Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh nói riêng và pháp luật về dân quân tự vệ nói chung, công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
* Về tổ chức và bảo đảm chế độ, chính sách:
- Các xã, phường, thị trấn đều bố trí đủ số lượng Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự của địa phương. Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 hệ số lương tối thiểu. Ngoài ra, Chỉ huy phó quân sự còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị với mức 0,22 hệ số lương tối thiểu; hỗ trợ tiền ăn, đóng bảo hiểm xã hội. Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn có thời gian công tác liên tục từ đủ 5 năm trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên, mỗi năm công tác bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, cứ 01 năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng. Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được hưởng chế độ công tác phí như công chức cấp xã.
- Thôn đội trưởng được hưởng phụ cấp hàng tháng và phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị lần lượt là 0,5 và 0,12 hệ số lương tối thiểu.
- Đối với lực lượng dân quân thường trực tại huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn được hưởng phụ cấp với mức 01 ngày hưởng là 0,08 hệ số lương tối thiểu. Dân quân nòng cốt (trừ dân quân thường trực) khi được huy động làm nhiệm vụ hoặc thực hiện quyết định điều động của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Dân quân tự vệ được trợ cấp ngày công lao động bằng hệ số 0,1 mức lương tối thiểu; ngoài ra, nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ hoặc ở nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại thì được hưởng chế độ theo quy định của Luật Lao động.
Khi dân quân nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, nếu tiếp tục được kéo dài thời hạn tham gia thực hiện nghĩa vụ thì ngoài chế độ theo quy định chung, khi được huy động làm nhiệm vụ được hưởng trợ cấp ngày công lao động tăng thêm 01 ngày bằng 0,04 hệ số lương tối thiểu.
Dân quân nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân thường trực thì được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ và được hỗ trợ với mức từ một đến ba tháng lương tối thiểu chung tương ứng với thời gian làm nhiệm vụ dân quân thường trực.
* Về nơi làm việc và trang thiết bị; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật của dân quân tự vệ; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ và huấn luyện dân quân tự vệ nòng cốt
- Tính đến nay, đã có 155/171 trụ sở, nơi làm việc của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được xây dựng, sữa chữa nâng cấp. Trang thiết bị nơi làm việc của Ban Chỉ huy được đảm bảo theo tiêu chuẩn, định mức quy định.
- Việc đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tiến hành theo quy chế đào tạo do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành. Công tác huấn luyện dân quân tự vệ nòng cốt được thực hiện thường xuyên, đảm bảo theo chương trình, nội dung huấn luyện và danh mục vật chất bảo đảm huấn luyện dân quân tự vệ. Chế độ bồi dưỡng, tập huấn đối với cán bộ dân quân tự vệ (bồi dưỡng tập trung về chính trị, quân sự, pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn và tập huấn hàng năm đối với các đối tượng) được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng.
- Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ, chế độ đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật được đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Với những kết quả đạt được nêu trên, đã góp phần xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh vững mạnh, toàn diện, thực sự là chỗ dựa, là công cụ tin cậy bảo vệ Đảng, chính quyền ở cơ sở, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh xảy ra; cùng với các lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trọng Huy