Thực hiện Kế hoạch số 48/KH.HĐND ngày 09 tháng 3 năm 2007, trong thời gian 04 ngày 14,15,20,21/3/2007, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập đoàn khảo sát việc thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đoàn khảo sát gồm có: ông Nguyễn Văn Dũng-UVTT.HĐND tỉnh-trưởng đoàn và các thành viên gồm: ông Nguyễn Văn Hùng-Trưởng Ban VHXH HĐHD tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh, Ban Tôn giáo-Dân tộc, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực HĐND, Ban KTXH HĐND các huyện Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Long Khánh. Đơn vị được khảo sát gồm có xã Tây Hòa và huyện Trảng Bom, xã Xuân Mỹ và huyện Cẩm Mỹ, xã Túc Trưng và huyện Định Quán, xã Bàu Trâm và thị xã Long Khánh.
Việc triển khai thực hiện chương trình 134 được các đơn vị tiến hành bắt đầu từ việc công bố công khai nội dung chương trình và các tiêu chí để bình xét hộ đạt đủ tiêu chí thụ hưởng chương trình, sau đó tiến hành rà soát danh sách đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, khảo sát thực trạng về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để có cơ sở bình xét các đối tượng được thụ hưởng chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình xét chọn đối tượng đạt tieu chuẩn thụ hưởng chương trình được thực hiện chưa chuẩn xác, nguyên nhân là một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ các tiêu chí để thực hiện chương trình. Có địa phương mở rộng khảo sát tất cả các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mà bỏ sót yếu tố “định cư tại chỗ, nghèo, sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp” nên con số các hộ được thụ hưởng chương trình cao hơn so thực tế. Đối với các hệ thống cấp nước tập trung, nếu theo đúng tiêu chí của chương trình, chỉ có các thôn, bản có từ 20% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên mới đạt chuẩn để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung. Thực tế một số địa phương chưa đáp ứng đủ tiêu chí này.
Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt việc đầu tư 14 hệ thống cấp nước tập trung ở cấp huyện, tuy nhiên đến nay chưa có công trình nào được khởi công, chỉ có huyện Định Quán hoàn chỉnh hồ sơ được thẩm định 02 hệ thống cấp nước, còn lại 12 hệ thống đang ở giai đoạn khoan thăm dò và hoàn tất hồ trơ trình thẩm định. Vấn đề mua dụng cụ chứa nước ở dạng phân tán hoặc hỗ trợ đào giếng bị chậm tiến độ do chưa chọn được loại hình hỗ trợ nào là phù hợp, vì có một số hộ thuộc diện được hỗ trợ dụng cụ chứa nước, tuy nhiên vì ở gần những hệ thống cấp nước tập trung được đầu tư từ chương trình nước sạch nông thôn đã được đầu tư trước đây nên đều kiến nghị được chuyển hình thức hỗ trợ từ dụng cụ chứa nước sang lắp đặt hệ thống ống nhánh vào tận nhà. Một số hộ đánh giá bồn chứa nước bằng nhựa mau hỏng, muốn được hỗ trợ bồn xi măng…nên vấn đề giải quyết phải linh động đối với hoan cảnh từng địa phương.
Vấn đề hỗ trợ nhà ở còn đang được các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương bàn bạc, lấy ý kiến đồng bào trong diện thụ hưởng chương trình để tiến tới thống nhất về mức hỗ trợ, mẫu thiết kế, quy cách, vật liệu để bảo đảm tính ổn định lâu dài và phù hợp với tập quán sinh sống của từng dân tộc. Có nhiều luồng ý kiến đóng góp xoay quanh một số mức hỗ trợ chính là 10 triệu, 15 triệu và 20 triệu đồng cho mot căn nhà, trong đó cho rằng nếu hỗ trợ 20 triệu đồng/căn nhà thì một số đối tượng thuộc diện thụ hưởng chương trình 134 nhưng đồng thời cũng vừa được xét cấp nhà tình thương chỉ trị giá 7 triệu đồng, vậy giá trị căn nhà tình thương sẽ chênh lệch quá nhiều so với mức hỗ trợ sẽ gây nên tâm lý so bì, hơn nữa là quá sức đối với khả năng bù đắp của ngân sách, nhất là ngân sách cấp huyện. Nếu hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng/căn nhà thì phù hợp với biến động vật giá và đỡ chênh lệch so với trị giá căn nhà tình thương hơn, bảo đảm nguyên tắc “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”, khả năng ngân sách tỉnh và huyện có thể đáp ứng. Nếu thực hiện phương án này thì trước mắt chưa phải bàn đến việc nâng cấp cho các hộ được hưởng nhà tình thương. Ngoài ra, còn một số hộ đã có nhà ở đang cần được hỗ trợ sửa chữa, nhưng trong chương trình không có quy định về việc hỗ trợ này.
Đối với hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, khả năng các huyện chỉ giải quyết được cho một số hộ đặc biệt khó khăn, không thể có đủ quỹ đất để giải quyết cho tất cả các hộ theo tiêu chuẩn thụ hưởng của chương trình vì việc thu hồi đất của các nông, lâm trường không đơn giản và cần phải có lộ trình. Tỉnh đã có chủ trương giao cho Sở Tài nguyên&Môi trường phối hợp với các huyện, thị xã để tiến hành kiểm tra, rà soát đối tượng được thụ hưởng đồng thời xem xét quỹ đất để có đề xuất cụ thể về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào. Ngoài ra, Ban chỉ đạo chương trình 135 đã có kiến nghị với tỉnh chuyển sang triển khai các dự án chăn nuôi và đe nghị giao cho Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn chủ trì, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, để cải thiện được một cách căn bản, lâu dài cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số là một việc cần phải có tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Một số dự án được đề nghị như chăn nuôi bò sinh sản, trồng nấm mèo, buôn bán nhỏ, các dịch vụ khác…Đối với dự án chăn nuôi bò sinh sản, nhiều địa phương cho rằng không khả thi vì quỹ đất khong còn nhiều thì cũng không có chỗ để chăn thả. Một số địa phương nhất trí với việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Vấn đề này rất được tỉnh Đồng Nai quan tâm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, dù thích hợp với dư án nào thì việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng là việc cần thiết, mang lại hiệu quả bền vững. Hướng trước mắt đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân tiêu biểu trong số đồng bào dân tộc thiểu số có nghề nghiệp, có công ăn việc làm ổn định động viên, khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực phấn đấu học văn hóa và học nghề. Đối với lực lượng lao động lớn tuổi se có chương trình hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm tại địa phương ( khuyến nông, thủ công mỹ nghệ…). Ngoài ra, nên có công tác rà soát trường hợp một số hộ cần được hỗ trợ nhà ở nhưng do chưa có hộ khẩu nên chưa được xét chọn là đối tượng thụ hưởng chương trình, ngoài ra cần có quy hoạch xây dựng làng dân tộc bền vững cho các hộ không có và thiếu đất ở để có hướng phát triển lâu dài.
Kim Chung