Báo cáo tham luận tại Hội
nghị, Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đều đồng
quan điểm cho rằng thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện,
quận, phường là chủ trương phù hợp với đề án Chính quyền đô thị. Suốt một năm qua tiếng nói đồng thuận đã được khẳng
định, nhân dân đồng tình và có sự thống nhất của các ngành, các cấp. Tự nhận xét về
những kết quả đã đạt được, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho
rằng kết quả địa phương đã đạt được cơ bản như thành phố Hồ Chí Minh tuy nhiên
thành phố Hồ Chí Minh có sự nổi trội hơn, triệt để hơn.

Chủ
tọa Hội nghị
Qua một năm thí điểm bước
đầu đã thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, khắc phục trùng lắp về
chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng
cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính Nhà nước và phát huy dân chủ trực
tiếp cơ sở.
Vai trò của người đứng đầu
bộ máy Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường rõ nét hơn thông qua việc Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp trên bổ nhiệm thành viên Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp
từ đó đã gia tăng tác dụng thẩm quyền của người thực hiện việc bổ nhiệm và đề
cao trách nhiệm của người được bổ nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, hiệu lực quản lý cán bộ, công chức của cơ quan Nhà nước cấp
trên đối với cán bộ được bổ nhiệm cũng được tăng cường. Thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường đã
không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc
phòng, chăm lo đời sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn đã tạo được sự
đồng thuận của nhân dân.
Bên cạnh những thuận lợi và
kết quả đạt được nêu trên, cũng còn một số hạn chế, vướng mắc, như: số lượng
đại biểu Hội đồng nhân dân chưa được bổ sung tương xứng với nhiệm vụ mới; khó
khăn trong việc thực hiện quy trình lập dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước
hàng năm đối với các nơi thí điểm. Về giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân
huyện, quận, phường và việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của công dân, các
địa phương cho rằng cần được tiếp tục thể chế hoá và giao cụ thể cho cơ quan có
thẩm quyền thực hiện. Chức năng giám sát của Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng cấp đối với Ủy ban nhân dân cũng cần được
quy định rõ.
Về hoạt động giám sát, các
địa phương kiến nghị cần bổ sung chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân thành
phố, HĐND tỉnh đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện. Trình
tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy
ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân đối với
nhân sự tại chỗ và nhân sự từ nơi khác chuyển đến phải được quy định cụ thể hơn
(không cần thiết lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban nhân dân khi đề nghị bổ
nhiệm nhân sự từ nơi khác đến).

Đồng
chí Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Nhiều kinh nghiệm
rút ra qua thực hiện thí điểm được trình bày tại Hội nghị, đó là sự chỉ đạo tập trung của các
cấp ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tổ chức triển khai, ban hành các văn bản chỉ
đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời phản ánh với Trung ương những vướng mắc trong
quá trình triển khai (như: đề xuất chế độ, chính sách đối với Thường trực Hội
đồng nhân dân huyện, quận, phường), đồng thời quan tâm khen thưởng kịp thời các
đại biểu Hội đồng nhân dân đã có thời gian phục vụ nhiều nhiệm kỳ.
Công tác chuẩn bị triển khai
thí điểm phải được làm kỹ để tạo sự đồng thuận từ trong cấp Ủy, Chính quyền,
Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đến nhân dân trong suốt quá trình triển khai
thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Xây dựng và triển
khai kế hoạch thực hiện phải cụ thể, rõ ràng đặc biệt là có nhiều hình thức tổ
chức tuyên truyền phong phú, sáng tạo giúp việc truyền đạt thông tin về những
nội dung thí điểm đến các tầng lớp nhân dân diễn ra trên diện rộng. Trong quá
trình tổ chức thực hiện, có sự chỉ đạo kiên quyết thống nhất từ Ban chỉ đạo thí
điểm đến Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn và sự phối hợp chặt
chẽ giữa các sở, ban ngành thành phố.

Đồng chí Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND
thành phố Hồ Chí Minh báo cáo
tham luận tại Hội nghị
Để việc thực hiện thí điểm
trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, các địa phương xác định những nội
dung chính cần thực hiện đó là việc đánh giá, tập
hợp, phản ảnh những vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm, đồng thời đề xuất
các giải pháp để việc thực hiện thí điểm được tốt hơn; tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến về thí điểm bằng nhiều hình thức; tổ chức khảo sát ý kiến
người dân qua việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện,
quận, phường để đảm bảo cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung thí
điểm. Đến cuối quý III năm 2010,
việc tổng kết thí điểm sẽ được thực hiện theo đúng tiến độ chung.
Nếu như việc thí điểm của
thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là việc thực hiện chủ trương
chung của Bộ Chính trị, Quốc hội và triển khai tại nhiều địa phương trong cả
nước thì hai mô hình thí điểm của Đồng Nai là việc tự tổ chức để rút kinh nghiệm
mà xuất phát điểm là tình hình, yêu cầu thực tế cũng như mong muốn nâng cao vai
trò, vị thế của HĐND. Cũng chính vì vậy mà hai mô hình thí điểm này thu hút sự
quan tâm lớn của các đại biểu. Với sự trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, đại diện
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã dẫn dắt hội nghị tìm hiểu từ nguyên nhân tổ
chức thí điểm; kết quả thí điểm; những thuận lợi, khó khăn; những kinh nghiệm
rút ra từ thực tiễn; những vấn đề cần quan tâm thực hiện để hoạt động của các
mô hình thí điểm đạt hiệu quả hơn nữa. Từ báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh
Đồng Nai, sau hội nghị, Đồng chí Tòng Thị Phóng còn dành một ngày làm việc để
đi đến các địa phương trong tỉnh nắm tình hình thực tế và đồng chí đã ghi nhận
những kết quả ấn tượng mà các địa phương đã làm được.
Cùng với ba mô hình
thí điểm nêu trên, các đoàn tham gia Hội nghị cũng bày tỏ sự quan tâm và mong
muốn học tập kinh nghiệm đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt
động HĐND và hoạt động Văn phòng cũng như việc bố trí đại biểu HĐND hoạt động
chuyên trách mà Đồng Nai đang thực hiện.
Ngoài ra, các đoàn từ các địa phương cũng
như khách mời Trung ương đồng quan điểm cho rằng năm 2010 này, Thường trực HĐND
tỉnh Đồng Nai đã thể hiện sự sáng tạo và năng động của mình khi lựa chọn vấn đề
vừa có tính lý luận chuyên sâu vừa mang tính thực tiễn để đưa ra bàn bạc, thảo
luận tại Hội nghị, đó là việc xem xét, thảo luận về các điều kiện đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của
HĐND có hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở đánh giá tình hình, kết quả thực hiện
Luật tổ chức HĐND&UBND.
Hội nghị Thường
trực HĐND các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ lần thứ nhất vòng II do
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức đã thành công và để lại nhiều
ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu tham dự.
Nguyễn Thị Oanh