Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 191/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về mức phân bổ chi ngân sách địa phương và tỷ lệ (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2016 cho thấy, định mức phân bổ chi ngân sách địa phương gồm 14 chỉ tiêu phân bổ chi ngân sách địa phương. Tiêu chí phân bổ chung lấy dân số làm cơ sở chính cho việc phân bổ ngân sách địa phương là hợp lý. Định mức phân bổ chi ngân sách đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối NSNN và ngân sách từng địa phương; thực hiện được các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo và đáp ứng nguồn lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước và của mỗi cấp chính quyền địa phương; đồng thời, tạo điều kiện chủ động cho các Sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng ngân sách có hiệu quả.
Việc phân cấp nguồn thu cho các cấp được thực hiện theo đúng quy định, phân cấp gắn với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, UBND các cấp tỉnh, huyện, xã đều tổ chức và khai thác nguồn thu theo nhiệm vụ được phân cấp, số thu của năm sau đều cao hơn so với năm trước. Việc phân bổ định mức luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch trên cơ sở hệ thống các căn cứ, nguyên tắc, tiêu chí cụ thể theo quy định đã góp phần khắc phục những hoạt động chi ngân sách không rõ ràng, hạn chế tối đa cơ chế xin cho.
Từ sự cố gắng, nỗ lực và sự điều hành của UBND các cấp, kết quả thu, chi ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh như sau: Tổng số thu NSĐP được hưởng là 100.326.129 triệu đồng (nếu không tính số bổ sung từ ngân sách Trung ương thì số thu NSĐP được hưởng là 97.738.051 triệu đồng), trong đó: Thu trong cân đối là 83.537.617 triệu đồng; thu để lại chi quản lý qua ngân sách là 14.200.434 triệu đồng; thu trợ cấp từ ngân sách Trung ương là 2.588.079 triệu đồng. Tổng số chi NSĐP là 98.664.525 triệu đồng, trong đó: Chi trong cân đối là 98.664.525 triệu đồng, gồm chi đầu tư phát triển là 24.721.956 triệu đồng và chi thường xuyên là 47.607.018 triệu đồng; các khoản chi quản lý qua ngân sách là 12.469.577 triệu đồng
Về tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp: tỷ lệ phân chia giữa các cấp ngân sách Trung ương và địa phương thực hiện đúng theo quy định của Bộ Tài chính; tỷ lệ phân chia giữa các cấp ngân sách không vượt quá tỷ lệ % NSĐP được hưởng; phần lớn tỷ lệ phân chia đối với các cấp ngân sách phù hợp với điều hành ngân sách của từng cấp. Tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa các cấp được đảm bảo trong thời kỳ ổn định 5 năm tạo điều kiện cho các huyện chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao và tăng cường khai thác các nguồn thu được phân cấp trên địa bàn; đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong phân bổ dự toán thu NSNN hàng năm. Về phân chia tỷ lệ nguồn thu tiền sử dụng đất: UBND tỉnh đã phân bổ hết nguồn thu tiền sử dụng đất cho các cấp ngân sách theo tỷ lệ ngân sách cấp tỉnh 60% bao gồm 30% bổ sung vào quỹ phát triển nhà ở, 30% bổ sung vào quỹ phát triển đất; 40% còn lại điều tiết cho cấp huyện là phù hợp và cơ bản đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng trên địa bàn gắn với nguồn thu được phân cấp.
Tuy nhiên, định mức phân bổ chi ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2016 còn nhiều hạn chế nhất định. Do biến động của nền kinh tế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; bên cạnh đó, nhiệm vụ chi ngân sách ngày càng tăng do nhiều chế độ, chính sách mới ban hành và thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo quy định của Chính phủ. Từ đó, thu ngân sách của từng cấp gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán chi của các đơn vị, một số đơn vị chưa đáp ứng được nhiệm vụ chi được phân cấp. Đối với các địa phương có dân số thấp, diện tích rộng, địa hình phức tạp (như Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú….) định mức phân bổ ngân sách cho từng lĩnh vực mặc dù đã có hệ số ưu tiên vùng, miền nhưng các địa phương vẫn khó khăn trong việc cân đối ngân sách để đảm bảo các nhiệm vụ chi theo phân cấp. Đặc biệt là các địa phương có nguồn thu thấp, nhận trợ cấp nhiều thì càng về cuối thời kỳ ổn định ngân sách càng khó khăn do số bổ sung cân đối được ổn định, mức hỗ trợ tăng thêm không đáp ứng nhu cầu chi của địa phương trong khi nhiệm vụ chi ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, định mức phân bổ ngân chi sách còn thấp, chưa đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu chi của từng lĩnh vực và chỉ đảm bảo trong năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách. Những năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách do ảnh hưởng của yếu tố trượt giá cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao đã tác động đến tính ổn định của mức chi. Cụ thể một số nội dung chi chưa được đảm bảo như: Định mức chi sự nghiệp giáo dục còn thấp, chưa đảm bảo tỷ lệ cơ cấu chi theo quy định (chi cho con người là 80% và hoạt động là 20%). Hàng năm, UBND tỉnh phải cấp kinh phí bổ sung cho ngành giáo dục, tuy nhiên cũng chỉ bù đắp được một phần; trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ngành giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn. Định mức chi sự nghiệp kinh tế hiện nay cũng rất thấp (đặc biệt là các huyện đang trong giai đoạn phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới thì gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn lực), như chi kinh phí sự nghiệp giao thông, sự nghiệp môi trường, kiến thiết thị chính;… Định mức chi quản lý hành chính (nguồn lương, phụ cấp và các khoản đóng góp) đối với cấp xã còn thấp và chưa đảm bảo.
Về tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp: đề án phân chia tỷ lệ nguồn thu giai đoạn 2011-2015 được xây dựng trên cơ sở tăng dần số lượng đơn vị cấp huyện, cấp xã tự chủ cân đối ngân sách và giảm trợ cấp ngân sách ở cấp trên cho cấp dưới, theo đề án có 31 đơn vị cấp xã, 01 đơn vị cấp huyện (thành phố Biên Hòa) tự cân đối thu - chi ngân sách. Qua thực tế các năm cho thấy, ngân sách tỉnh vẫn phải bổ sung nhiều đợt có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các nhiệm vụ chi của thành phố như sự nghiệp kiến thiết thị chính, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đào tạo…
Ông Lại Thế Thông – UVTT, Trưởng ban KTNS HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát
Một số nguồn thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường…, tỉnh giao chỉ tiêu dự toán thu cho các địa phương nhưng ngân sách địa phương không được hưởng tỷ lệ điều tiết, gây khó khăn trong cân đối thực hiện nhiệm vụ chi ở địa phương và chưa tạo sự khích lệ cho địa phương trong quá trình thực hiện.
Việc phân chia tỷ lệ nguồn thu tiền sử dụng đất trong thời gian qua cơ bản đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng trên địa bàn gắn với nguồn thu được phân cấp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số huyện tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đó phải thực hiện hoàn trả tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp nên ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với thành phố Biên Hòa vừa được công nhận thành phố đô thị loại I, cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển, đặc biệt là vốn để giải quyết nhu cầu tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất và nguồn thu tiền sử dụng đất là một nguồn lớn để bổ sung vốn đầu tư nhưng tỷ lệ thu tiền sử dụng đất cho thành phố Biên Hòa là chưa đáp ứng được nhiệm vụ đầu tư xây dựng…
Qua giám sát, Ban KT-NS ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn của các đơn vị. Đồng thời, kiến nghị các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp rà soát lại các nguồn thu, nhiệm vụ chi để xây dựng định mức dựa trên cơ sở phân tích, dự báo nhu cầu chi của các lĩnh vực năm 2017 và giai đoạn 2017-2020 nhằm đảm bảo thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Lê Lài