hiến kế tập thể hết sức thấu đáo, mà anh em thường nói vui là hội nghị “Diên Hồng”. Có khác chăng thành phần tham dự không phải là các bô lão thời nhà Trần mà toàn người lính đặc công thực thụ. Ai nấy da sạm đen vì nắng gió, đầm mình trong nước mặn đã bao năm rồi, cộng với suốt bốn mùa chịu đựng gian khổ, ác liệt, hy sinh vẫn ngời lên những ánh mắt kiên nghị và tấm lòng quả cảm thật đáng yêu, đáng khâm phục lắm thay.
Đinh Hữu Loan bồi hồi nhớ lại: Quanh căn hầm chữ A được bồi đắp bằng… bùn lâu ngày kết dính, nép mình dưới rừng đước đã bị bom đạn địch chém gãy gục chỉ trơ lại gốc nham nhở. Ai nấy cùng vắt óc để tìm ra những đề xuất thật mới mẻ và sáng tạo phù hợp nhất. Không ít ý kiến được bày tỏ. Cuối cùng tổng hơp lại ba phương án:
- Một là, tập trung lực lượng toàn Đại đội để gom rơm rạ từ cách đồng lúa xã Phước Khánh sau vụ gặt. Đêm tìm cách thả xuống dòng sông, khi tàu địch chạy qua sẽ cuốn vào chân vịt như “gà mắc tóc” đó là thời cơ để mình hành động.
- Hai là, dùng chiếc ghe loại nhỏ đủ chứa một lượng rổ từ 800-1000 kg thuốc hợp chất C4, sức công phá tương đương 3000 kg thuốc nổ TNT, được lắp sẵn hai dòng điện, dùng pin để điểm hoả. Khi tàu địch chạy tới điểm định sẵn. Một chiến sĩ sẽ nổ máy mở hết tốc độ lao thẳng vào tàu địch, chấp nhận sự hy sinh vì nhận nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả.
Biết nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ai cũng giơ tay xung phong, chấp nhận hành động cực kỳ dũng cảm này- ông Loan nói như vậy.
Tuy nhiên, cả hai phương án đều không được cấp trên chấp thuận, bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Cuối cùng, phương án tối ưu được Đảng uỷ- Ban chỉ huy Đoàn và Bộ tham mưu R(Mặt trận Miền) phê chuẩn.
Khối thuốc hợp chất C4-1500kg (sức công phá tương đương 3000kg loại thuốc TNT). Bên trong được cài hàng trăm kíp số 10 để phát huy hết hiệu quả. Đặc biệt bề ngoài khối thuốc được cài sẵn những thỏi nam châm để tạo ra lực hút từ trường, khi mục tiêu đi qua. Nhiệm vụ này chỉ huy Đoàn giao cho đồng chí Tư Tiên, trợ lý quân giới Đoàn phối hợp nghiên cứu, chế tạo, có sự giúp sức của chuyên môn cấp trên. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, lực lượng tham gia có 7 người đều thuộc đại đội 5 đó là: Đinh Hữu Loan, Trịnh Xuân Bảng, Nguyễn Cất Xê, Lương Văn Mướt, Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Thân và Cao Hồng Ngọt do Đinh Hữu Loan đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy.
Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, quyết tâm tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đều vững vàng. Niềm vinh dự tự hào càng nhân lên gấp bội. Sau ít ngày bồi dưỡng, nghỉ ngơi củng cố sức khoẻ để đón nhận trọng trách thiêng liêng và cao quý mà quân đội giao phó.
Trước giờ xuất kích, lễ tuyên thệ được tổ chức có sự chứng kiến của thủ trưởng Đoàn. Bảy cánh tay nắm chặt, giơ cao và hô: Xin thề! Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược! Lời thề vừa dứt thì cả khối thuốc hình chữ nhật dài 2m, rộng 1m và cao 1m trông thật đồ sộ so với sức vóc con người được từ từ hạ thuỷ, nhờ lực đỡ của những chiếc phao xuôi theo các dòng sông ra nơi trận tuyến. Lúc này là đúng 20 giờ, ngày 30 Tết Nguyên Đán.
Xuất quân từ Rạch Lá vùng lòng chảo Nhơn Trạch, ra sông Ông Kèo, tới ngã ba sông Đồng Tranh. Đêm tối như bưng, dù đã được uống mỗi người ít ngụm nước mắm, nhưng vẫn không thể xua nổi cơn lạnh của nước thấm vào da thịt. Lúc này, cả bảy anh em như một cơ thể, nhịp nhàng, ăn ý tuyệt vời. Nhờ đó khối thuốc nặng nề là thế mà cứ ngoan ngoãn theo sự điều khiển của họ. Mỗi người đều toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ.
Vượt qua bao dòng sông chảy xiết, vùng nước xoáy cuồn cuộn. Những người lính đặc công mình trần, chân đất, dao găm, súng đạn và các trang bị chiến đấu cẩn trọng đến từng động tác nhỏ. Vì rằng chỉ một sơ xuất cá nhân là dẫn đến hậu quả khôn lường. Ra đến ngã ba sông Đồng Tranh đã 23 giờ đêm, người và phương tiện an toàn. Ai nấy đều rất mừng, song qua mấy giờ ngâm mình trong nước vừa đói, rét đã thấm mệt. Loan hạ lệnh dạt vào một nơi, neo tạm khối thuốc để nghỉ ngơi, ăn lương khô cho lại sức và uống thêm nước mắm nhằm chống lại cái lạnh đang xâm lấn toàn cơ thể. Điều quan trọng hơn, anh chỉ đường hướng tiếp cận ra giữa sông Lòng Tàu, và điểm đặt khối thuốc nhằm phát huy hết tác dụng công phá khi gặp mục tiêu.
Trước mặt các anh là mênh mông sông nước, ghe cào cùng với tàu địch tuần tiễu liên tục. Quầng sáng đằng xa là đô thành Sài Gòn, nơi bộ máy chiến tranh của Mỹ-ngụy cùng bè lũ tướng tá đang phè phỡn, trác táng. Phải quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược! Lời thề ấy như nung nấu trong lòng nhắc nhở, thôi thúc các anh. Đúng 24 giờ đêm giao thừa, trong phút giao hoà rất đỗi thiêng liêng của toàn dân tộc, bảy cán bộ chiến sĩ thuỷ binh cảm tử đã điều khiển chính xác khối thuốc đặt đúng điểm chọn giữa sông Lòng Tàu rồi xì hơi các phao để cho nó chìm tận đáy sông. Qua sợi dây nhỏ được nối từ khối thuốc với người chỉ huy dù biết chắc chắn, đã đúng ý định phương án. Song Đinh Hữu Loan và Trịnh Xuân Bảng (Sau này Bảng được tuyên dương Anh hùng Quân đội) cùng lặn theo mối đầu dây để kiểm tra tư thế nằm của khối thuốc có đúng ý định, mới thật yên lòng. Trước lúc rời vị trí, cả bảy người nắm chặt tay nhau mừng rỡ thắng lợi bước đầu để bơi vào bờ triển khai nhiệm vụ chiến đấu và chờ kết quả.
Mặc dù rất tin vào kỹ thuật gói buộc lượng nổ, khối nam châm hút từ trường được quân khí cấu tạo, cải tiến hết sức công phu, nhưng Đinh Hữu Loan vẫn thấp thỏm chờ đợi, lòng anh như lửa đốt, trông chờ trời mau sáng.
Vừng đông đã hửng, mặt trời lên, từ hướng Soài Rạp cửa sông Lòng Tàu giáp biển Đông tàu chiến Mỹ nườm nượp vào cảng Sài Gòn, nhưng vẫn im lìm bởi chưa đủ lực tác động cần thiết. Tới 9 giờ 15 phút sáng mồng một Tết, chiếc tàu khổng lồ từ từ vào toạ độ chết bỗng tiếng nổ phát ra rung chuyển, một cột khói quyện với nước cao chọc trời như rồng cuộn. Con tàu bốc cháy dữ dội và từ từ chìm đáy sông sâu, trên 10 ngàn tấn bom đạn bị nổ tung; hơn 100 tên sĩ quan, binh lính và nhân viên kỹ thuật Mỹ cùng nhiều tàu hộ tống tan xác. Ta tuyệt đối an toàn. Ngay sau đó, chúng tập trung máy bay, tàu chiến, pháo các cỡ để kiềm chế, giải toả sông Lòng Tàu, nhưng đều phí công vô ích.
Được sự hỗ trợ hoả lực súng ĐKZ và 12,7 ly của Đoàn, các anh khống chế sông Lòng Tàu đúng một tuần lễ trong chiến dịch Mậu Thân lịch sử 1968- vượt cả thời gian mệnh lệnh trên giao.
Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng 3. Tất cả 7 thành viên tham gia đều được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 2 và hạng 3. Trận đánh diễn ra cách nay đã 40 năm rồi. Song giơ mỗi lần nghĩ lại đối với Đinh Hữu Loan như thấy vẫn rất gần. Và lòng càng thêm tự hào về ý nghĩa cuộc đời người lính sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc ngàn lần yêu dấu.
Nhà sáng tác Đà Lạt, tháng 12 năm 2007.
Nguyễn Quốc Hoàn