Với những giải pháp tích cực; bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ tỉnh đã tập trung huy động từ nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn: ngân sách, tín dụng, từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nguồn xã hội hóa…Nguồn vốn ngân sách được tập trung huy động theo hướng ưu tiên và ngày càng tăng, nguồn tín dụng, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã bám sát các chương trình, mục tiêu kinh tế của tỉnh về xây dựng và phát triển nông thôn mới; vận dụng phù hợp các chính sách về nông thôn để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vay vốn đầu tư đã từng bước đóng góp tích cực vào việc đầu tư và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Nguồn vốn huy động trên cho đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới cơ bản được quản lý tốt, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với từng nguồn vốn. Công tác quản lý sử dụng đất công trên địa bàn gắn với việc phục vụ quá trình xây dựng phát triển nông thôn mới ngày càng được quan tâm và đạt hiệu quả hơn, nhất là quỹ đất dành cho xây dựng công trình công cộng, phúc lợi như: đường giao thông, trường học, bệnh viện…
Nguồn nhân lực khu vực nông thôn được quan tâm phát triển trên tất cả các lĩnh vực về số lượng và chất lượng; nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở đã từng bước được nâng lên rõ rệt; riêng cán bộ nông nghiệp xã đều đã đạt trình độ từ trung cấp trở lên. Bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, kiện toàn, đổi mới với lực lượng lao động cơ bản đảm bảo về số lượng và đạt chuẩn về quy định, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu xây dựng và phát triên nông thôn mới. Công tác đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được quan tâm triển khai và đạt kết nhất định.
Nhìn chung từ những kết quả huy động, đầu tư trên tình hình nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: nông nghiệp phát triển tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng 90% so với năm 2010; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện; vai trò chủ thể, quyền làm chủ của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Qua đánh giá kết quả 05 năm thực hiện, cho thấy các nguồn lực huy động có tăng qua các năm, nhưng còn thấp so với tiềm năng, yêu cầu đặt ra đối với xây dựng và phát triển nông thôn mới trên địa bàn; công tác quản lý, sử dụng vốn còn nhiều bất cập, dàn trải, chưa tập trung, dẫn đến có công trình trọng điểm việc đầu tư còn chậm, kéo dài, ngược lại một số công trình được đầu tư thì hoạt động không hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức giúp việc cho Chương trình xây dựng nông thôn mới được cũng cố, kiện toàn chậm; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp một số nơi chưa tốt, chưa thể hiện rõ vai trò.
Từ những kết quả và hạn chế nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05 tháng 9 năm 2016 đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu trong việc huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển nông thôn mới đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể của tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là tập trung huy động cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để xây dựng tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới theo hướng bốn có (có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt; có an ninh, trật tự đảm bảo, có môi trường sinh thái phát triển bền vững); đồng thời, phấn đấu phát triển đối với các địa phương đã đạt theo hướng 04 hướng nâng cao (nâng cao phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, nâng cao các tiện tích đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn). Dựa trên những mục tiêu trên nghị quyết đã đề ra những chỉ tiêu cần đạt được trong thời gian tới là phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 đạt 216 ngàn tỷ đồng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đến năm 2020 có 100% đạt chuẩn theo quy định; đào tạo nghề cho hơn 25.000 lao động nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt 65%; đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu trên, Đồng Nai sẽ tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho các địa phương, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân góp sức. Đồng Nai xác định, việc then chốt trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tính đến thời điểm này, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong cả nước về huyện đạt chuẩn nông thôn mới với ước thực hiện hết năm 2016 toàn tỉnh đạt 06 huyện trong đó có 111 xã và 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trương Thị Hộp