Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 92-T1&T2-2013

Vấn đề dạy thêm-Học thêm: có nên khuyến khích hay không?

Đăng ngày: 18/06/2013
​Vấn đề chất lượng của việc dạy và học đang được toàn xã hội quan tâm, ảnh hưởng lâu dài đến tương lai và sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Tình trạng giáo viên dạy thêm cho bài giống như chương trình chính khóa và giải sẵn cho học sinh học thuộc lòng để làm kiểm tra tại lớp, giúp các học sinh học thêm đạt điểm cao là một hiện tượng không lành mạnh khiến cho nhiều phụ huynh phải cho con, em đi học thêm, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. 

​     Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VIII, đại biểu Nguyễn  Thị Minh Tâm đã đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tại Đồng Nai có tình trạng này hay không? Nếu có thì ngành Giáo dục và Đào tạo có giải pháp và biện pháp nào để xử lý dứt điểm, nếu chưa có thì sẽ thực hiện như thế nào để ngăn chặn. 

     Dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thực của một số ít học sinh và phụ huynh học sinh hiện nay. Thông qua hình thức dạy thêm, học thêm đã góp phần cùng nhà trường nâng chất lượng cho những học sinh có học lực từ yếu lên trung bình, từ trung bình lên khá và số học sinh có học lực khá được ôn luyện nâng cao để có kết quả tốt trong các kỳ thi tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng hàng năm. Nhìn chung đa số các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm đều thực hiện đúng những quy định của ngành về dạy thêm, học thêm, đúng với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của nhà giáo. Tuy nhiên, vẫn còn có số ít thầy cô giáo đã đặt  mục đích kinh tế cá nhân mình lên trên mục đích chính là bồi dưỡng, củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh từ đó đã có những việc làm tiêu cực như: dạy trước bài học trên lớp, học sinh nào đi học thêm sẽ được “ưu ái” hơn như dư luận đã phản ảnh là có thật. Những việc làm không đúng với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người thầy đã gây ra những dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy, của ngành giáo dục và đào tạo. 

IMG_9808.jpg
Đại biểu trao đổi tại giờ giải lao của kỳ họp​ 

     Để quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngày 31/7/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ- BGDĐT; với trách nhiệm quản lý ngành, căn cứ những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường THPT xét duyệt, cấp phép, thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh hạn chế thấp nhất những biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Thanh tra chuyên ngành cũng lồng ghép kiểm tra dạy thêm học thêm trong các đợt thanh tra toàn diện các nhà trường theo kế hoạch; thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề và đột xuất theo theo đơn thư phản ánh nhằm mục đích chấn chỉnh và xử lý nếu phát hiện có tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý một số giáo viên, cụ thể năm học : 2008 - 2009  đã xử phạt vi phạm hành chính một giáo viên THPT và thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Học kỳ I Năm học 2012 – 2013: đã xử lý kỷ luật một giáo viên THPT với hình thức cảnh cáo và thông báo trong toàn ngành. Ngày 25, 26/11/2012 đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính một cơ sở dạy thêm tại thành phố Biên Hòa, Quyết định đình chỉ hoạt động giảng dạy của cơ sở này (Cơ sở dạy thêm này do một  giáo viên từ thành phố Hồ Chí Minh đến mở lớp giảng dạy không xin phép và thiếu các điều kiện theo quy định). Với các Quy định mới tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo, soạn văn bản nhằm cụ thể hóa một số quy định của Bộ về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành. Sau khi có văn bản quy định của tỉnh được ban hành, Sở giáo dục và đào tạo sẽ triển khai thực hiện đúng tinh thần văn bản của Bộ của Tỉnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chấn chỉnh và quản lý dạy thêm, học thêm có hiệu quả hơn, cụ thể sẽ tăng cường giáo dục công tác tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, lương tâm trách nhiệm nhà giáo; Hiệu trưởng các trường tăng cường kiểm tra chương trình, nội dung giảng dạy chính khóa trên lớp; sau khi có Quy định của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT cùng các địa phương theo phân cấp quản lý sẽ tiến hành xem xét cấp phép cho các nhà trường có tổ chức dạy thêm, đưa việc dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng học thêm vào nhà trường, giao cho Hiệu trưởng quản lý. Những trường nào đã tổ chức học hai buổi/ ngày, học sinh nào đã học 2 buổi/ ngày thi không được tổ chức dạy thêm, học thêm. Giáo viên THCS, THPT đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không được tổ chức dạy thêm, chỉ được tham gia dạy thêm trong nhà trường hoặc các cơ sở dạy thêm khi được phép. Không được tổ chức dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học (Nếu cơ sở nào đủ điều kiện giáo viên thì chỉ được tổ chức bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

DSC04543.jpg
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
trả lời chất vấn tại kỳ họp​
 

     Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là không cho giáo viên Tiểu học dạy thêm, hoặc trông các cháu trái buổi thì cha mẹ các cháu không an tâm để đi làm. Ngành GD&ĐT hiểu rõ  những khó khăn của một số phụ huynh có con em đang học tiểu học, nhưng do tâm sinh lý lứa tuổi, các em nhỏ cần được học, được chơi một cách hài hòa. Thông qua hoạt động vui chơi để hình thành tư duy độc lập, phát triển thể chất, tình cảm, hình thành mối quan hệ tốt với môi trường xung quanh, với cộng đồng… giúp các em có sức khỏe, trí tuệ để phát triển toàn diện vì vậy Bộ GD&ĐT quy định không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học. Nếu như cơ sở vật chất các trường và đội ngũ giáo viên đầy đủ nhà trường tổ chức dạy 2 buổi, có thời gian để các em vui chơi hợp lý giúp các em phát triển toàn diện để cha mẹ các em an tâm đi làm, đó là điều lý tưởng nhất. Trong khi cơ sở vật chất các trường chưa đáp ứng được, chúng tôi cũng mong các bậc phụ huynh, xã hội cùng chia sẻ với ngành GD&ĐT, tự sắp xếp đảm bảo cho các cháu được học, nghỉ, vui chơi một cách hài hòa.

     Như vậy, thực trạng học sinh nào đi học thêm thì sẽ được ”ưu ái ” hơn là vấn đề có thật, và không còn mang tính cá biệt mà đại biểu đã nghe cử tri phản ánh ngày càng nhiều hơn. Điều đó xuất phát từ thực trạng một bộ phận giáo viên đặt mục đích cá nhân lên trên vấn đề lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của nhà giáo là những người thuộc tầng lớp cao quý, rất được xã hội trọng vọng. Điều này, thực chất không phải từ bản chất là có nên ”cấm” hay ”không cấm” dạy thêm, học thêm vì việc dạy thêm và học thêm xuất phát từ nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề ở chỗ thầy cô giáo nên tách bạch việc dạy thêm độc lập với chương trình chính khóa, để làm sao chương trình chính khóa phải đảm bảo cho các học sinh không đi học thêm vẫn có thể hiểu bài, vẫn có thể là học sinh khá, giỏi nếu các em thực sự có học lực tốt. 

                                                                               Kim Chung