Đánh giá về công tác phối hợp giữa HĐND hai cấp trong thời gian qua cho thấy Thường trực HĐND hai cấp tỉnh và huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ; mỗi cấp đã hoàn thành việc tổ chức 02 kỳ họp quan trọng của HĐND, hoàn thành công tác bàn giao công việc của HĐND hai nhiệm kỳ, là cơ sở để HĐND nhiệm kỳ mới triển khai thực hiện nhiệm vụ đến cuối năm 2011 và những năm tiếp theo. Việc trao đổi thông tin được thực hiện thường xuyên nhanh chóng qua đó tránh được sự trùng lắp trong hoạt động, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND mỗi cấp.
Để đảm bảo chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND ba cấp trên địa bàn tỉnh đều tăng số lượng đại biểu chuyên trách so với nhiệm kỳ trước đây, tuy nhiên việc giải quyết chế độ, chính sách hiện nay còn khó khăn, vướng mắc nhất là đối với cán bộ công tác tại HĐND cấp xã. Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, phối hợp với UBND tỉnh xử lý vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi của cán bộ công chức góp phần vào việc bảo đảm chất lượng hoạt động của HĐND. Đối với công tác phối hợp giữa tổ đại biểu với HĐND cấp huyện, HĐND cấp xã, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị tăng cường trong thời gian tới để giúp cho HĐND mỗi cấp thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Thường trực HĐND cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp dưới đặc biệt là hướng dẫn của Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện với Thường trực và Ban HĐND cấp xã để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Về hoạt động của các tổ đại biểu HĐND tỉnh, hiện nay, hầu hết các tổ đại biểu đã xây dựng chương trình hoạt động, dự kiến các nội dung giám sát theo chương trình. Đề nghị các tổ đại biểu quan tâm triển khai thực hiện theo đúng nội dung đã đề ra; đối với các tổ đại biểu chưa xây dựng chương trình hoạt động, khẩn trương xây dựng chương trình báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh để đảm bảo tính chủ động trong việc thực hiện tốt quy chế đã được HĐND tỉnh ban hành. Trong hoạt động giám sát, đề nghị các Đoàn giám sát lựa chọn nội dung phù hợp; quá trình giám sát, tùy thuộc vào nội dung cụ thể có thể phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; giám sát phải đảm bảo có chiều sâu và phải đảm bảo việc theo dõi thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND tỉnh triển khai đến các thành viên trong tổ về trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia các đoàn giám sát khi được mời để đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ của đại biểu theo quy chế hoạt động đồng thời giúp cho đại biểu thu thập thông tin phục vụ cho việc thảo luận và quyết định các vấn đề tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, Tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện xây dựng lịch tiếp xúc cử tri cụ thể, đảm bảo sự chủ động về thời gian và thông báo đến các đại biểu HĐND tỉnh để thực hiện. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo trong hệ thống UBMTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với Tổ đại biểu và Thường trực HĐND cấp huyện trong hoạt động tiếp xúc cử tri; chú trọng việc đảm bảo chất lượng trong công tác tổ chức, điều hành các Hội nghị tiếp xúc. Liên quan đến trách nhiệm phối hợp của UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh phối hợp, tạo điều kiện cho lãnh đạo, cán bộ công chức là đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tiếp xúc cử tri và tham dự kỳ họp theo quy định.
Tổng hợp các nội dung thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng kiến nghị đối với UBND tỉnh về 05 vấn đề.
Thứ nhất: Vấn đề giải quyết vay vốn đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo việc bổ sung và chuyển nguồn vốn của tỉnh để hỗ trợ nguồn cho vay đối với các hộ nghèo theo chuẩn ban hành kèm theo Nghị quyết số 176/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VII về chuẩn nghèo và chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015.
Thứ hai: Triển khai thực hiện các công trình giao thông nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình xã hội hóa giao thông nông thôn đã huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân hoặc đang triển khai thực hiện nhưng đã dừng tiến độ để đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Xuất phát từ những kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các đại biểu tham dự cuộc họp giao ban, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các dự án, có hướng tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án có tính chất đặc thù, cần thiết.
Thứ ba: Vấn đề tranh chấp đất giữa các hộ dân ấp Hòa Trung xã Ngọc Định huyện Định Quán (sinh sống nhiều năm trên đất lâm nghiệp) với Công ty TNHHMTV Công nghiệp La Ngà đã tồn tại nhiều năm, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát để xử lý dứt điểm vần đề này.
Thứ tư: Về đơn giá xây dựng nhà ở để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất: Quyết định số 72/2008 ngày 30/10/2008 của UBND tỉnh Ban hành đơn giá xây dựng nhà ở để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, để bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, để định giá trong các vụ án của Tòa án, Thi hành án và để định giá trong các nghiệp vụ kinh tế khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo cụ thể hóa Nghị quyết số 85/2006/NQ-HĐND ngày 21/12/2006 của HĐND tỉnh hiện nay không còn phù hợp do có sự biến động lớn về giá cả trên thị trường gây khó khăn khi bồi thường cho người dân. Trong khi đó, Nghị quyết số 85/2006/NQ-HĐND quy định: “Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, giao UBND tỉnh xem xét, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi thực hiện. Kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất”. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát việc thực hiện quyết định này; trường hợp cần thiết có thể vận dụng các quy định hiện hành để điều chỉnh đơn giá cho phù hợp với tình hình cụ thể, bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Thứ năm: Vấn đề ổn định cuộc sống của nhân dân hai xã Mã Đà, Hiếu Liêm huyện Vĩnh Cửu: Ngày 11/7/2002, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 43/2002/NQ-HĐND6 về việc thành lập hai xã Mã Đà, Hiếu Liêm thuộc huyện Vĩnh Cửu; ngày 13/3/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2003/NĐ-CP về việc thành lập các xã Mã Đà, Hiếu Liêm thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai nhưng việc triển khai thực hiện hai văn bản trên chậm làm ảnh hưởng đến việc ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh cũng giao trách nhiệm Ban Kinh tế Ngân sách chủ trì, phối hợp với tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Vĩnh Cửu tổ chức giám sát việc triển khai thi công đường ĐT 768 theo đề nghị của tổ đại biểu.
Đối với vấn đề tổ chức giao ban giữa các Ban HĐND tỉnh với Ban HĐND cấp huyện, tùy tình hình cụ thể, các Ban HĐND tỉnh có thể tổ chức giao ban, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các Ban HĐND cấp huyện; chú trọng việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động giao ban.
Về hướng dẫn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh nhất trí với đề nghị về việc tổ chức trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp đặc biệt là đại biểu HĐND cấp xã. Về nội dung, thống nhất sẽ tập trung chủ yếu vào các hoạt động của HĐND liên quan đến lĩnh vực Tài chính, Kinh tế và Ngân sách. Về thời gian cụ thể, sau khi tổng hợp nhu cầu của các địa phương, Thường trực HĐND tỉnh sẽ có thông báo sau.
Việc thực hiện những nội dung kết luận tại cuộc họp giao ban sẽ được Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, tổng hợp và báo cáo trong cuộc họp giao ban tiếp theo.
Ngô Trọng Phúc