1. Cử tri ấp Long Khánh 2 xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa đề nghị UBND tỉnh xem xét lại việc giao đất cho Công ty Nông sản Long Hải. Trong quá trình thi công, Công ty này đã cuốc bỏ con đường dân sinh đã có từ năm 1980 và trước đây đã được UBND huyện Long Thành lập bản công khai quy hoạch tuyến đường này, hiện nay gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân và không đảm bảo an toàn giao thông.
Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
Công ty Cổ phần nông sản Long Hải (Công ty Long Hải) được UBND tỉnh cho thuê đất xây dựng Xưởng sơ chế và bảo quản hàng nông sản tại xã Tam Phước với diện tích 21.579m2 (Quyết định số 64/QĐ-UBND, ngày 11/01/2011) và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo phản ánh của cử tri, ngày 01/03/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Biên Hoà tổ chức kiểm tra thực địa khu đất (có sự tham dự của UBND xã Tam Phước, Trưởng ấp Long Khánh 2), kết quả cho thấy:
- Con đường dân sinh có bề rộng khoảng 5m - 5,5m đi ngang qua khu đất của Công ty Long Hải vẫn được giữ nguyên (chưa cuốc bỏ như phản ánh), nhân dân vẫn đi lại bình thường. Tuy nhiên, đường dân sinh này (diện tích 2.409,4 m2) nằm trong diện tích đất 21.579m2 của Công ty Long Hải đã được UBND tỉnh cho thuê đất để xây dựng Xưởng sơ chế và bảo quản hàng nông sản. Vì vậy, Công ty đang lập thủ tục gửi Sở Giao thông Vận tải để trình UBND tỉnh cho phép Công ty bít đường dân sinh để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch.
- Mặt khác, quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Dốc 47 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 56/QĐ.CT.UBT ngày 10/01/2005 đã huỷ bỏ con đường dân sinh nêu trên đi qua Công ty Long Hải. Đồng thời, hệ thống giao thông được quy hoạch nằm ở phía Nam của Công ty TNHH Hoàn Vũ và phía Đông của Công ty Long Hải.
Trong khi đường giao thông theo quy hoạch chưa được xây dựng, Công ty Long Hải đã mở một con đường tạm rộng 8m, rải đá dăm ở phía Đông và phía Nam thuộc phần đất của Công ty được UBND tỉnh cho thuê để cho nhân dân đi lại thuận lợi. Con đường tạm này đã được Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra xây dựng thành phố Biên Hòa, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, UBND xã Tam Phước kiểm tra, xác nhận.
Như vậy, hiện nay, con đường dân sinh như phản ánh của cư tri chưa bị bít lại và thời gian tới, việc Công ty Long Hải bít đường dân sinh để triển khai thực hiện dự án là phù hợp. Bên cạnh đó, Công ty Long Hải đã có thiện chí là mở một con đường tạm rải đá dăm để cho nhân dân đi lại trước khi tiến hành bít đường dân sinh theo quy hoạch.
Vì vậy, theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 2146/UBND-TH ngày 28/3/2012 đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa có văn bản thông báo, giải thích cho nhân dân trên địa bàn xã Tam Phước nắm rõ những nội dung sau:
- Hệ thống giao thông của khu vực cụm Công nghiệp Dốc 47 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 56/QĐ.CT.UBT ngày 10/01/2005 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm Công nghiệp Dốc 47 không có con đường dân sinh nêu trên mà được quy hoạch nằm ở phía Nam của Công ty TNHH Hoàn Vũ và phía Đông của Công ty Long Hải.
- Việc Công ty Long Hải thời gian tới tiến hành bít đường dân sinh để triển khai thực hiện dự án là phù hợp với quy hoạch và quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.
- Công ty Long Hải đã có thiện chí là mở một con đường tạm rải đá dăm để cho nhân dân đi lại thuận lợi trước khi tiến hành bít đường dân sinh trong khi Nhà nước chưa đầu tư được hệ thống giao thông theo quy hoạch.
2. Cử tri phường Tân Phong tiếp tục phản ánh: Lò đốt rác thải y tế (ở trong bệnh viện Lao cũ nay là bệnh viên Y học cổ truyền) đã quá tải đề nghị khắc phục nhanh chóng).
Sở Y tế trả lời như sau:
Lò đốt rác thải y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cũ (nay là Bệnh viện Y Dược cổ truyền) được Bộ Y tế cấp cho tỉnh Đồng Nai năm 2002; lò có công suất là 800 kg rác/1 ca (8 giờ). Những năm gần đây do lượng rác thải tăng cao, vượt công suất thiết kế của lò đốt nên Công ty Dịch vụ môi trường đô thị tỉnh Đồng Nai (đơn vị quản lý lò) đã tăng ca vận hành lò để bảo đảm đốt hết lượng rác thải mỗi ngày. Mặt khác, qua 10 năm hoạt động, lò đốt này đã xuống cấp, không đáp ứng được một số yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Trước tình hình trên, năm 2010 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng lò đốt rác thải nguy hại mới đặt tại khu vực nghĩa trang thành phố Biên Hòa. Lò đốt mới có công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ, công suất 5 tấn rác thải/ ngày-đêm. Hiện nay dự án đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành cuối quý II/2012 và khi đó sẽ dỡ bỏ lò đốt tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền. Việc đưa lò đốt mới vào vận hành sẽ đảm bảo tốt về vệ sinh môi trường và đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải nguy hại cho thành phố Biên Hòa và một phần các huyện giáp danh đến sau năm 2015.
Sở Y tế xin tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian chờ hoàn thành lò đốt mới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Công ty dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng lò đốt để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời tiếp tục bố trí tăng ca vận hành lò đốt để bảo đảm xử lý hết lượng rác thải hàng ngày.
3. Cử tri huyện Vĩnh Cửu phản ánh: Hiện nay, đội ngũ bác sĩ tại trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa Vĩnh Cửu còn rất thiếu, người dân khó khăn trong khám chữa bệnh (đi khám xa, chất lượng khám không đảm bảo vì quá tải). Đề nghị tỉnh quan tâm thu hút, đào tạo theo địa chỉ, điều chuyển bác sĩ cho các xã và bệnh viện trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.
Sở Y tế trả lời như sau:
Hiện nay thiếu bác sỹ là tình trạng chung của cả nước, đặc biệt trước năm 2010 Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ bác sỹ/ vạn dân thấp nhất nước. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp các ngành và ngành y tế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nhanh số bác sỹ, cụ thể như: Mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hóa các hình thức đào tạo; HĐND tỉnh đã ban hành chế độ hỗ trợ và thu hút bác sỹ; các cơ sở y tế cũng có chế độ hỗ trợ nhằm thu hút bác sỹ…Nhờ vậy sau 5 năm số bác sỹ trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp đôi và Đồng Nai đã có tỷ lệ bác sỹ vào loại trung bình khá so với các tỉnh trong cả nước. Mặc dù vậy, so với nhu cầu hiện nay tỉnh vẫn còn thiếu trên 200 bác sỹ; đặc biệt trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu mới chỉ có 36 bác sỹ trong hệ thống y tế nhà nước, đạt 2,6 bác sỹ/1 vạn dân, là huyện có số lượng và tỷ lệ thấp nhất tỉnh; tất cả các cơ sở y tế của huyện đều thiếu bác sỹ. Đây thực sự là khó khăn cho việc khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn huyện.
Để giải quyết khó khăn nêu trên, trong buổi làm việc ngày 20/3/2012 của Thường trực Tỉnh ủy với UBND tỉnh và các Sở, ngành về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực y tế với mục tiêu đến năm 2015 Đồng Nai đạt 8 bác sỹ/vạn dân, đạt mức cao so với cả nước. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chắc chắn những năm tới đây tỉnh sẽ có nhiều giải pháp tích cực hơn để tăng số bác sỹ công tác tại tỉnh cũng như tại Vĩnh Cửu. Tiếp thu ý kiến của cử tri, trước mắt Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tuyến trên tăng cường hỗ trợ bác sỹ cho các cơ sở y tế của Vĩnh Cửu.
3. Cử tri xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom kiến nghị nhà nước nhanh chóng triển khai dự án Tổng kho miền Đông, sớm đền bù giải tỏa, cho phép dân sử dụng đất hợp lý trước khi thu hồi đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai có quy hoạch tại huyện Trảng Bom và huyện Long Thành khu Tổng kho trung chuyển với diện tích khoảng 1.442 ha. Phần lớn khu đất này là đất cao su hiện do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang quản lý sử dụng. Việc quy hoạch Tổng kho trung chuyển nhằm tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ là lĩnh vực tỉnh đang khuyến khích đầu tư.
Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất 2009 – 2010 của tỉnh Đồng Nai chưa đưa dự án này vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất mà dự kiến phát triển vào giai đoạn 2011 – 2020.
Do vậy, thời gian qua tuy đã có một số doanh nghiệp đề nghị đầu tư nhưng do vị trí dự án chưa phù hợp và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hiện nay, Sở Xây dựng đang tiến hành lập quy hoạch chung tổng kho trung chuyển theo chỉ đạo của UBND tỉnh nên chưa có cơ sở giải quyết.
Sau khi quy hoạch sử dụng đất được bổ sung vào giai đoạn 2011 – 2020 và quy hoạch chung được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua sẽ xem xét việc thỏa thuận địa điểm cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện dự án theo quy định.
4. Cử tri xã Gia Kiệm huyện Thống Nhất đề nghị xem xét, giảm bớt cho người dân thủ tục phô-tô thẻ bảo hiểm Y tế khi đến khám, chữa bệnh tại cơ sở Y tế để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh.
Sở Y tế trả lời như sau:
Trong quy định khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT không bắt buộc người bệnh phải phô tô thẻ BHYT. Tuy nhiên, do số bệnh nhân khám bệnh quá đông, bộ phận làm thủ tục hành chính không làm kịp gây chậm trễ cho bệnh nhân và nhầm lẫn khi ghi chép số thẻ BHYT. Vì vậy các cơ sở khám chữa bệnh đã yêu cầu bệnh nhân phô tô thẻ BHYT để đẩy nhanh tốc độ thực hiện thủ tục hành chính và tránh nhầm lẫn.
Tuy nhiên, việc phô tô thẻ BHYT lại gây phiền hà cho người bệnh như ý kiến cử tri đã phản ánh. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bãi bỏ quy định này từ tháng 4/2012; nếu cơ sở khám chữa bệnh nào cần phô tô thẻ BHYT để chống nhầm lẫn thì cơ sở khám chữa bệnh phải tổ chức phô tô thẻ BHYT cho bệnh nhân và không được thu tiền của bệnh nhân.
5. Cử tri huyện Xuân Lộc kiến nghị tỉnh quan tâm hơn nữa và tăng cường các hoạt động phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo và chính sách cho hộ nghèo, thực tế hiện nay các hộ vượt nghèo nhưng chưa bền vững và mức thu nhập của hộ vượt nghèo vẫn còn ở mức thấp so với yêu cầu của cuộc sống.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 17/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững; Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 176/2010/NQ-HĐND ngày 02/7/2010 về chuẩn nghèo và Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015; UBND tỉnh có Báo cáo số 2085/BC-UBND ngày 24/3/2011 Tổng kết giai đoạn 2006-2010 và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015. Để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo UBND tỉnh có Quyết định số 2967/QĐ-UBND ngày 10/11/2010 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh Đồng Nai và Quyết định số 05/QĐ-BCĐGN ngày 21/01/2011 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo (BCĐGN) tỉnh Đồng Nai phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện chương trình.
Kết quả, hầu hết các chính sách dự án hoạt động thuộc Chương trình giảm nghèo đã được triển khai thực hiện, gồm:
- Chính sách tín dụng ưu đãi với hộ nghèo;
- Chính sách khuyến nông-lâm-ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề cho người nghèo;
- Dự án dạy nghề cho người nghèo;
- Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo;
- Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
- Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo;
- Chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo;
- Chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo;
- Chính sách hỗ trợ tiền điện và trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay do lạm phát năm 2011 tăng cao (18,23%) nên các hộ vượt nghèo nhưng chưa bền vững và mức thu nhập của hộ vượt nghèo vẫn còn ở mức thấp so với yêu cầu cuộc sống.
Để khắc phục tình trạng trên tỉnh đã có chủ trương (Nghị quyết 176) cho những hộ mới vượt chuẩn nghèo được hưởng thêm 05 chính sách như hộ nghèo trong 02 năm tiếp theo gồm: tín dụng, bảo hiểm y tế, giáo dục, dạy nghề, khuyến nông – khuyến công, để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, song vai trò quyết định vẫn là sự phấn đấu tự vươn lên của mỗi hộ nghèo, nhất là việc cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề để tạo việc làm, chi tiêu tiết kiệm, không ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.
6. Cử tri Long Khánh hỏi: Theo quy định tại Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 của UBND tỉnh, thì đối với loại đất nông nghiệp các phường xã diện tích tối thiểu được tách thửa bằng hoặc lớn hơn 500m2 là chưa phù hợp vì trong thực tế, do nhu cầu về nhà ở, người dân đã làm nhà trên đất nông nghiệp rất nhiều. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, điều chỉnh diện tích nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tách thửa, lập thủ tục để được cấp GCN QSD đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
Theo Quyết định số 68/2008/QĐ-UBND ngày 28/9/2009 của UBND tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 20/02/2012 về việc sửa đổi Khoản 3, Điều 3 và Điểm a, Khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với loại đất nông nghiệp phải lớn hơn hoặc bằng 500 m2. Quy định này của UBND tỉnh nhằm quản lý chặt chẽ đối với diện tích đất nông nghiệp, tránh việc làm manh mún đất đai gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực. Do đó, việc quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với loại đất nông nghiệp phải lớn hơn hoặc bằng 500 m2 như hiện nay là cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, đối với trường hợp thửa đất có hiện trạng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm trong qui hoạch đất ở thì được phép tách thửa theo diện tích tối thiểu đối với loại đất ở (cụ thể: ở các phường thuộc thị xã Long Khánh diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 55m2; ở các xã thuộc thị xã Long Khánh diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 65m2) và phải thực hiện đồng thời với việc lập thủ tục xin chuyển mục đích sang đất ở.